Thursday, February 16, 2017

TRÚC HỒ LỜI KINH VIỆT NAM

ThiCaYêuNước

Trúc Hồ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ,cha là nhạc sĩ Trúc Giang. Vượt biên qua Mỹ năm 1981, dù được xem là doanh nhân thành công, anh vẫn ấp ủ ước mơ dùng nghệ thuật để phục vụ quê hương khổ đau và phát triển nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
Là một nhạc sĩ trẻ, anh đã yêu như bao người trẻ khác đã yêu. Cảm nghiệm tình yêu của Trúc Hồ khởi đầu có phần bi đát:

Tình yêu là vết dao đâm vào tim
Tình yêu là những nhát roi bầm tím
Tình yêu là đóa hoa nhưng nhiều gai
Tình yêu là nỗi mê say trong đời
Biết thế, nhưng anh vẫn mê say, vẫn yêu và yêu say đắm, vì anh đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của tình yêu như một dâng hiến chung thủy
Tình yêu là khát khao mong gần nhau,
Tình yêu là nhớ thương quên ngày tháng
Tình yêu là chết cho người mình yêu
Tình yêu là sống cho nhau muôn đời
Tình yêu dành cho người yêu da diết như thế, thì tình yêu dành cho quê hương và dân tộc lại càng tha thiết hơn. Trúc Hồ đã cảm thấy lòng se thắt trước tình cảnh dân Việt phải lìa xa quê hương, sống kiếp lưu vong:
Ngày nào Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy
Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá.
Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời
Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan .
Người Việt bỏ lại sau lưng quê hương yêu dấu, chấp nhận sống lang thang nơi đất khách quê người, bởi lẽ, Việt nam hôm nay đã bị nhuộm đỏ, không còn đất sống:
Bầu trời nghìn năm bao la, đời vẫn cứ lao tù
Người vì tự do cứ đi, đi hoài dù không hề tới
Việt nam không còn đất sống nên dân Việt già trẻ lớn bé đều phải bỏ xứ ra đi. Trên đường vượt biên, một số ngươi may mắn đến bến tự do, nhưng biết bao nguời đã vùi thân trong lòng biển cả, người khác, đặc biệt là các em nhỏ bơ vơ không cha không mẹ, đã bị nhốt trong các trại cấm, tay ngửa xin tình nguời, làm cho Trúc Hồ cảm thấy đứt ruột:
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi…
Trong khi Trúc Hồ dùng âm thanh thương cảm cho nguời Việt xa xứ và các em nhỏ tại trại cấm, thì tại quê nhà, bao thanh niên thiếu nữ cũng đang ngậm đắng nuốt cay, chỉ vì yêu nước, dám lên tiếng chống ngoại xâm, mà phải chấp nhận tù tội một cách bất công và bất nhân. Trúc Hồ đã mượn lời thơ Hạ Huyên, bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người trẻ Việt Nam yêu nước:
Tôi thấy em thấp thoáng áo mẹ về
Tà áo dài trắng mẹ may…
Nếp áo quê hương
Quê hương của mình
Giờ đây từng mảnh đời nghiệt oan
Giữa dòng đời ngổn ngang
Nhưng chiếc áo vẫn trinh nguyên một nụ cười
Phương Uyên, Nguyên Kha
Áo trắng quê mẹ giờ trên đôi vai em
Từ lòng ngưỡng mộ những người trẻ yêu nước, Trúc Hồ cũng không dấu nổi sự cảm phục đối với những chiến sĩ dân chủ khác, đang can đảm trực diện với bạo quyền tại quê nhà:
Cám ơn anh kịp lớn giữa thù hằn
Tháp đôi vai gồng gánh nỗi điêu linh
Bóng vinh quang lấp sâu trong huyệt lạnh
Hay ngồi đau thầm lặng giữa thanh bình
Đây là một cuộc đối đầu khó khăn và trường kỳ, bởi lẽ kẻ thù là những phần tử tha hóa, đã đánh mất chất người, con tim bị hóa đá, trở thành vô tâm vô cảm:
Một đời cha hy sinh bên xương máu đệ huynh
Một đời anh nghe chưa an thân sau nỗi nhục vinh
Chờ cuộc sống bao dung chờ mặt đất hoan ca
Chờ đợi mãi lao đao lòng gỗ đá
Từ nỗi xót xa về những bất hạnh của cuộc sống lưu vong, đến những thao thức vể những nỗi oan khiên chất ngất tại quê nhà, và lòng ngưỡng mộ đối với các chiến sĩ dân chủ, Trúc Hồ như thể hóa thân, từ một nhạc sĩ dịu hiền, Trúc Hồ đã xuất hiện như một chiến sĩ can cường, dương cao ngọn cờ chính nghĩa, kêu gọi toàn dân Việt đứng lên làm lịch sử:
Việt Nam ơi, đất nước ta khổ đau từng giờ, hãy đứng lên đừng nên lo sợ.
Ta thề không phản bội quê hương.
Việt Nam ơi, Bắc Trung Nam cùng nhau một lòng, hãy đứng lên đập tan bạo tàn.
Ta thề không nô lệ ngoại bang…
Đứng lên làm lịch sử, chính là “Đáp Lời Sông Núi”, là nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, nắm chắt tay nhau đập nát bạo quyền, theo bước tiền nhân dành lại quê hương đã bị cướp mất:
Ta người nông dân, ta người công nhân, ta người sinh viên, em học sinh, anh người lính…
Ta ngày hôm nay sẽ là ngọn lửa, ngọn lửa thiêng đi khắp soi muôn miền.
Ta theo gót tiền nhân, bốn ngàn năm hiển linh, đoàn kết toàn dân thay vận mình nước Nam.
Quyết dành lại quê hương không chỉ là lời kêu gọi, mà là một sứ mệnh. Đó là sứ mệnh cứu nguy Tổ Quốc đang lâm nguy trước nội thù và ngoại xâm:
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hưng Đạo Vương, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm, chưa một lần khuất phục ngoại xâm.
Quyết bảo vệ giang san, từng tấc đất, từng cây cỏ,
Từng phố phường, từng con đường, từng bờ biển quê hương.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng
Khép lại dòng nhạc đấu tranh của Trúc Hồ, chúng ta trầm ngâm cùng với người nhạc sĩ đã hiến dâng con tim và khối óc cho quê hương đất nước, cùng cất lên Lời Kinh Việt Nam: “Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi, Tổ Quốc lâm nguy, xuơng máu này ta nguyện hiến dâng..”
NQS, HS, MN xin tạm biệt quí thính giả…
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment