Sunday, January 12, 2014

Nói Với Người Cộng Sàn

Chủ Nhật 12.01.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Nhìn lại đoạn lịch sử của nước ta trong quãng thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền từ năm 1945 đến nay chúng ta thấy một điểm rất nổi bật: đó là chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh. Hết chiến tranh với người Pháp trong chín năm ròng từ 1946-1954, lại tiếp đến cuộc nội chiến Bắc-Nam do Đảng Cộng sản phát động trong 21 năm đến tận năm 1975. Chưa đầy bốn năm sau, Đảng Cộng sản Việt Nam lại phát động cuộc chiến với với Campuchia tại biên giới Tây Nam, kéo dài trong hơn 10 năm. Gần như đồng thời với cuộc chiến với Campuchia là nổ ra cuộc xung đột đẫm máu tại biên giới phía Bắc với Trung Cộng - hậu quả của sự xích mích đã kéo dài trước đó giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Cộng. Cuộc chiến biên giới phía Bắc cũng kéo dài lai dai tới hơn chục năm mới chấm dứt.
Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa vào chiến tranh để giành lấy quyền lực và cũng dựa vào chiến tranh để củng cố và bảo toàn quyền lực cho chính nó.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những khẩu hiệu, diễn văn do Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra trong thời gian chiến tranh, chúng ta sẽ không thể thấy được mục đích tư lợi vì quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến đã qua. Bất kể là chiến tranh với lực lượng nước ngoài như Pháp, Trung Cộng, Campuchia hay phát động chiến tranh với chính người Việt anh em ở miền Nam, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn đưa ra ngọn cờ vệ quốc để lợi dụng tấm lòng ái quốc của nhân dân ta trong việc huy động sức người, sức của cho những cuộc chiến đầy mưu tính cho lợi ích riêng của họ.
Nhưng nếu nhìn vào những chính sách hậu chiến sau mỗi cuộc chiến chúng ta sẽ thấy rõ bản chất tư lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp để giành lại tự do cho dân tộc. Nhưng sau khi chiến thắng thực dân Pháp với sự trợ giúp đặc biệt của Trung Cộng, chính quyền cộng sản Hồ Chí Minh đã lần lượt thủ tiêu tất cả các quyền tự do của người dân đã có từ thời thực dân Pháp như quyền ra báo tư nhân, quyền lập nhà xuất bản tư nhân, quyền biểu tình, quyền lập hội đoàn. Không chỉ thủ tiêu, cấm người dân thực hiện những quyền tự do như vừa kể, chính quyền Hồ Chí Minh còn tiến hành tống giam, triệt hạ tất cả những người có tư tưởng đòi hỏi những quyền tự do đó, bất kể những người đó đã từng là đồng chí hay là ân nhân của chính quyền. Những cuộc thanh trừng, giết hại, giam cầm trong các chiến dịch "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm", "xét lại chống đảng" sau năm 1954 đều có tính chất tàn bạo và ngang ngược hơn thời thực dân Pháp.
Những oan hồn trong các cuộc thanh trừng, trấn áp tự do như thế hẳn đã và vẫn đang ngậm ngùi: tham gia nếm mật, nằm gai trong suốt chín năm chống Pháp để bị chết thảm thế sao?
Khi phát động Nam tiến, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Chống Mỹ cứu nước", "Thắng giặc Mỹ sẽ xây dựng đất nước ta giàu mạnh hơn mười ngày nay". Nhưng khi người Mỹ đã đồng ý rút hết quân khỏi miền Nam vào năm 1973, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tấn công miền Nam và chỉ dừng lại khi đã lật đổ được chính quyền đối lập của người Việt tại miền Nam. Sau chiến thắng 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngần ngại phá bỏ, triệt hạ đi hết những cơ sở kinh tế, xã hội, chính trị của một quốc gia có nền tảng là kinh tế thị trường và một chính quyền dựa trên dân chủ pháp trị đã có ở miền Nam, để rồi hơn hai mươi năm sau họ lại kêu gọi thực hiện kinh tế thị trường, hô hào xây dựng nhà nước pháp trị. Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trông ngóng được Mỹ công nhận là nền "kinh tế thị trường", vẫn cầu mong được Mỹ cho tham gia hiệp ước TPP.
Vậy thử hỏi, hàng triệu thanh niên trai tráng miền Bắc đã trèo đèo, lội suối, vượt Trường Sơn vào Nam trong hai mươi mốt năm ròng để "chống Mỹ cứu nước" để được điều gì? Phải chăng để chờ người Mỹ quay lại hay để được biết toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị người đồng chí của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm trọn.
Còn kết quả của cuộc chiến biên giới Tây Nam và cuộc chiến biên giới phía Bắc hết sức đẫm máu kéo dài trong hơn 10 năm với hàng chục ngàn quân thiệt mạng là gì? Đó là những cột mốc biên giới phía Bắc đã bị lùi sâu vào phía nước ta nhiều ki-lô-mét, đó là những địa danh lịch sử như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm chỉ còn một nữa hay đã biến mất hẳn trên bản đồ Việt Nam. Đó là tình trạng chính quyền làm ngơ cho Trung Cộng xâm hại, cướp bóc ngư dân Việt Nam ngay trên biển nhà. Là tình trạng chính quyền không dám tưởng nhớ tới những binh sỹ đã tử trận vì đánh nhau với Trung Cộng.
Nhưng nếu một ngày nào đó Đảng Cộng sản Việt Nam lại có chuyện xung đột với Đảng Cộng sản Trung Quốc như năm 1979, chắc chắn họ sẽ lại hô hào mọi người dân cùng ca bài:
"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn quân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược Bành Trướng Bắc Kinh đã giày xéo giải đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương."
Và người dân lại có thể háo hức tiếp tục ra trận đổ xương máu để che chắn, bảo vệ cho quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tồn tại dưới ngọn cờ yêu nước.
Đó là một bi kịch chúng ta cần phải lưu tâm để nó không thể xảy ra một lần nữa.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(12/1/2014)

No comments:

Post a Comment