Monday, January 16, 2017

THẢM HỌA “NỢ CÔNG”

QuanĐiểm

Kính thưa quý thính giả,
Nhân dân Việt Nam bước vào năm 2017 với sự lo sợ phải đối đầu với một hiểm họa mới – hiểm họa “sụp đổ nền tài khóa quốc gia”! Đây không phải là “luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn phản động hay của các thế lực thù địch” như đảng CSVN vẫn thường rêu rao, mà là sự cảnh báo từ chính người cầm đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc tuyên bố như vậy tại hội nghị tổng kết ngành tài chính cách đây đúng 1 tuần, vào chiều Thứ Sáu, ngày 6 tháng Giêng; xin trích nguyên văn “Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”. “Tình trạng” ông Phúc nói là tình trạng nợ công tăng nhanh, hiện đã đến mức báo động và có nguy cơ không kềm hãm được.
Không phải đợi đến ông Phúc tiết lộ người dân mới nhận thức được nguy cơ này. Trong nhiều năm qua, tệ nạn “nợ công” quá tải của VN vẫn luôn được các cơ quan tài chánh quốc tế cảnh báo. Đây là hậu quả cuả tình trạng chi tiêu ngân sách vượt hơn số thu, khiến phải vay mượn. Mà vay mượn thì phải trả tiền lãi. Số lãi ngày càng tăng làm gia trọng thêm khoản chi và lại phải vay mượn thêm để đủ tiền vừa chi dùng vừa trả nợ!
Ba năm trước, vào đầu năm 2013, theo tạp chí The Economist, nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỉ USD, với tổng “dư nợ”, nghĩa là cả tiền nợ cộng với tiền lãi cả năm tăng 11,2%, chiếm 48% Tổng sản lượng nội địa GDP. Nếu tính trên dân số 90 triệu rưỡi người lúc bấy giờ, mỗi người Việt gánh trên vai trung bình 888 mỹ kim tức hơn 19 triệu đồng Việt Nam.
Các con số trên đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Theo sự thú nhận của ông Nguyễn Xuân Phúc thì tỷ lệ nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% của GDP, tức tương đương 95 tỷ mỹ kim, nếu đem số nợ này chia cho dân số hơn 91 triệu người, trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh một khoản nợ khoảng 1,039 mỹ kim tức hơn 24 triệu đồng Việt Nam. Như vậy chỉ trong 4 năm, khoản nợ tính theo đầu người mỗi người dân, bất chấp già trẻ, lớn bé, đã tăng 31%!
Trước đây nhà cầm quyền CSVN dự tính mức nợ công tối đa phải ở dưới mức 65% GDP, nhưng con số này chắc chắn không thể giữ được. Thêm nữa, chính ông Phúc cũng đã biết mức 65% này đã bị vượt từ lâu khi tuyên bố trong buổi họp ngày 6 tháng Giêng vừa qua là “Nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì đã vượt trần cho phép”! Vì vậy, mức nợ tính theo đầu người kể trên, trong tương lai không nhữbg không có triển vọng chận đứng hoặc suy giảm, mà trái lại sẽ gia tăng và tăng nhanh chóng hơn nữa!
Thảm họa “nợ công” mà nhân dân Việt Nam đang gánh chịu là hậu quả đương nhiên của tình trạng đất nước chịu sự thống trị của Đảng CSVN. Vì muốn bảo vệ ngôi vị chủ nhân ông đất nước tuyệt đối và vĩnh viễn này, tập đoàn lãnh đạo đảng chỉ sử dụng đám đàn em thân tín vào các chức vụ điều hành guồng máy quốc gia, dù họ thiếu khả năng chuyên môn và không có tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, để nuôi dưỡng, trả công báo vệ đảng và chế độ, đảng CSVN cũng nhất quyết duy trì một hệ thống công ty, xí nghiệp công làm nơi dung dưỡng cán bộ, đảng viên, mặc dù các công ty và xí nghiệp này lỗ lã triền miên vì quản lý yếu kém, tham nhũng, thối nát. Để biện minh cho sự tồn tại các công ty, xí nghiệp này, Đảng CSVN hô hoán, mặc dù áp dụng “kinh tế tư bản” nhưng lãnh vực công vẫn nắm vai trò chủ đạo.
Chính chủ trương “hồng hơn chuyên” và chính sách “Kinh tế tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa” này đã đưa đất nước đến tình trạng lụn bại, trong đó có thảm họa “nợ công” là một thí dụ điển hình!
Nghe những lời cảnh báo về nợ công đày bi quan kể trên của ông Nguyễn Xuân Phúc, người dân nhớ ngay đến cầu phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngày 13 tháng 11 năm 2016 trong cái gọi là “Ngày Hội Đoàn Kết Toàn Dân Tộc” diễn ra tại tiên Du, Bắc Ninh, xin trích “”Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới… Nhìn tổng quát, quê hương ta có bao giờ được như thế này không?”.
Một đất nước “đẹp như thế này, với kinh tế phát triển, xã hội ổn định” mà lại phải lo sợ “nền tài khóa quốc gia sụp đổ” hay sao? Rõ ràng là ông Trọng đang mơ ngủ, nếu không muốn nói là ông đã “lú lẫn” như một số người đồn đãi.
Thế nhưng dù ông Trọng mơ ngủ hay “lú lẫn” thì đất nước và dân tộc Việt vẫn đang đứng bên bờ vực thẳm với bao thảm họa bủa vây trùng điệp. Bên cạnh thảm họa “nợ công” mà Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo, vụ Formosa là điển hình của thảm họa môi trường đang đe dọa đến đời sống của người dân, không phải chỉ giới hạn trong 4 tỉnh miền Trung mà lan ra cả nước. Tình trạng suy đồi đạo đức, tội ác tràn lan là thảm họa về mặt văn hóa có tác hại trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Và nguy hiểm bao trùm là đất nước đang bị Trung Cộng thao túng, ảnh hưởng, mở đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới như chính Nguyễn Cơ Thạch, cố ngoại trưởng CSVN đã từng nhận định.
Các hiểm họa trên đều do chính đảng CSVN gây ra! Cho nên chúng chỉ có thể được chận đứng và đẩy lùi khi tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN bị đánh bật khỏi ngôi vị chủ nhân ông đất nước.
Công cuộc đấu tranh loại bỏ Đảng CSVN, vì vậy là trách nhiệm và ưu tiên hàng đầu của mỗi con dân nước Việt./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment