Thứ Hai, ngày 13.01.2014
Trong một đất nước vô trật tự, vô
pháp luật, xài luật rừng thì sinh mạng và quyền lợi của người dân gần
như vô nghĩa, tuyệt vọng. Vậy thì toàn dân phải đứng lên lấy lại quyền
điều hành đất nước công minh cho chính mình đi chứ.Để tiếp nối chương
trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi
bài viết:" Làm chó gì có luật pháp " của Phương Bích qua sự trình bày
của Nguyên Khải
Khi bị bắt vào Lộc Hà vì đi biểu tình, tôi không nhớ chính xác từng lời nhà báo Đoan Trang hỏi công an, nhưng đại ý là:
- Người dân làm cách nào để biểu đạt ý kiến của mình?
Khi báo chí đưa tin nạn trộm chó hoành hành khắp các miền quê. Người
dân bảo vệ chó của mình thì bị trộm đánh trả. Thậm chí chỉ vì bảo vệ chó
mà chủ thiệt mạng. Kết quả là người dân hợp lực nhau lại, đánh chết kẻ
trộm chó trong cơn cuồng nộ.
Chuyện nợ nần trong làm ăn, người ta không mấy khi nhờ cậy đến pháp
luật giải quyết, vì họ biết thừa không có hiệu quả. Thế mới sinh ra các
nhóm đòi nợ xã hội đen đỏ tím vàng... Và lúc đó thì pháp luật lại ra tay
trị kẻ đi đòi nợ?
Tôi rất muốn hỏi các quý vị người nhà nước, dân chúng tôi phải làm gì
khi pháp luật không có tác dụng bảo vệ quyền lợi và tính mạng của mình?
***
Có lẽ chỉ có làng facebook mới nhiều người biết đến một chàng trai
tên là Trương Minh Tam, với cái nick đầy đủ là Trương Ba Không, hay ngắn
gọn chỉ là T30. Nhưng nếu ai để ý đến những cuộc biểu tình trong mùa hè
đỏ lửa năm 2011, 2012 tại Hà Nội, rất có thể đã nhiều lần nhìn thấy
chàng trai gày gò, bé nhỏ này trong các bức hình đó.
Ngày 2/6/2012, khi cuộc biểu tình chưa kịp diễn ra tại Bờ Hồ thì phần
lớn mọi người đã bị hốt lên xe buýt. Còn lại Trương Ba Không trơ trọi,
ngồi trên ghế đá Bờ Hồ, khóc vì uất nghẹn và tủi nhục cho số phận con
người Việt Nam. Sau đó, cậu gạt nước mắt, tìm đường sang Lộc Hà để cùng
đồng đội chờ đón chúng tôi.
Trong tất cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trong 2 năm
2011 và 2012 diễn ra ở Hà Nội, Mặc dù không phải là người Hà Nội, cũng
không sinh sống tại thủ đô, T30 vẫn tham gia không sót buổi nào và là
một trong những biểu tình viên nhiệt thành nhất.
Nhưng rồi cùng chung số phận với nhiều người tham gia các cuôc biểu
tình, cậu bắt đầu bị ép thôi việc, bị nhà trọ từ chối cho thuê. Lang
thang nay đây mai đó để kiếm sống, ở đâu cậu cũng bị sự trả thù vô hình
truy đuổi. Lần cuối bị mất việc, tôi cũng không biết cậu làm gì để sống,
nhưng có nghe cậu buồn phiền tâm sự, nói bị người khác nợ hơn ba chục
triệu. Sau này mới biết đại lý giao hàng cho cậu tiêu thụ nợ cậu tiền.
Đòi mãi chủ nợ không trả, cậu bèn giữ hàng của đại lý để trừ nợ. Nghĩ
mình đúng, cậu ta còn thách con nợ kiện.
Ối giời ơi, cái thằng sao mà ngu quá thể, người ta chỉ chờ có thế
thôi mà. Thế là người nhà nước liền tóm T30 vào trại giam ngay tắp lự.
Kết tội chiếm đoạt tài sản trái phép. Cô chị gái giữ hàng hộ em trai
cũng bị bắt ngay sau đó.
Sau 3 tháng tạm giam, ngày 31/12, tòa thông báo đưa chị em nhà T30 ra
xử. Bạn bè kéo nhau sang tòa án huyện Sóc Sơn để tham dự, mong cho nó
nhìn thấy mặt anh chị em mà ấm lòng.
Cổng tòa mở rộng. Mọi người vào đứng trong sân thoải mái. Ô tô còn
"được phép" đánh vào trong sân tòa. Lịch 8 giờ sáng xử. 8h15 các phòng
xử vẫn đóng cửa, tối om. Hơn 9h, thư ký của luật sư được báo miệng là
phiên xử T30 hoãn đến mồng 9/1. Luật sư vào đòi văn bản, bấy giờ nhà tòa
mới đi soạn giấy trả lời.
Đến hẹn, mồng 9/1, chúng tôi lại sang Sóc Sơn. Lần này thì khác. Cổng
tòa đóng chặt. Công an đứng ngoài khá đông. Người dân sống quanh đó
cũng cảm thấy bất thường. Người đến sớm nhất chưa đến 6 giờ sáng bảo
chưa thấy xe chở tù vào cổng. Hóa ra, xe chở tù đi cửa ngách, đưa T30
vào phòng xử lúc nào không hay. Nhưng cô chị gái vẫn báo cho T30 được,
rằng anh chị em đều đang ở ngoài rất đông.
Phiên tòa xử cũng chóng vánh. Chỉ trong vòng buổi sáng. Nó chỉ khác
thường ở chỗ chỉ là một vụ án dân sự cỏn con, nhưng lại được canh gác
nghiêm ngặt. Không một thân nhân nào của bị can được vào sân tòa, chứ
đừng nói đến vào phòng xử án. Dân xung quanh thấy tò mò thì ra hỏi,
nhưng nhất định không tin lý do chúng tôi nói. Họ khẳng định đây là vụ
án chính trị!
Khác thường nữa là T30 đã khai tại tòa, rằng có người vào làm việc
với cậu ta, "mặc cả" là nếu T30 bỏ viết bài trên facebook thì sẽ được
trắng án. Nhưng gã trai này đã khẳng khái từ chối, sẵn sàng nhận sai về
mình và chấp nhận ngồi tù.
Tôi biết lắm chứ. Kẻ có quyền nhất là những kẻ mặc thường phục. Có
sắc phục chỉ là những cỗ máy hợp pháp hóa thôi. Chốn lao tù, ai là kẻ
được quyền gặp phạm nhân để hỏi cung, mặc cả? Chao ôi, cái facebook cỏn
con bé tẻo của một thằng T30 mà khiến bọn chúng khiếp sợ đến thế sao?
Tôi chả bênh gì thằng T30. Thậm chí còn bực bội gắt gỏng khi nghe
người khác thương xót nó, bảo nó ngu thì chết chứ bệnh tật gì? Thế nhưng
tôi lại không biết nếu nó khôn thì phải làm gì, khi biết thừa có thưa
kiện ra tòa dân sự có mọt kiếp cũng chả đòi được tiền của nó. Thế nên
tôi lại muốn xin lỗi T30 vì đã chửi nó là ngu.
Từ chuyện muốn bày tỏ chính kiến cũng bị bắt, chuyện con người thiệt
mạng vì bảo vệ con chó, chuyện đi tù vì đòi nợ "không đúng quy trình"...
nhiều người nói, đừng nói là người dân, mà chính người nhà nước nếu
tuân thủ đúng pháp luật thì cũng là phúc lớn cho dân rồi.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn lặp lại câu hỏi: dân chúng tôi phải làm gì
khi pháp luật không có tác dụng bảo vệ quyền lợi và tính mạng của mình?
Phương Bích
No comments:
Post a Comment