Saturday, February 11, 2017

Nhà văn Nguyễn Bá Học


DanhNhânNướcViệt

Nguyễn Bá Học sinh năm 1857 tại phủ Hoài Đức, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Cụ hai lần thi hỏng tú tài Hán học, chuyển sang tân học và sau đó dạy học suốt 31 năm ở Sơn Tây, Hà Nội và Nam Định.
Năm 1918, cụ về hưu và bắt đầu theo nghiệp văn chương, viết truyện ngắn, viết chính luận, dịch bài chữ Hán và chữ Pháp qua chữ Quốc ngữ, gửi đăng trên tạp chí Nam Phong và Đông Dương.
Cụ viết tác phẩm đầu tay mang tên “Câu chuyện gia đình” khi đã 60 tuổi. Trong vòng ba năm (từ năm 1918), cụ viết 7 truyện ngắn đăng trên tạp chí Nam Phong.
Cụ là kẻ sĩ tiền phong ở miền Bắc đã ý thức được vai trò quan trọng của chữ Quốc ngữ và sự cần thiết đổi mới trong lãnh vực giáo dục.
Trong khi những sĩ phu cùng thời với cụ còn mải mê theo lối học cửa Khổng, sân Trình như Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Trần Tế Xương… thì Nguyễn Bá Học đã can đảm bỏ cũ theo mới, học chữ Quốc ngữ và viết bài bằng chữ Quốc ngữ.
Trong bài “Lược sử cụ Nguyễn Bá Học”, Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, con rể của cụ, đã kể lại tâm sự của cụ như sau:
“Lúc mới học chữ quốc ngữ, tôi không dám đọc to tiếng, nếu chợt có khách đến thì phải giấu ngay sách vào trong túi áo, coi hai mươi bốn chữ mẫu tự quốc ngữ là một bí mật cấm thư”.
Cũng theo Nguyễn Bá Trác thì đa số kẻ sĩ thời đó chê chữ Quốc ngữ là chữ líu lo và tạm bợ, học nó không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng với ý hướng muốn duy tân và cải cách nên cụ đã “lén” học thứ văn tự này.
Vì thế nhiều người cho rằng, cụ là kẻ sĩ thức thời vụ và đã trở thành nhà giáo dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Hà.
Trước khi có thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam, thì trên văn đàn sáng tác bằng chữ Hán chỉ có loại truyện truyền kỳ, tùy bút và sau này, các văn gia dùng chữ quốc ngữ chỉ để kể chuyện đời xưa, khôi hài hoặc giải buồn như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Do đó, cụ cùng với Phạm Duy Tốn, được là xem là những cây viết tiền phong đã du nhập thể loại truyện ngắn có màu sắc Tây phương vào văn học Việt Nam.
Hiển nhiên, quan điểm sáng tác và kết cấu câu chuyện dưới ngòi bút của cụ, vào thời kỳ chữ Quốc ngữ còn chưa thông dụng, hoàn cảnh xã hội còn nặng với thói xưa tục cũ, văn chương còn ảnh hưởng của Tàu nên có nhiều nhược điểm.
Nhược điểm quan trọng nhất là quan niệm “văn dĩ tải đạo”, tức là dùng văn chương để chở đạo lý. Theo cụ, văn chương chỉ là phương tiện để truyền bá đạo đức. Một quan niệm như thế, chẳng khác ngày nay đề cao chính trị hướng dẫn văn học nghệ thuật, một chủ trương bị chỉ trích vì đã coi nhẹ giá trị nghệ thuật của tác phẩm và làm cho óc sáng tạo và sự tự do của nhà văn không còn nữa.
Lập trường sáng tác của Nguyễn Bá Học rất rõ ràng như cụ đã viết trong “Lời khuyên học trò”:
– Khéo mồm mép mà làm hại tâm thuật, không gì bằng văn chương. Vì văn chương thường hay vì tình mà không hay vì lý, cho nên những nhà văn hay không biết chép sự thực, và những câu luận chân lý lại không phải là những án văn hay, như thế thì văn chương không phải là đồ thực dụng.
– Tiểu thuyết, ký sự, luận thuyết, diễn thuyết, là những văn chương hữu dụng, còn thơ phú ca dao, có vần, có điệu, chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra thực sự, chẳng những vô ích mà lại có lúc làm cho mê mẩn mất cả tinh thần, tô điểm sai cả cảnh thực.
– Ngày nay học trò phải có tư tưởng cho cao, tập luận nghị cho rộng, phải đọc những sách có kinh luân trong xã hội, phải bàn những chuyện nước nhà, để ngày sau đem học vấn suy ra việc làm. Còn những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho lắm, cũng không đáng một đồng tiền kẽm.
– Văn quí có sinh khí… Văn khí bởi đâu mà ra? Cũng là bởi kiến thức tinh thần của người làm văn mà ra. Những người làm văn nói về phong tục, đạo đức, lịch sử, chính trị với ba câu lề lối, mấy chữ bẻm mép, sao gọi là văn chương có khí?
Cụ qua đời vào năm 1921 (Tân Dậu), hưởng thọ 64 tuổi.
Tuy cụ Nguyễn Bá Học chỉ cộng tác với tạp chí Nam Phong trong mấy năm cuối đời, nhưng cụ được hậu thế nhắc nhở với niềm kính trọng và sự tri ân vì những gì cụ cống hiến cho nền văn học mới bằng chữ Quốc ngữ. Người Việt không bao giờ quên câu danh ngôn bất hủ của cụ:
“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Khi đưa ra câu nói này, có lẽ cụ Nguyễn Bá Học chỉ muốn khuyên nhủ người dân dẹp bỏ nỗi sợ hãi và can đảm dấn bước trên con đường cách tân, thay cũ đổi mới trong truyền thống văn hóa để bắt kịp nền văn minh tiến bộ của nhân loại.
Thế nhưng câu nói này có thể áp dụng rộng rãi trong mọi lãnh vực, và đặc biệt là trong các giai đoạn đấu tranh của đất nước trước đủ mọi hiểm họa.
Hơn lúc nào hết, câu nói này bây giờ nên được xem là lời chúc chân thành nhất, gửi đến những con dân Việt đang quên mình để đấu tranh cho lý tưởng nhân quyền và dân chủ tại VN sau bao nhiêu năm bị thống trị dưới ách độc tài cộng sản./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment