Nghị quyết 4/XII do Tổng Bí thư nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 được coi là nghị quyết quan trọng nhất hiện nay. Đây là Nghị quyết về tăng cường xây dựng đảng, chính đốn đảng, khắc phục nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một số khá nhiều “đảng viên thoái hóa, biến chất, nhiễm phải tư tưởng phản động, chống đảng”. Bản nghị quyết kể ra trong ba đề mục lớn về những biểu hiện “sai lầm về chính trị”; “sa sút về đạo đức, lối sống”; và “vi phạm kỷ luật đảng, nói, viết và làm trái các nghị quyết của đảng”.
Có 2 sai lầm chính trị hàng đầu được nhấn mạnh là không trung thành
và bảo vệ đến cùng chủ nghĩa Mác-Lênin và không tin tưởng ở chủ nghĩa xã
hội, ở nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần bản nghị quyết này, các đảng viên có biểu hiện suy
thoái nếu không chịu thành khẩn tự phê bình sẽ không còn có đủ tư cách
là đảng viên.
Bước vào năm 2017, nhiều nhà bình luận quốc tế cho biết năm nay là
đúng 100 năm học thuyết Mác – Lênin được thí nghiệm ở nước Nga trong
cuộc cách mạng vô sản tháng 10 năm 1917, và sau đó chủ nghĩa xã hội kiểu
Mác-xít đã được thực hiện trong toàn phe xã hội chủ nghĩa bao gồm cả
Liên bang Xô viết và Trung cộng. Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là thành
viên, và là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa – nhưng trên thực tế chỉ
là con tốt đen của phe này.
Sau gần 100 năm được thực hiện, học thuyết Mác-Lênin và chủ nghĩa xã
hội kiểu Mác-xít đã tỏ rõ là những học thuyết sai lầm lớn nhất của thế
kỷ XX, giết chết hơn 100 triệu người qua các cuộc thanh trừng ở Liên Xô,
các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên, nạn đói trong cuộc Đại
Nhảy vọt và Cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc.
Học thuyết Mác – Lênin đã bị phá sản triệt để. Đó là sự thật hiển
nhiên. Đến nay trên thế giới có còn ai nhắc đến giá trị nào đó của học
thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít? Đảng Cộng sản Ý và đảng
Cộng sản Anh đã tự giải thể, đảng Cộng sản Nhật Bản và đảng Cộng sản
Pháp tuy còn giữ danh xưng “Cộng sản” nhưng đã từ bỏ học thuyết Mác –
Lênin và nền chuyên chính độc đảng, trong khi đó Cộng hòa Liên bang Đức,
Ba Lan và Nghị viện châu Âu đặt chủ nghĩa xã hội Mác-xít ra ngoài vòng
pháp luật. Ngay cả đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không còn nhắc nhở gì
đến chủ nghĩa Mác – Lênin và không trưng ra ảnh của Mác và Lênin trong
Đại hội đảng, chỉ còn riêng đảng CSVN thì vẫn trưng ảnh hai ông này,
nghĩa là bảo hoàng hơn cả vua.
Tất cả những điều vừa nêu, chẳng lẽ cả Bộ Chính trị 19 người và hơn
200 ủy viên Trung ương không hay biết gì? Và hàng vạn giáo sư đảng viên,
tiến sĩ, thạc sĩ đảng viên đều không hay biết gì hết để tuân theo ông
Tổng Trọng ghi học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít là 2
“báu vật thiêng liêng” luôn đặt trên bàn thờ của đảng, không ai được
đụng chạm. Cả cái Hội đồng lý luận của Trung ương đảng CSVN với hàng
lọat công cụ tinh thần, các viện, học viện, đại học cũng đồng loạt mê lú
khi nói, viết và nghĩ theo các đường mòn của đảng, nhai đi nhai lại học
thuyết Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít là chân lý bất biến, được
dạy dỗ ưu tiên trong mọi nhà trường, trong khi cả thế giới coi là những
cặn bã độc hại đã bị đào thải, loại bỏ, lên án.
Cái “túi khôn” dân tộc, cái khả năng của con người biết phân biệt
phải trái, đúng sai, khôn dại của nhân dân ta đâu mất rồi? Ông Trọng
luôn nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu mọi tổ chức đảng, phải làm
gương. Sao ông lại dẫn đầu đảng để cùng chui vào bóng ma Mác – Lênin và
chủ nghĩa xã hội Mác-xít một cách mù quáng dại dột như thế?
Sẽ là điều bổ ích nếu như trong đảng có một số đảng viên ngay thẳng,
trung thực ra công ghi chép trong các buổi họp chi bộ bàn về thực hiện
Nghị quyết 4/XII và thống kê chính xác xem có bao nhiêu đảng viên ở cơ
sở tán thành bản nghị quyết, tán thành duy trì chủ nghĩa Mác – Lênin và
chủ nghĩa xã hội Mác-xít, coi đó là những “báu vật” vĩnh cửu trên bàn
thờ thiêng liêng của đảng Cộng sản, và buộc toàn dân tộc phải cúi đầu
chấp nhận.
Thật ra ông Tổng Trọng cùng Bộ Chính trị không nhớ gì đến lời dặn của
chính Mác khi ông cho rằng những quan điểm, nhận định lý luận của ông
là biện chứng, nghĩa là còn thay đổi tùy tình hình, tùy hoàn cảnh và
thời đại, không nên coi là bất biến. Nó chỉ là công cụ về nhận thức dùng
để cải tạo thế giới. Nó là công cụ, giống như con dao, chiếc búa, cái
bút… khi không cần nữa, lại có hại thì bỏ sang một bên, không thương
tiếc, việc gì phải thờ mãi nó như vật “thiêng liêng”. Khi thấy nó có hại
thì dại gì mà ôm nó mãi, chỉ tổ mang vạ vào thân và gây tai họa cho
toàn dân tộc./.
Bùi Tín
No comments:
Post a Comment