Sunday, January 26, 2014

Nói Với Người Cộng Sản, Chủ Nhật 26.01.2014

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Mới đây công luận Việt Nam và quốc tế lại biết thêm hai tài liệu nữa, không thể chối cãi, của Đảng Cộng sản Việt Nam thời còn ông Hồ, đã thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Cộng. Đó là một bài báo trên tờ Nhân Dân ngày 9/5/1965 và một tấm bản đồ do Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa xuất bản vào thập niên 1960 đều viết và in rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta là Tây Sa và Nam Sa theo cách gọi của Trung Cộng. Tuy nhiên, như nhiều lần chúng ta đã cùng chia sẻ về bản chất vong quốc, bán nước, phản bội dân tộc của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, những tài liệu như vừa nêu, và chắc chắn còn có nhiều cứ liệu khác sẽ được bạch hóa thêm trong tương lai, không làm chúng ta quá ngạc nhiên.
Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ phải vô cùng ngạc nhiên về những nhận định, đánh giá ngộ nghĩnh, dí dỏm, hài hước nhưng lại tinh tế, sắc sảo, chính xác của dân chúng về các lãnh tụ cộng sản, về chế độ và thậm chí cả về những vấn đề có tính quốc gia, quốc tế.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nghe lại một số những đánh giá bình dân mà sâu sắc đó.
Từ trước năm 1980 trong dân đã có một câu vè như thế này:
"Thi đua ta quyết thi đua,
Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu.
Hàng đầu rồi biết đi đâu?
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi!"
Như vậy, dân chúng đã nhận ra sự ảo tưởng, sai lầm và giả dối của Đảng Cộng sản Việt Nam từ rất lâu rồi, lâu hơn cả nhiều vị trí thức gần đây mới lên tiếng bác bỏ Chủ nghĩa xã hội nhưng lại vẫn bám chặt vào Đảng.
Trong giới học sinh, sinh viên tại miền Bắc những năm 1970 đã truyền tụng một bài thơ như thế này:
"Đêm nay bác không ngủ,
Vì có quả đu đủ nằm ở trên góc tủ.
Anh đội viên thức dậy,
Thấy trời khuya lắm rồi,
Mà sao bác vẫn ngồi.
Anh đội viên nhìn bác,
Càng nhìn lại càng nghi.
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
Anh đội viên nằng nặc:
'Mời bác ngủ, bác ơi,
Trời sắp sáng mất rồi.
Bác ơi, mời bác ngủ!'
'Cháu cứ việc ngủ ngon,
Ngày mai còn cõng bác.'"
Ngay trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam cố sức bắt tất cả mọi nông dân phải vào hợp tác xã và cố công ca ngợi chính sách hợp tác xã nông nghiệp vào những năm 1960 thì người nông dân đã hát thầm với nhau thế này:
"Mỗi người làm việc bằng hai.
Để anh cán bộ mua đài sắm xe.
Mỗi người làm việc bằng ba.
Để anh cán bộ sửa nhà lát sân.
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ tậu đài tậu xe.
Chủ nhiệm quần lĩnh, áo the,
Nông dân thì để tò te ra ngoài."
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ra sức "ngăn sông, cấm chợ", kêu gọi mọi người dân phải "thắt lưng, buộc bụng" để "giải phóng miền Nam" và "xây dựng Chủ nghĩa xã hội", người dân đã phát hiện ra điều này:
"Tôn Đản là chợ vua quan,
Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần.
Bắc Qua là chợ thương nhân.
Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng."
Tôn Đản và Nhà Thờ là tên hai con phố vào trước năm 1990 có những cửa hàng đặc biệt, chỉ để cung cấp cho gia đình các quan chức cao của Đảng và nhà nước, với các loại thực phẩm hiếm có lúc đó như thịt bò, trứng cá Nga, bơ, sữa, phô-mai, rượu vang, bánh mỳ, vải len, dạ...
Còn cuộc sống của nhân dân lúc đó thì được người dân tả như thế này:
"Lương chồng, lương vợ, lương con,
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm.
Lương tâm đem chặt ra hầm,
Với rau muống luộc khen thầm là ngon."
Với chính sách tuyên truyền dối trá cộng với bộ máy an ninh trấn áp khổng lồ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khiến nhân dân ta phải sống những cuộc đời thiếu thốn, khổ cực trong thầm lặng và luôn phải ca ngợi Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao, sáng suốt như nhân dân Bắc Hàn hiện nay đang ca ngợi các lãnh tụ của họ. Nhưng, không phải nhân dân không nhận ra được bản chất thật, bộ mặt thật của chế độ và lãnh tụ. Đây là bằng chứng cho sự sáng suốt đó của nhân dân, hai câu vè nhiều người đã nghe trước thập niên 1970 tại miền Bắc:
"Một năm hai thước vải thô,
Làm sao che nổi cụ Hồ hỡi em?"
Vào đầu những năm 1990, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra sức ve vãn, kêu gọi giới tư bản nước ngoài, hợp tác quốc tế để tránh sụp đổ chế độ, trong đó người Việt đang ở nước ngoài cũng là đối tượng được đảng cộng sản nhắm đến, nhưng trong các tiệm cà phê, quán trà ở Sài Gòn và Hà Nội đã nghe thấy những câu ca dí dỏm như thế này:
"Việt minh, Việt cộng, Việt kiều,
Trong ba Việt ấy Đảng yêu Việt nào?
Việt minh thì tuổi đã cao,
Việt cộng ốm yếu, xanh xao gầy mòn.
Việt kiều tuổi hãy còn non,
Đảng yêu, Đảng quý như con trong nhà."
"Ngày đi Đảng gọi Việt gian,
Ngày về thì Đảng chuyển sang Việt kiều.
Chưa đi phản động trăm chiều,
Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng."
Ngay những ngày Đảng Cộng sản tổ chức quốc tang cho ông Võ Nguyên Giáp, dân chúng lại truyền nhau một câu vè nghe nói đã có từ lâu rồi:
"Bao giờ Đồng cạn, Hồ khô,
Chinh rơi, Giáp rách,
Cơ đồ mới hưng."
Có lẽ cả quí vị, quí bạn và chúng tôi đều không phải là những người tin vào sự mê tín, hay là những người chỉ ngồi không để ước có một tương lai tốt đẹp. Nhưng câu vè cuối cùng này đã nói được ít ra một điều rất chính xác: chỉ khi nào những ánh hào quang giả tạo và những tuyên truyền giả dối của các lãnh tụ cộng sản bị nhân dân bóc trần, vứt bỏ thì khi đó dân ta mới có thể thoát được đời nô lệ.
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(26/1/2014)

No comments:

Post a Comment