Trước Hết Châu Đoàn đặt ra nấn nạn: “Tôi đang cố hiểu tư duy của những người ra quyết định bắt người phụ nữ này”
Trước hết tôi không tin Thuý Nga tuyên truyền chống phá nhà nước. Nếu nói lên sự thật, lên án những điều sai trái của chính quyền, bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ thì những người như Nga nhiều lắm nhưng tại sao lại bắt Nga? Bởi tính cách mạnh mẽ, sự quyết liệt trong phản ứng với chính quyền?
Nếu chỉ dựa vào thái độ mà quy tội thì không đủ, vậy chắc hẳn còn có những điều gì đấy mà chúng ta không biết. Nhưng tiếc thay qua những vụ án “hai bao cao su” “trốn thuế” “gây rối trật tự công cộng” thì tôi tin rằng công luận không mấy tin những gì mà hệ thống tư pháp tuyên bố. Đằng sau những lời buộc tội, luôn ẩn chứa những lý do không thể nói lên lời, không thể đưa lên báo chí.
Vậy cái lý do ấy là gì?
Một người bộc trực, cách đấu tranh thẳng thắn, có thể nói khá là thô sơ như của Nga, theo tôi không có gì đáng gọi là nguy hiểm cho nhà nước. Vậy việc bắt Nga sẽ có lợi gì? Sẽ tốt hơn cho uy tín của nhà nước? Không hề, bởi chỗ ai cũng nhìn thấy đấy là một bà mẹ đơn thân, việc bắt bớ ấy chỉ gây ra hiệu quả phản cảm bất lợi cho họ.
Bắt để đe doạ những người đấu tranh khác? Có thể đấy là tư duy của những người đưa ra quyết định nhưng đấy là một sai lầm. Những người đã tham gia vào đấu tranh, nếu sợ họ đã không làm từ đầu. Việc bắt bớ một người với lý do thiếu thuyết phục sẽ chỉ khiến họ phẫn nộ hơn và có thể sẽ khiến cả những người không quan tâm tới chính trị sẽ ít thiện cảm hơn với chính quyền.
Những người đã có đủ dũng khí để đấu tranh đều hiểu một điều đơn giản là đời chỉ có một lần, thời gian sống thực ra cũng không là bao nhiêu, sống làm sao cho có ý nghĩa nhất và để được thế thì họ cần phải sống đúng là mình. Nỗi sợ, nếu có chỉ là thoáng qua và sẽ bị chôn vùi bởi khát vọng đẹp đẽ. Do vậy mà càng sống, nỗi sợ trong họ càng ít đi, và nếu đã đấu tranh, họ sẽ ngày càng quyết liệt hơn mà thôi.
Viết điều này để cố hiểu tư duy của họ nhưng kết cục thì tôi vẫn không hiểu nổi. Chỉ biết rằng, tôi thấy Thuý Nga là một người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ rất đáng nể phục. Tôi không lo nhiều cho con người ấy. Chị ấy hoàn toàn có thể bước qua mọi việc. Đấy là một con người Không Biết Sợ. Nhưng còn hai đứa trẻ.
Tết này, chúng sẽ xa mẹ. Về sau thì chúng sẽ hiểu nhưng hiện giờ những tâm hồn trẻ thơ sẽ ngơ ngác, nỗi nhớ mẹ sẽ khiến chúng khắc khoải đợi chờ, thế giới sẽ trở nên một nơi rất nguy hiểm, buồn bã và bất trắc. Và những con tim có lương tri sẽ còn phải bỏ nhịp nhiều lần mỗi khi tự hỏi tại sao lại như vậy.
Có thể tôi thiếu thông tin nên tôi không hiểu, tôi hy vọng hệ thống tư pháp và báo chí sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết để tôi hiểu. Nhưng trong thẳm sâu, tôi cũng biết rằng đấy chỉ là hy vọng hão huyền, bởi lòng tin trong tôi hình như không còn nhiều.
Bình luân về việc công an bắt bà Nga, Nguyễn Anh Tuấn đặt tiêu đề: “CHƯA KỊP VĂN MINH ĐÃ VỘI CẦM QUYỀN”. Rồi ông viết:
Những người đang nắm quyền ở đất nước này thật lạ. Dường như lo ngại rằng vẫn còn ai đó nghi ngờ về khả năng khủng bố xã hội một cách có tổ chức của mình nên họ phải liên tục sắp đặt những hoạt cảnh như bên dưới, trong đó phong cách cầm quyền cường bạo hoang dã của họ luôn tự phơi bày một cách rõ nét mà chẳng cần thêm lời bình nào.
Ứng xử trước khen chê của họ cũng thật buồn cười. Một mặt họ chỉ đạo nơi nơi phải trưng khẩu hiệu khen ngợi họ hết lời, chẳng hạn ‘Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm’; mặt khác, họ thẳng tay sách nhiễu, đánh đập và bỏ tù những ai dám lên tiếng chê họ, như chị Nga dưới đây. Kiêu ngạo và nhỏ nhen nếu họ là số hai thì không ai dám nhận là số một.
Đã thế họ còn quen thói đạo đức nước đôi. Liên tục dẫn lời tiền bối cách mạng của chính họ: ‘Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra’, song họ lại thường xuyên xuyên tạc ý nghĩa câu nói này bằng cách thêm thắt, phân loại lời nói của dân lúc thì ‘mang tính xây dựng’, khi thì ‘có ý phá hoại’, tùy vào ý thích chủ quan của họ. Dán nhãn ‘phá hoại’ xong thì cứ theo đó mà trấn áp người dân, họ như đứa trẻ ngông cuồng hành xử theo cảm tính yêu ghét cá nhân nhưng lại được giao quá nhiều quyền lực nên bỗng dưng trở thành mối đe dọa đối với ổn định xã hội.
Những người này quả thật còn thiếu nền tảng ứng xử để sống trong một xã hội văn minh, chưa nói đến việc cầm quyền.
Thế công dân chúng ta phải làm sao trước những người này?
– Phải làm mọi cách có thể để những người này phải nhớ tới điều mà tiền bối của họ đã dạy cho họ, mà hiện họ đang cố tình quên:
“Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì DÂN CÓ QUYỀN ĐUỔI CHÍNH PHỦ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì DÂN KHÔNG CẦN ĐẾN HỌ NỮA.
Châu Đoàn và Nguyễn anh Tuấn
No comments:
Post a Comment