Wednesday, January 8, 2014

Họ sợ những gì?

Thứ Tư, ngày 08.01.2014    
Nếu ác quỷ Dracula sợ ánh sáng của vầng thái dương rực rỡ thì CSVN, tương tự, cũng sợ sự thật chói lòa trên quê hương yêu dấu Việt Nam. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Bùi Tín với tựa đề: "Họ Sợ Những Gì?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhóm lãnh đạo cộng sản hiện nay sợ những gì? Chúng ta cần trao đổi làm cho rõ, để hướng đấu tranh được chính xác, có hiệu quả, khi nỗi sợ chuyển dần từ phía ta sang phía người ta.
Nhân dân ta từng bị 3 hệ thống cai trị phi nhân bản, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, của vua quan phong kiến, của quan chức thực dân rồi của quan liêu cộng sản, nay dân ta đang bàn giao dần nỗi sợ cho cả hệ thống cầm quyền . Nhân dân ta càng bớt sợ họ bao nhiêu thì nỗi sợ của họ bị mất quyền, bị hỏi tội và rồi có ngày có thể phải đền tội, càng lớn dần lên. Một sự "bàn giao" tự nhiên, không có văn bản, nhưng rõ ràng, nhãn tiền, diễn ra thường xuyên, liên tục cho đến khi nền dân chủ chân chính lên ngôi.
Mà họ sợ là phải. Họ giật mình khi bức tường Berlin đổ sập trong một đêm, rồi khi các đảng CS Đông Âu tan biến, một loạt các nước đồng chí xã hội chủ nghĩa vào nằm trong nghĩa địa lịch sử. Họ càng sợ khi đảng CS Liên Xô bậc thầy của họ tan nát, Liên bang Xô viết "vĩ đại" tan hoang. Họ thêm sợ khi các nhà độc tài từ Iraq đến Tunisia, Ai Cập rồi Libya lăn kềnh khi quần chúng xuống đường nổi dậy hỏi tội độc đoán và tham nhũng.
Nhưng họ sợ gì hơn cả? Thật khó trả lời. Vì càng ngày họ càng sợ nhiều thứ, kể ra không sao hết. Họ sợ quần chúng đông đảo xuống đường đòi tự do, ruộng đất, nhân phẩm. Họ sợ sự thật. Nhà toán học Hoàng Xuân Phú, hiện là Chủ tịch hội Toán học Việt Nam, chỉ ra hai tử huyệt của họ hiện nay là "Điều 4" trong Hiến pháp về độc quyền lãnh đạo của đảng CS và "chế độ sở hữu toàn dân về đất đai", một thủ đoạn xảo quyệt để cướp đất của nông dân. Họ rất sợ ý kiến người dân nhằm vào "hai gót chân Asin" này của họ.
Họ rất sợ sự thật. Vì họ sống nhờ bộ máy tuyên truyền chuyên nghề dối trá, đổi trắng thay đen, che dấu sự thật. Do đó họ sợ nền thông tin trung thực, thâm thù báo chí, mạng lưới thông tin, các blogger tự do lề trái, bỏ tù các nhà báo tự do toàn là những "sứ giả của sự thật", bỏ tù các nhà luật học, luật sư bênh vực luật pháp và sự thật, bênh vực dân oan.
Trong vô vàn sự thật họ đặc biệt sợ tệ nạn sùng bái ông Hồ Chí Minh ngày càng bị lật tẩy, vì đây là nơi trú ẩn cuối cùng của họ về mặt chính trị và tình cảm để mê hoặc nhân dân. Họ không còn dám khoe rằng ông Hồ từng được UNESCO của LHQ suy tôn là Danh nhân Chính trị và Văn hóa của Thế giới, vì sự thật được chứng minh là không có chuyện ấy.
Hiện nay có một việc làm rất cần thiết nhưng anh chị em dấn thân cho tự do dân chủ làm chưa tốt, một việc nhóm lãnh đạo đảng CS rất sợ, đó là thành lập một hay vài cơ quan thăm dò dư luận tự do, đáng tin cậy, như ở một số nước dân chủ phát triển.
Đây là một công cụ xây dựng dân chủ rất lợi hại, sắc bén.
Hiện nay ở Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có "Trung tâm điều tra dư luận xã hội" ra đời được 30 năm, chưa có một tiếng vang nào về hoạt động của trung tâm đó, tuy chức năng và nhiệm vụ được xác định rõ ràng là: nắm bắt, phân tích, tổng hợp dư luận xã hội về những vấn đề, sự kiện quan trọng.
Lẽ ra đây phải là cơ quan "mở", "rất mở", được xã hội biết đến, nhưng nó nằm im, bất động ăn tiền mấy chục năm ròng. Vì xã hội đảo điên, niềm tin ở đảng CS lung lay, lãnh đạo bị xã hội khinh ghét, dân hết tin, điều tra dư luận một cách công khai chỉ tăng nguy cơ cho đảng nên đảng buộc nó nằm im như không hề tồn tại.
Cho nên một việc rất nên làm lúc này là xây dựng một hay vài cơ quan điều tra dư luận tự do của xã hội dân sự với phương pháp khoa học và tinh thần trách nhiệm cao, coi như điền thế cho cái Trung tâm điều tra dư luận xã hội "tồn tại mà coi như không tồn tại ", "có cũng như không", một đặc sản của Việt Nam thời độc đảng.
Mạng lưới Blogger Việt Nam thừa sức đảm nhận công việc này. Một nhóm bạn trẻ hiểu biết về tâm lý xã hội, về quan hệ công chúng, về thống kê có thể dựng lên một trung tâm như thế. Computer, điện thoại cầm tay khắp nơi, chỉ cần chọn một trăm hay khi cần năm trăm địa chỉ phân bố theo địa lý, nghề nghiệp, độ tuổi của công dân, rồi lựa chọn chủ đề theo từng thời gian, công bố công khai kết quả. Có rất nhiều chủ đề người công dân trong xã hội ta cần biết, đồng bào ta đang nghĩ gì, đa số muốn điều gì, không muốn điều gì.
Lúc ấy lãnh đạo đảng không thể tùy tiện và trơ tráo nói thay cho dân. Bao nhiêu đảng viên muốn từ bỏ cái tên "đảng Cộng sản" đã ô nhiễm để thay bằng một tên khác trong sạch? Bao nhiêu công dân muốn thay cái danh hiệu "xã hội chủ nghĩa" viển vông gán cho nước ta? Bao nhiêu công dân muốn từ bỏ nền "sở hữu toàn dân" về đất đai kỳ quái với những việc thu hồi, đền bù, cưỡng chế tàn bạo, để trở về với chế độ đa sở hữu vốn có từ xa xưa ? Đó là những "hàn thử biểu xã hội" bén nhậy chính xác rất cần cho xã hội văn minh.
Họ sợ sự thật, sợ sự minh bạch, sợ thức tỉnh của nhân dân, sợ dư luận, vậy thì Trung tâm dân sự điều tra dư luận có thể sẽ là một vũ khí hòa bình, phi bạo lực rất sắc bén, có hiệu quả cao vậy.
Bùi Tín

No comments:

Post a Comment