Điều gì phải đến đã đến. Quá nhiều lời cảnh báo về khả năng chế tài nhân quyền đối với chế độ chính trị ở Việt Nam đã được giới lập pháp Hoa Kỳ liên tục phát ra suốt từ năm 2014 đến nay, nhưng hầu như chẳng ăn thua gì với đối tượng mà có người phải ví với một đứa trẻ hư chỉ hở ra là ăn vạ. Cuối cùng thì Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu đã được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Theo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, những quan chức vi phạm nhân
quyền sẽ bị chế tài theo hai cách. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả
đi công vụ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có
sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ
Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền,
cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên.
Vậy quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào khi Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu ra đời?
Theo phân tích của giới chuyên gia về nhân quyền, quan hệ Việt-Mỹ
chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn
che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân
quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những
giới chức liên hệ đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng theo đúng định
nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể bỏ qua.
Theo luật mới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mà cụ thể là Văn phòng Dân chủ,
Nhân quyền, và Lao động (DRL), sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một bản danh
sách bao gồm tên các quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt
Nam. Nếu bị đưa vào danh sách này, hàng loạt quan chức Việt Nam sẽ bị
cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản cố định, tài khoản ngân hàng ở nước
ngoài của họ, kể cả của thân nhân của họ, sẽ bị phong tỏa vô điều kiện.
Nhóm Vietnam Caucus đã “nổi dậy”, dù trước đó vẫn không ngủ vùi.
Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện
Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta
Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed
Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là
một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt
Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân
sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo
Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập
pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội
Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài
nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam
trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Tình hình đang chuyển biến thuận lợi hơn hẳn cho Vietnam Caucus. Cuộc
bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ không chỉ mang về chiến thắng cho người của
đảng Cộng hòa mà còn tạo ra thế chiếm lĩnh lưỡng viện của đảng này. Nhờ
thế vai trò của Nhóm Vietnam Caucus – vốn thường gắn với đảng Cộng hòa –
có thể sẽ nổi bật.
Khi đó, những dự luật vừa kể sẽ có nhiều khả năng được thông qua. Đặc
biệt, nếu Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được thông qua, sẽ tương
tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân
vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên
vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những
người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản
của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong
tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể
với tay tới.
Sự thật là chưa cần Tân Tổng thống Trump chấp nhiệm chính thức vào
ngày 20/1/2017, Nhóm Vietnam Caucus đã cất lên tiếng nói vào những ngày
cuối cùng của nhiệm kỳ Obama. Có lẽ đây là một tín hiệu đặc biệt, báo
trước cho giới lãnh đạo Việt Nam về giai đoạn “làm mình làm mẩy” đã qua
hẳn, nhường chỗ cho một thời kỳ mà tù nhân lương tâm ở Việt Nam không
thể bị xem là món hàng để mặc cả cho những lợi ích kinh tế và quốc phòng
của chế độ.
Sau Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, một khả năng có thể diễn ra
là nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải ngẫm lại xem họ
đang ở khúc ngoặt lịch sử nào. Công an Việt Nam cũng bởi thế sẽ không
còn dễ dàng nhận được “chỉ đạo từ trên” cho việc bắt người bất đồng
chính kiến hay hành hạ những người hoạt động cho nhân quyền bằng đấm đá
và mắm tôm.
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment