Sunday, February 5, 2017

Tin Tức thứ Bảy, 04.02.2017

TinTức

VIỆT NAM CHI HÀNG TỈ ĐÔ LA NHẬP CẢNG HÓA CHẤT TRUNG CỘNG
Theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, năm 2016, CSVN đã chi khoảng 2 tỉ Mỹ kim để nhập cảng hóa chất các loại, trong đó khoảng 75% là từ Trung cộng. So với năm 2015, kim ngạch nhập cảng các loại hóa chất do Trung cộng sản xuất đã tăng thêm khoảng 200 triệu Mỹ kim. Cũng theo cơ quan này thì VN sở dĩ nhập cảng từ Trung cộng nhiều như vậy là vì chi phí vận chuyển thấp và vì nhiều doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam là bạn hàng thân thiết của doanh nghiệp, thương nhân Trung cộng. Bốn năm vừa qua, mỗi năm Việt Nam chi hơn 400 triệu Mỹ kim để nhập từ Trung cộng các loại thuốc diệt trừ côn trùng có hại cho cây cối. Tuy nhiên, số lượng thuốc diệt côn trùng được đưa từ Trung cộng vào Việt Nam qua con đường “cửu vạn”, tức lén lút chuyển vận qua biên giới, thì lớn hơn gấp bội. Tất cả những hóa chất diệt côn trùng này đều là thuốc độc đối với con người và môi trường, nhưng tai hại này hoàn toàn không được nhà cầm quyền quan tâm.

3 GIA ĐÌNH VỪA VƯỢT BIÊN TỪ VIỆT NAM QUA ÚC BẰNG ĐƯỜNG BIỂN
Qua facebook ngày 3/2, Luật sư Võ An Đôn cho biết, ông vừa nhận được tin 3 gia đình của các bà Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc đang trên đường vượt biên từ Việt Nam qua Úc bằng đường biển, hiện đã qua khỏi lãnh hải Indonesia và đang tiến vào hải phận nước Úc. Cả 3 gia đình này đã từng vượt biên qua Úc nhưng đã bị trả về Việt Nam vào tháng 7/2015 và đã bị tù giam về tội “Tổ chức trốn đi nước ngoài trái phép”. Qua điện thoại, bà Loan và bà Lụa cho biết nếu lần vượt biên này chính phủ Úc không nhận mà bị trả về nước, thì hai chị sẽ nhảy xuống biển tự tử, chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ 2.

HÀNG KHÔNG MẪU HẠM THỨ HAI CỦA TRUNG CỘNG SẼ NEO ĐẬU GẦN BIỂN ĐÔNG
Ngày 01/02, báo chí Trung cộng loan tin chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai hoàn toàn do Trung cộng đóng suốt 2 năm 9 tháng, sẽ được hoàn tất trong sáu tháng đầu năm 2017, và sẽ mang tên Sơn Đông. Chiếc tàu này sẽ neo đậu gần Biển Đông để đối phó với những tình huống phức tạp ở vùng biển đang tranh chấp, là nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo và cũng là nơi mà căng thẳng với Hoa Kỳ đang gia tăng, nhất là kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG HOA KỲ CÔNG DU CHÂU Á NHẰM TRẤN AN CÁC ĐỒNG MINH
Ngày 2/2 vừa qua, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến Nam Hàn với mục đích “trấn an các đồng minh châu Á” vì có nhiều người quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump, do tập trung “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà bỏ rơi châu Á khi các quốc gia ở châu lục này đang phải đối mặt với tham vọng bành trướng của Trung cộng. Theo các nhà bình luận thì chuyến đi này của ông Mattis cũng khiến Hà Nội an tâm hơn về vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á.

SẮC LỆNH NGƯNG NHẬP CẢNH NGƯỜI TỴ NẠN CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP BỊ PHẢN ĐỐI
Vào ngày 27/1 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somallia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Sắc lệnh này đã bị rất nhiều chính trị gia cũng như người dân Hoa Kỳ phản đối. Ngày 30/1, tiểu bang Washington loan báo sẽ đưa vụ việc này ra tòa. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện cũng loan báo sẽ ra dự luật tìm cách chấm dứt lệnh cấm này. Các đồng minh của Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về sắc lệnh này của ông Trump.
Tuy nhiên, ngày 2/2, ông Trump lên tiếng kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, cho rằng đây là động thái cần thiết để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ trước làn sóng khủng bố đang lan rộng, do đó, phải rà soát kỹ lưỡng hơn nữa đối với những cá nhân muốn nhập cảnh vào Mỹ. Ông cho rằng Mỹ đang bị nhiều quốc gia trên thế giới lợi dụng một cách rõ ràng và ông tuyên bố “điều đó sẽ không xảy ra nữa”.

CỰU TƯ LỆNH LỰC LƯỢNG QUỐC PHÒNG ÚC CHO RẰNG: ĐÃ ‘QUÁ MUỘN’ ĐỂ NGĂN CẢN TRUNG CỘNG XÂM CHIẾM BIỂN ĐÔNG
Trong một buổi hội thảo an ninh quốc gia ở Canberra, ông Angus Houston, Cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc, phát biểu rằng những hình ảnh mà ông nhìn thấy về việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông cho thấy sự hiện diện của Trung cộng là “vĩnh viễn”, và hiện nay đã quá muộn để ngăn cản Trung cộng ở Biển Đông. Ông Houston nói thêmrằng điều quan trọng bây giờ là phải bảo đảm được tự do hàng hải tại đây. Trong buổi hội thảo này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết ông quan ngại Tổng thống Donald Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại bí mật với Trung cộng, cho phép quốc gia này gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

PHI NHỜ TRUNG CỘNG TUẦN TRA CHỐNG HẢI TẶC TẠI VÙNG BIỂN PHÍA NAM
Ngày 31/01 vừa qua, Tổng thống Phi, Duterte cho biết là ông đã nhờ Trung cộng tuần tra vùng biển phía nam Philipppines để chống nạn cướp biển mà thủ phạm là các nhóm vũ trang Hồi Giáo. Nhưng ông chỉ yêu cầu Trung cộng tuần tra bằng tàu Hải Cảnh chứ không phải bằng tàu Hải Quân, và chỉ ở vùng biển quốc tế chứ không phải ở vùng biển của các quốc gia trong khu vực. Manila thường xuyên tố cáo các lực lượng Hồi Giáo cực đoan tấn công các thương thuyền, bắt cóc người ở vùng biển phía nam Philippines.

No comments:

Post a Comment