Thứ Tư, ngày 22.01.2014
Cả đêm qua, bộ tham mưu chắc là mất
ngủ để nghĩ ra cái mẹo con nít này – những cái đầu rỗng đang được trưng
ra trước công chúng! – và trưng ra giữa thủ đô yêu dấu vào một sớm chủ
nhật trời quá đẹp! . Qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính
giả nghe bài “Một Viên Đá Bị Cắt, Những Tiếng Loa, Và Mấy cái Đầu Rỗng”
của Phạm Toàn, sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối
nay
Cuộc gặp gỡ sáng chủ nhật 19 tháng 1 năm 2014, để tưởng niệm 74 chiến
sĩ liệt sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đã diễn ra thật
là... vui, vui đến tức cười. Mới đầu, thấy mình cười cợt, cũng chợt nghĩ
thật là thất thố trước anh linh những người đã hy sinh mạng sống cho
đất nước. Sau rồi nghĩ lại, thì thấy nếu các anh hùng được chứng kiến
cảnh nhà cầm quyền phô trương những cái đầu rỗng của họ qua năng lực tổ
chức những tiếng loa và tiếng máy khoan... cắt chơi vào một hòn đá, cốt
phá phách cuộc tưởng niệm, có lẽ các anh cũng phải... cười theo luôn.
Tôi xin kể thong thả, lần lượt, thấy đâu kể đó, nhớ gì kể nấy, kể hầu
các bạn vắng mặt, và kể như một lời tôi đang khấn vong linh các anh, cả
74 anh ở trận Hoàng Sa lẫn 64 anh ở trận Gạc Ma – những người anh em bà
con ruột rà chung của mỗi người dân Việt còn có liêm sỉ.
Tâm trạng riêng tôi là sự phập phồng chờ đón cuộc tưởng niệm ngày 19
tháng 1 năm 2014 này. Tôi tự nhủ mình sẽ phải có mặt trong cuộc lễ.
Những cuộc "xuống đường" nhiều lần trước tôi không dám tham gia, vì tôi
không thể đi bộ nhanh, càng không thể chạy, hễ vận động nhanh là nghẹt
thở, mà không vận động nhanh thì làm sao tránh khỏi bị lôi sang trại
giam nhân quyền ở Lộc Hà?
Và thế là, ngay lập tức nhóm Cánh Buồm hẹn nhau ai ở Hà Nội, sáng sớm
chủ nhật, sẽ đến cất xe ở nhà Dương Tường rồi cùng đi bộ ra địa điểm
tưởng niệm ở chân tượng đài Lý Thái Tổ.
Cá nhân tôi rất muốn có dịp để mấy em trong nhóm biên soạn sách giáo
khoa cùng đi dự lễ tưởng niệm. Cũng là điều tốt nếu các em chứng kiến
một hành xử dân chủ và lịch sự, do đó mà biết tôn trọng những người tới
dâng hương đồng bào yêu nước đã ngã xuống ở Hoàng Sa (và Gạc Ma). Càng
tốt hơn nữa, nếu các em thấy những điều chướng tai gai mắt... Lý do chỉ
đơn giản thế này thôi: các em quá trong trắng, các em cũng đỗ đạt này nọ
đấy, nhưng một đời đi học là một đời bị bưng bít, nên các em có quá ít
thông tin để có thể trưởng thành đầy đủ. Những đầu óc "trên mây" ấy khó
có thể đi tiếp con đường cải cách giáo dục như nhóm từng mơ ước.
Chúng tôi đi chầm chậm dọc đường Tràng Tiền rồi ra vườn hoa Chí Linh.
Chúng tôi lên thẳng chỗ tượng đài và thấy một bà cụ đang quét các ngóc
ngách ở chân tượng. Quét xong, cụ nhìn chúng rôi ra vẻ tạm biệt và chống
gậy con cón ra đi. Tôi giữ tay cụ, hỏi tuổi. Cụ bảo "hơn chín mươi rồi,
ngày nào cũng ra đây quét chân tượng". Lát nữa, chính tôi cùng những
người đến tưởng niệm mỗi người một bông cúc trắng có băng đen in chữ
tưởng niệm Hoàng Sa cũng đặt hoa tại chân tượng này nơi bà cụ không tên
tuổi đã quét dọn sạch sẽ. Và khi cuộc lễ tưởng niệm còn chưa kết thúc,
thì lại có hai người đàn bà trẻ hơn nhiều, vội vã đến đây "quét dọn".
Một trong hai người đàn bà trẻ tuổi ấy nói với người kia như ra lênh,
"quét mẹ nó hết đi". Thật lạ lùng! Bà cụ già hơn chín mươi tuổi lưng
còng kia chắc chắn không phải là sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ
nghĩa. Còn hai chị này: họ ăn lương của ai để làm công việc súc phạm anh
linh những liệt sĩ đã bỏ mình cho họ được ăn nói hỗn hào? Một xã hội
khuyến khích những mụ công dân thủ đô có tâm hồn eo hẹp đến vậy, bảo làm
sao không đẻ ra những quái thai có học vị bác sĩ Y khoa tên là Cát
Tường?
Mở màn cho cuộc vui cười ra nước mắt là một ông quãng dăm chục tuổi.
Anh ta đeo một chiếc loa, tay cầm micro, đến sát chúng tôi khi đó mới
chỉ có dăm bảy người quây quần trò chuyện, lần lượt gí loa vào tận mặt
chúng tôi để "mời các anh các chị đi chỗ khác, ở đây sắp thi công". Được
hỏi lại, anh ta chỉ vào sợi dây điện màu vàng nằm dưới nền gạch hoa,
"đấy, chúng tôi sắp thi công". Và rồi sau đó chừng dăm bảy phút thì họ
"thi công" thật. Bụi đá bay mù mịt vì vừa cắt đá vừa cho cái máy phải
gió gì đấy thổi cho bụi tung lên. Cùng lúc đó, cả chục cái loa di động
cũng sa sả gí sát mặt đồng bào đến dự lễ tưởng niệm mà buông những lời
lẽ với âm lượng tra tấn. Đấy là một hình thức tra tấn chứ còn gì nữa?
Tra tấn bằng cách bắt nghe tiếng ồn cùng những lời lẽ khó nghe. Tra tấn
là như thế, chứ còn gì nữa?
Thấy cái anh gọi loa đó cứ quanh quẩn gần bên, tôi nói đùa, "anh là
người Tàu phải không? Quảng Đông hay Quảng Tây?" Mọi người cười ồ lên.
Anh ta đi sang nhóm bên cạnh tôi. Nghe có tiếng người hỏi anh ta, "hôm
nay anh được trả mấy trăm?" Có anh còn rút ra tờ năm trăm ngàn giơ trước
mặt anh ta nữa. Không nghe thấy lời nói đùa, chỉ thấy tiếng cười rộ.
Nhà thơ của nhóm chúng tôi bình luận thiệt chí lí, "cả đêm qua, bộ tham
mưu chắc là mất ngủ để nghĩ ra cái mẹo con nít này" – những cái đầu rỗng
đang được trưng ra trước công chúng! – và trưng ra giữa thủ đô yêu dấu
vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp!
Vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp, được thấy rõ một bọn độc chiếm
quyền làm bẩn thủ đô của chúng ta. Nhìn hành tung của chúng ngăn cản
việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa thất thủ, có thể
đoán biết chúng là hạng người thế nào. Cá nhân tôi thì đã xác định lập
trường vì biết rõ bọn chúng từ lâu rồi. Dẫu sao, sớm chủ nhật Mười Chín
Tháng Giếng Hai Ngàn Không Trăm Mười Bốn này, chúng ta vẫn kỷ niệm được
dù không trọn vẹn ngày Hoàng Sa thất thủ và cũng vẫn dâng được hương hoa
tới những liệt sĩ đã lưu danh muôn đời cho Tổ quốc, cho dù các anh có
bị gán ghép là "NGỤY".
Chưa kể là sớm chủ nhật hôm nay tôi còn làm thêm một công việc vô
cùng tử tế: dắt mấy em trong nhóm soạn sách Cánh Buồm ra đường để các em
chứng kiến những việc làm thay cho thói quen nghe những lời nói – và kể
từ nay chắc là các em sẽ xóa cho tôi cái án treo gọi tôi là phần tử cực
đoan.
Phạm Toàn
No comments:
Post a Comment