Trong một xã hội mà hiến pháp đã xác định rõ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và quyền biểu đạt ý kiến của người dân cần được cổ xúy và bảo vệ mà không bị trấn áp, truyền thông Hoa Kỳ đã giữ một vị trí quan trọng trong các hoạt động quốc gia. Không chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin đến người dân, truyền thông Hoa Kỳ còn được xem là một “cơ chế chính trị” không chính thức để giám sát và tranh luận với chính phủ về các chính sách quốc gia, điều đã và đang diễn ra hiện nay cùng tân nội các.
Thuật ngữ “Đệ tứ quyền” được học giả người Pháp Alexis De Tocqueville
đưa ra từ hơn trăm năm trước, ám chỉ thứ “quyền lực” thứ tư của người
dân thông qua báo chí, truyền thông tư nhân – là những tổ chức dân sự
không nằm dưới sự quản trị và điều hành của nhà cầm quyền như tại các
quốc gia độc tài và cộng sản. Không có quyền lực thật sự như các cơ cấu
chính phủ, nhưng nền tự do báo chí đã cho người dân một phương tiện hữu
hiệu trong việc thông tin và giám sát các chính sách cùng công việc
điều hành quốc gia, từ những các cấp chính quyền dân cử địa phương cho
đến liên bang, nội các chính phủ. Có thể xem truyền thông Phương Tây hay
Hoa Kỳ nói riêng đã thay mặt người dân để đòi hỏi tính minh bạch và
công khai hóa của chính phủ, có quyền phản biện, chỉ trích các chính
sách đi ngược lại hiến pháp, các giá trị dân chủ cùng quyền lợi của quốc
gia hay người dân.
Với quyền hiến định và luật định, giới truyền thông Hoa Kỳ có trong
tay một vũ khí lợi hại để chống lại bất cứ manh nha độc tài, bịt miệng
truyền thông nào.
Trên thực tế, cũng cần ghi nhận rằng, tính chất tư nhân và tự do của
truyền thông Hoa Kỳ, đã dẫn đến việc có không ít tờ báo hay truyền
thanh, truyền hình mang những tôn chỉ, xu hướng và mục đích chính trị
khác nhau. Những cơ quan truyền thông này tất nhiên có những giới độc
giả hay khán thính giả khác nhau, nhưng tựu trung sẽ tự giới hạn số
lượng nếu chúng chỉ nhắm đến việc phục vụ cho một nhóm độc giả, khán
thính giả có cùng quan điểm và ủng hộ các vấn đề mà các cơ quan truyền
thông này đưa ra một cách quá khích hay một chiều.
Với dăm khái niệm về xu hướng và quan điểm của mỗi hệ thống truyền
thông nói trên, cũng như nếu quen thuộc với hoạt động và tôn chỉ, đường
hướng của các hệ thống truyền thông chính thống như vậy, người ta có thể
tiếp nhận thông tin và nhìn nhận được vấn đề đa chiều với sự chính xác
và công tâm hơn, thay vì bịt mắt với những thông tin, dữ liệu khác biệt
suy nghĩ cùng sự chờ đợi của mình, cho dù nó có khả tín như thể nào.
Hoặc giả, người ta sẽ cẩn trọng hơn khi vội vàng đánh giá hay tấn công
họ bằng cảm quan hay thành kiến của mình.
Bởi giới truyền thông không miễn nhiễm trách nhiệm pháp luật nếu
những chứng cứ, thông tin và dữ liệu đưa ra là bịa đặt, sái luật. Họ có
quyền đưa ra các quan điểm đối nghịch, bình luận mang chủ đích, có thể
diễu cợt với các nhân vật đại chúng nhưng việc ngụy tạo thông tin, dữ
liệu xem ra là con dao hai lưỡi và dễ dàng bị phát hiện trong thế giới
có quá nhiều nguồn kiểm chứng như hiện nay.
Nếu xem sắc lịnh cấm cửa công dân bảy nước Hồi Giáo của tân nội các
là biện pháp hữu hiệu để ngăn chận nguy cơ khủng bố thì chính phủ cũng
cần cân nhắc về nguy cơ mà các tổ chức khủng bố sẽ dùng nó như một công
cụ tuyên truyền, khích động một làn sóng khủng bố từ chính những thanh
niên Mỹ gốc Hồi giáo thực hiện một cách bộc phát và độc lập, khó lòng
ngăn ngừa như đã từng xảy ra.
Mặt khác, khi chấp nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ không đồng nghĩa với
việc mở tung biên giới cho họ ào ạt đổ vào Mỹ, mà trên thực tế chỉ một
số rất ít những người tị nạn đã phải trải qua các quá trình thanh lọc
đầy khó khăn từ Cao Ủy Người Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và các cơ quan an
ninh Hoa Kỳ mới được đặt chân đến nước Mỹ sau vài năm chờ đợi. Khi giới
truyền thông đưa ra các thông tin hai mặt và phản biện như vậy, chúng
mang tính tích cực và hữu ích cho chính phủ và người dân trong việc
nhìn nhận vấn đề, hơn là bị xem như một sự chống đối.
Còn lại thì một nền tư pháp minh bạch và công tâm lâu đời sẽ làm công
việc phân xử tính chất hợp hiến của sắc lịnh hay bất cứ hành động nào
đó của chính phủ.
Vai trò của truyền thông ngày càng quan trọng trong một xã hội dân
chủ. Không chỉ cung cấp cho người dân các thông tin về thời sự, chính
trị, xã hội trên khắp thế giới, mà nó còn là phương tiện và sự cần thiết
để giám sát sự minh bạch của chính phủ và guồng máy điều hành quốc gia,
cũng như phản ánh thái độ và phản ứng của người dân để chính phủ có thể
điều chỉnh các chính sách một cách thích hợp hơn. Câu chuyện truyền
thông không phải là câu chuyện mới mẻ, nhưng hơn lúc nào hết, truyền
thông cần chứng tỏ bản lĩnh và sức mạnh của mình một cách trách nhiệm và
tích cực để góp phần kiểm soát và cân đối các quyền lực chính phủ theo
như hiến pháp đã định./.
Đinh Yên Thảo
No comments:
Post a Comment