Monday, January 2, 2017

Bạo lực không bao giờ là giải pháp của một xã hội văn minh

ChuyệnNướcNonMình

Như tin chúng tôi đã loan trong ngày Chúa Nhật 1/1/2017. Em Đỗ Tuấn Lâm học sinh lớp 4 đã bị cô giáo phạt bằng cách cho 42 học sinh cùng lớp tát vào mặt em, vì tội nói tục. Mặc dầu nhà trường đã đình chỉ công việc của người giáo viên này. Nhưng sự kiện ấy không quan trọng bằng hệ lụy về mặt luân lý đối với thế hệ tương lai. Mời quí thính giả nghe bài phân tích của Hữu Nguyên, đang trên Anh Ba Sàm ngày 1/1/2017 sau đây. Bài sẽ do Quê Hương đọc.
Hãy thử hình dung con bạn bị hơn 40 bạn học cùng lớp xếp hàng và lần lượt tát vào mặt. Xin nhắc lại, cháu bị hơn 40 bạn lần lượt tát vào mặt, có bạn còn tranh thủ “cào xước” cả mặt con bạn.
Tất cả diễn biến này, đều nằm trong sự điều khiển và giám sát của cô giáo. Không phải là chuyện bột phát, nhất thời nóng giận.

Dù tôi không phải là nhà tâm lý học, dù tôi là con người bình thường, tôi vẫn cảm nhận được cú sốc tâm lý của cháu học sinh bị hơn 40 bạn học lần lượt tát vào mặt mình dưới sự điều khiển của cô giáo.
Bạn ấy sẽ rất tuyệt vọng vì từ cô giáo (người lẽ ra phải là thần tượng mẫu mực của bạn học sinh tiều học ấy) cho tới toàn thể bạn bè xung quanh đều chống lại bạn ấy, bằng bạo lực, bằng sự xúc phạm thân thể và danh dự.
Bạn ấy không còn chỗ để bám víu, không còn chốn nương tựa, không còn ai chia sẻ và thông cảm. Bạn ấy đang lâm vào trạng thái bị dồn tới đường cùng, từ từ, từng nhát một, cho tới hơn 40 nhát. Cú sốc sẽ rất ghê gớm.
Một trong những cách tra tấn tù nhân từng bị lên án trong tư liệu lịch sử là bịt mắt lại, cạo trọc đầu và cho từng giọt nước nhỏ xuống đầu, từng giọt, từng giọt đều đều. Càng về sau, những giọt nước tưởng là nhỏ nhoi đó sẽ thành từng tảng đá, hòn núi rơi xuống tâm lý người tù…
Hơn 40 bạn thực hiện hành vi được phép của cô giáo để hành hạ bạn mình sẽ nghĩ gì. Tất nhiên không phải bạn nào cũng nhận thức đầy đủ hành vi của mình, nhưng bằng sự cho phép của cô giáo, hầu hết các bạn ấy sẽ mặc nhiên nhận thức hành vi đó là “hợp pháp”, là đúng đắn. Bạo lực đương nhiên được khuyến khích để trừng phạt và đáng buồn là để xây dựng trật tự.
Một trật tự được thiết lập bằng bạo lực trong tâm hồn non trẻ chính là mầm mống của cái ác, sâu xa hơn là cội nguồn của tâm lý sẵn sàng khủng bố người khác nhân danh lý tưởng, nhân danh tập thể, số đông.
Bạo lực không bao giờ là giải pháp của một xã hội văn minh, cũng không bao giờ là lối thoát hiểm của những kẻ cùng quẫn. Kẻ nào dùng gươm, thì cũng chết bằng gươm. Hãy nhớ điều đó.
Hữu Nguyên

No comments:

Post a Comment