Thứ Ba, ngày 28.01.2014
Ngu dân và Huyền thoại hóa lãnh tụ,
từ Hitler, đến Stalin, từ Mao Trạch Đông đến Hồ Chí Minh và 3 đời giòng
họ Kim của Bắc Hàn, là những quốc sách cố hữu của các chế độ độc tài,
tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận
của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Sự mù quáng vô hạn" sẽ được Song Thập
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ở Tây phương, hầu như ai cũng đồng ý 3 tên siêu sát thủ hàng đầu của thế kỷ 20 là Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông.
Trong ba người, Hitler là kẻ bị căm ghét nhất và bị lên án nhiều
nhất, nhưng thật ra, theo các sử gia, đó lại là người gây ra tội ác ít
nhất. Số nạn nhân của những tên siêu sát thủ này thay đổi theo từng tài
liệu và từng cách tính, nhưng nói chung, của Hitler là khoảng từ 17 đến
30 triệu; của Stalin là từ 40 đến 62 triệu; của Mao Trạch Đông là từ 45
đến 75 triệu. Nhìn vào con số nào, tối thiểu hay tối đa, Stalin và Mao
Trạch Đông cũng đều vượt xa Hitler.
Tất cả các tội ác của Hitler đều được công khai hóa. Ở nhiều quốc
gia, không phải việc ca ngợi mà cả việc hoài nghi hay biện bạch cho các
tội ác ấy cũng đều bị phê phán gay gắt, thậm chí, bị xem là phạm pháp.
Hitler trở thành biểu tượng của cái ác, của tội chống lại nhân loại. Mọi
người đều biết điều đó. Và công nhận điều đó.
Tội ác của Stalin được giấu giếm kỹ hơn. Suốt cả mấy chục năm, ông
được xem như một vị cha già dân tộc, hơn nữa, một cứu tinh của nhân
loại. Nhiều nhà thơ, nhà văn và trí thức nổi tiếng khắp nơi trên thế
giới đua nhau ca tụng và góp phần thần thánh hoá ông. Những lời tụng ca
ấy lan đến tận Việt Nam, trong thơ Tố Hữu: "Thương cha, thương mẹ,
thương chồng - Thương mình thương một, thương Ông thương mười."
Tuy nhiên, sau khi Stalin chết được một thời gian, trong thời xét lại
ở Liên xô, một số tội ác của Stalin bắt đầu được vạch trần; đặc biệt,
sau khi Liên xô sụp đổ, hầu như trọn vẹn những tội ác ấy đều được phanh
phui. Người ta thấy Stalin không khác gì một con quỷ dữ. Số nạn nhân bị
hành quyết chính thức lên đến cả triệu người. Số người bị chết, dưới
hình thức này hay hình thức khác, trong các trại tù và trại cải tạo lên
đến mấy triệu. Số nạn nhân mà người ta không thể đếm hết là số những
người thuộc các sắc tộc khác, kể cả người Đức và người Ukraine, bị
Stalin ra trục xuất, đày đến những nơi hoang vu hẻo lánh và đầy băng
giá, cũng như những người dân bị chết vì đói khát do các chính sách kinh
tế và kiểm soát lương thực ngặt nghèo của Stalin. Con số này lên đến
vài chục triệu.
Còn với Mao Trạch Đông?
Giống như trường hợp của Hitler và Stalin, rất khó biết được chính
xác số nạn nhân bị chết dưới tay của Mao Trạch Đông. Họ gồm hai loại
chính: Một là những người bị giết chết theo lệnh, trực tiếp hoặc gián
tiếp, của Mao (ví dụ trong thời chiến tranh trước 1949, thời cải cách
ruộng đất, thời chống xét lại và thời Cách mạng văn hóa) và hai là những
người bị chết do các chính sách của Mao gây ra, từ các chính sách thanh
trừng trong nội bộ đảng và các chính sách thanh tẩy chủng tộc ở Tibet
đến các chính sách kinh tế điên khùng dẫn đến những nạn đói kinh hoàng
nhất trong lịch sử Trung Quốc khiến cả hàng chục triệu người chết.
Vậy mà, lạ, trong khi huyền thoại Hitler đã hoàn toàn sụp đổ, huyền
thoại Stalin đã sụp đổ gần hết, huyền thoại Mao Trạch Đông tại Trung
Quốc hầu như vẫn còn nguyên vẹn. ...Nhưng sự sùng bái đối với Mao Trạch
Đông được thấy rõ nhất là vào kỷ niệm 120 ngày sinh của ông vào cuối
tháng 12 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc chi ra cả thảy hai tỉ rưỡi đô la
cho việc tưởng niệm (bao gồm cả việc bảo tồn ngôi nhà cũ của Mao cũng
như việc trùng tu một trung tâm du lịch ở địa phương). ..
Thật ra, hiện tượng sùng bái lãnh tụ như vậy cũng không có gì đáng
ngạc nhiên. Sùng bái là tâm lý chung của loài người. Nguyên nhân chính
là sự yếu đuối với hai khía cạnh: Một, tâm lý bầy đàn; và hai, ước mơ
được "cứu rỗi" qua hình ảnh của thần tượng: người ta hoặc nhìn các thần
tượng ấy như giấc mơ của chính mình hoặc hy vọng thần tượng sẽ làm thay
đổi đời mình. Ở Tây phương, trong nền văn hóa đại chúng và nặng tính
chất tiêu thụ, nhiều người cũng mê mệt với các hoàng tử và các công chúa
hay các ngôi sao trong các lãnh vực âm nhạc, điện ảnh, thể thao, v.v...
Tuy nhiên, kiểu sùng bái như vậy, về bản chất, khác hẳn kiểu sùng bái
lãnh tụ. Người ta có thể mê mệt một ngôi sao trong làng giải trí nhưng
không ai sẵn sàng chết hay hy sinh bất cứ thứ gì cho các ngôi sao ấy cả.
Trong chính trị, ngược lại, sự sùng bái mang tính chất tôn giáo, do đó,
có thể dẫn đến những hành vi tử vì đạo. Mức độ mê muội của sự sùng bái,
do đó, lớn, sâu và nghiêm trọng hơn nhiều.
Ở các nước dân chủ, về phương diện chính trị, với các lãnh tụ, người
ta có thể ngưỡng mộ, cực kỳ ngưỡng mộ, nhưng không sùng bái, hoặc nếu
sùng bái, chỉ là một sự sùng bái có mức độ.
Với tư cách một hiện tượng xã hội, sự sùng bái lãnh tụ hầu như là một
tâm lý đặc thù dưới các chế độ độc tài, từ độc tài quân phiệt đến độc
tài Cộng sản. Dưới chế độ độc tài quân phiệt, ở Iraq có Sadam Hussein; ở
Libya có Muammar Gaddafi; ...ở Việt Nam, có Hồ Chí Minh; ở Bắc Hàn có
nguyên cả dòng họ Kim, hết cha đến con rồi đến cháu, hết Lãnh tụ Vĩ đại
đến Lãnh tụ Kính yêu; ngay ở Afghanistan trước đây, Nur Muhammad Taraki,
theo đòi Cộng sản, cũng tự xưng là một "Lãnh tụ Vĩ đại" và là một "Vì
sao ở Phương Đông", v.v..
Lý do của việc gắn liền giữa chế độ độc tài và sự sùng bái lãnh tụ
rất dễ hiểu: Tất cả các chế độ độc tài đều sử dụng sự sùng bái của dân
chúng đối với lãnh tụ như một trong những chiến lược chính để xây dựng
và bảo vệ chế độ. Không có chính nghĩa và cơ sở pháp lý, họ chỉ có một
cách duy nhất để tồn tại là mê hoặc dân tâm. Biện pháp chính để mê hoặc
là tuyên truyền. Nhưng muốn tuyên truyền một cách hiệu quả thì lại cần
đến hai điều kiện khác: Một, nắm toàn bộ các phương tiện truyền thông để
có thể dập tắt tất cả những tiếng nói khác, đặc biệt, những tiếng nói
trái chiều; và hai, trình độ dân trí thấp đủ để có thể tin những lời nói
dối trá.
Thấp nên mới mê tín lâu đến như vậy.
Và vì mê tín lâu nên chế độ độc tài mới kéo dài. Dài triền miên.
Người ta thường nói độc tài đi đôi với ngu dân là vậy.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment