Thứ Tư, ngày 01.01.2014
Một nền dân chủ pháp trị không đồng
nhĩa với đạo đức, nhưng nó đem lại một trật tự xã hội trong đó đạo đức
phát huy. Trong khi đó một chế độ côn đồ công an trị làm khô héo đạo đức
truyền thống và dẫn dân tộc vào ngõ hẹp của tội ác và vị kỷ phi nhân
tính. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Huỳnh Thục Vy với tựa
đề: "Bàn Về Đạo Đức thay lời chúc Giáng Sinh" sẽ được Thanh Bình trình
bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trước nay tôi thích nói về luật pháp hơn đạo đức. Không phải do tôi
xem thường tầm quan trọng của nó trong mối các quan hệ nhân sinh mà bởi
tôi cho rằng một chuẩn mực chỉ có thể được giữ gìn khi đi kèm theo nó là
những biện pháp thúc ước hữu hiệu. Chúng ta thấy rõ luật pháp có được
điều kiện tích cực đó — cái mà đạo đức không có được hoặc có, nhưng kém
hiệu quả hơn.
Thế nhưng cuộc đấu tranh hiện nay của chúng ta là vì một thể chế dân
chủ tự do- một chế độ chính trị mà đặc trưng của nó là đạo đức, trong
khi sự sợ hãi là đặc trưng của chế độ độc tài, như Montesquieu đã nói.
Tuy nhắc đến những giá trị dân chủ tự do, chúng ta không trực tiếp đưa
ra những tuyên ngôn cho tinh thần đạo đức nhưng kỳ thực chúng ta đang cổ
vũ cho một xã hội nơi đạo đức được trọng vọng. Thật lạ đời rằng trong
một chế độ dân chủ tự do, nơi người ta không chính thức đưa đạo đức lên
như một giá trị của thể chế, nơi người ta chỉ dành nhiều thời gian và
công sức để đề cao và bảo vệ nền pháp trị thì đạo đức lại được phát huy.
Bởi xét cho cùng những giá trị như công bằng, tự do, tự thân chúng lại
là một vấn đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo đức nào yêu chuộng công bằng,
tự do. Bởi vậy, không ngoa chút nào khi ta nói xã hội dân chủ được đặc
trưng bởi đạo đức.
Trong xã hội hiện đại, con người vướng mắc vào khá nhiều vấn đề khó
tháo gỡ dù đã cố gắng không mệt mỏi theo đuổi việc hoàn thiện những định
chế chính trị và xã hội hiện có của mình . Và khi các chuẩn mực luật
pháp chẳng thể phát huy vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, chuẩn mực
đạo đức sẽ làm tiếp phần việc ấy.
Trong các chế độ độc tài, như một điều rất tự nhiên, con người thường
sống, suy nghĩ và hành động trong nỗi sợ hãi; tất cả mọi tình cảm, ý
chí và nguyện vọng hầu như chỉ để xoa dịu, khỏa lấp và thậm chí là để tự
phù hợp với nỗi sợ hãi từ tâm thức đó. Nơi đó, đạo đức chỉ là thứ yếu,
là thứ để ca ngợi chứ không phải để thực hiện. Vì thế sự băng hoại đạo
đức là hậu quả trực tiếp của nền độc tài; đến lượt mình sự suy đồi đó
lại củng cố cho sự vững mạnh của nền chuyên chính. Sự xói mòn nền tảng
đạo đức là vấn đề đáng lo nhất trong tất cả những vấn đề đáng lo ở Việt
Nam ta ngày nay. Đồng ý là thiện ác luôn song hành trong bất cứ xã hội
nào. Nhưng nếu một xã hội dung túng cái ác và không có những biện pháp
tích cực để chế tài cái ác và bảo vệ cái thiện, thì ắt xã hội đó có vấn
đề từ gốc rễ. Trong những xã hội được vận hành bằng sự sợ hãi, đạo đức
trở nên điều thứ yếu, và khi đạo đức đóng vai phụ trong nền văn hóa, cái
ác sẽ lên ngôi. Bởi vậy, dù với một lực lượng công an hùng hậu, chính
quyền Việt Nam chỉ có thể trấn áp những người dân lương thiện mà không
thể ngăn cản nổi tội phạm tung hoành khắp nơi, cũng bởi chính nó là hiện
thân vĩ đại của cái ác. Tư tưởng Hồ Chí Minh, những giáo trình giáo dục
công dân... không thể ngăn nổi những vụ giết người man rợ, hàng ngàn vụ
phá thai mỗi năm, những vụ tài xế xe tải đâm xe cho tới khi nạn nhân
chết mới thôi để khỏi tốn phí tổn y tế, cùng những vụ bê bối học
đường...
Không nói những tưởng tất cả chúng ta đều nhận thức rõ đạo đức là
nguồn mạch của nhân văn, là thứ thể hiện bản chất một xã hội. Nếu đạo
đức là nhân tố chính hình thành nên cốt cách một con người thì cũng
chính đạo đức tạo nên thần thái của một dân tộc. Theo tôi, một con người
đáng tôn kính không phải vì tiền bạc và danh vọng mà chính vì đức hạnh
của họ. Không khó hiểu khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được ca ngợi là vị Thánh
sống, một biểu tượng cho tình yêu và đạo hạnh dù Ngài chỉ là một Quốc
vương vong quốc. Cũng như thế, một dân tộc mạnh không phải vì nó có vũ
khí hạt nhân. Sức mạnh tinh thần và tiềm lực nội tại của nó phần chính
đến từ đạo đức. Xây dựng kinh tế, thủ đắc vũ khí hạt nhân đã khó khăn,
bảo vệ nền văn hóa, xây dựng một xã hội văn mình còn khó hơn gấp nhiều
lần. Thật khó tưởng tượng một dân tộc có thể hội nhập nhân loại văn minh
với nền đạo đức suy hoại của mình. Bạn sẽ coi quốc gia nào mạnh hơn,
đáng kính phục hơn: Đan Mạch hay Bắc Triều Tiên? Nơi mà một người viết
truyện cổ tích nhân văn được suy tôn là người Anh hùng dân tộc hay một
quốc gia bất hảo thủ đắc vũ khí hạt nhân, được lãnh đạo bởi một tên độc
tài bệnh hoạn? Thật vậy, giá trị tinh thần và nền văn minh của một dân
tộc bắt nguồn từ những giá trị đạo đức.
Tôi biết rằng khi nói đến đạo đức là nói đến thứ khó nắm bắt và thúc
ước. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nhận thức được vai
trò to lớn của nó. Nếu chúng ta có thể tốn giấy mực để lý luận về dân
chủ, pháp trị, thì không lý nào không thể có những nỗ lực cần thiết để
đề cao Đạo đức trong tình hình xã hội Việt Nam ngày nay. Vì thế xin mượn
bài biết này như một thông điệp của tinh thần Đạo đức và Tình yêu trong
mùa Giáng sinh. Đạo đức và Tình yêu sẽ xóa nhòa bao cuộc chia rẽ, ly
tán và tổn thương của dân tộc, sẽ giúp những người yêu nòi giống Việt
đoàn kết bên nhau trong cuộc đấu tranh cam go này.
Tam Kỳ ngày 22 tháng 12 năm 2011
Huỳnh Thục Vy
No comments:
Post a Comment