Monday, January 30, 2017

Tin tức Chủ Nhật, 29.01.2017

TinTức

Một cựu lãnh đạo đảng CSVN yêu cầu khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Phú Trọng về tội phản quốc
Ngày 21-1 vừa qua, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng vụ nghiên cứu Ban Dân vận Trung Ương, đã viết một bức thư gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Phú Trọng về tội phản quốc. Dựa vào lời của một số Ủy viên Trung ương Đảng CSVN đã dự Hội nghị Trung ương 14 tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng về 14 tội danh có tính phản quốc, làm hại đến chủ quyền và lợi ích Quốc gia Việt Nam, ông Mai đề nghị phải tạm đình chỉ tư cách đại biểu của Nguyễn Phú Trọng và tạm giam ngay để điều tra làm rõ sự thật. Nếu có tội, thì phải lập tòa án xét xử.

Kỷ luật bà thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa
Bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương, vừa bị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lôi ra kỷ luật vì tội thông đồng bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Bà Thoa cùng gia đình hiện đang sở hữu một tài sản kếch xù khoảng 718 tỷ đồng tại Công ty Bóng đèn Điện Quang. Sau khi tin này được phổ biến, thì lập tức các báo lề đảng được bật đèn xanh công bố về số tài sản của bà Thoa và gia đình. Chẳng hạn báo Đất Việt khởi sự tin này bằng tựa đề: “Thứ trưởng Công Thương sở hữu tài sản lớn: Tiền ở đâu?” Qua đó, dư luận đang bàn tán về tình trạng các cán bộ khi đã cướp đất đai tài sản của dân oan thì đang bắt đầu xăm xoi đống tài sản của nhau. Qua những tố cáo lẫn nhau, các cán bộ cộng sản đang cho cho nhân dân thấy các “đầy tớ nhân dân” giàu có đến mức nào.

‘VN bắt người đe dọa vị thế độc tôn quyền lực’
Ngày 27/01, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human rights Watch) vừa ra thông báo đề cập tới sự kiện CSVN vừa bắt giữ một số người phê phán chế độ và vận động nhân quyền. Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức này nói: CSVN coi việc truy cập Internet và việc đăng tải quan điểm phê phán là một tội hình sự thì thật là quái đản. Ông đề nghị các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần xem xét lại quan hệ với CSVN nếu chế độ này cứ tiếp tục bỏ tù những người phê phán ôn hòa. Ông cho biết Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình.

Các nước thành viên TPP muốn tái lập TPP sau khi Hoa Kỳ quyết định rút lui
Ông Donald Trump đã ký quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP vào ngày 23/1 vừa qua, và thay vào đó là chủ trương thương thuyết song phương. Tuy nhiên, chính phủ các nước khác tỏ ra không nhiệt tâm với việc thảo luận song phương với Hoa Kỳ vì chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Các thành viên khác của TPP đang tìm cách cứu vãn TPP. Thủ tướng Nhật Abe đang tìm cách thuyết phục ông Trump rằng Hiệp định TPP có lợi kinh tế cho cả Hoa Kỳ lẫn toàn cầu. Còn Úc và Tân Tây Lan hy vọng cứu TPP bằng cách khuyến khích Trung cộng và những nước châu Á khác gia nhập. Tuy nhiên, Nhật Bản không muốn mời Trung cộng gia nhập vì ngại ảnh hưởng của Trung cộng sẽ lớn mạnh thêm. Vấn đề chính là TPP sẽ không hiệu lực nếu Hoa Kỳ không tham dự, nên việc tái lập TPP hiện nay đang bị đóng băng. Phía Trung cộng thì đang thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng (RCEP) bao gồm 16 nước, nhưng cho đến nay hiệp định RCEP tiến triển chậm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thúc đẩy chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo
Ngày 27/01, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới trụ sở bộ Quốc Phòng để họp với các tướng lãnh quân đội để bàn về việc gia tăng cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS. Trước đây, ông Trump thường lên án cuộc chiến chống ISIS tại Irak và Syria tiến triển quá chậm, và ông cam đoan nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cho các tướng lĩnh “30 ngày” để chuẩn bị một kế hoạch đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Vì thế, trong những tuần gần đây, giới chỉ huy quân sự Mỹ được huy động để chuẩn bị các phương án chống ISIS theo yêu cầu của tân tổng thống.
Cũng liên quan đến Hồi Giáo, và giữ lời hứa khi tranh cử, ngày 27/01, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm thời cấm công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong bốn tháng. Quyết định này đã bị giới bảo vệ nhân quyền lên án mạnh. Để đối phó với việc lên án này, ông Trump muốn lập các vùng an toàn cho người tị nạn ngay tại Syria. Ông Trump tuyên bố: ‘‘Chúng tôi không muốn cho vào Hoa Kỳ những kẻ mà các quân nhân Mỹ đồn trú ở nước ngoài đang chiến đấu chống lại. Chúng tôi chỉ chấp nhận những ai ủng hộ đất nước này. Chúng tôi không bao giờ quên bài học 911.

Người dân Phi muốn chính phủ xác nhận chủ quyền biển đảo
Trước sự kiện tổng thống Rodrigo Duterte của Phi tuyên bố không bắt buộc Trung cộng phải công nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Quốc Tế, thì ngày 6/12/2016, tổ chức độc lập Asia Pulse đã thực hiện một cuộc thăm dò tại Phi xem ý kiến của dân chúng tại đây thế nào về vấn đề chủ quyền biển đảo. Kết quả đến nay cho thấy trong số 1.200 người được hỏi thì có 84% trả lời là muốn chính phủ xác nhận và giữ vững chủ quyền của Phi trên những vùng tranh chấp.
Cũng tin từ Phi cho hay, Hoa Kỳ nâng cấp căn cứ quân sự ở nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Phi hôm 25/1 cho biết, Hoa Kỳ sẽ nâng cấp và xây dựng các căn cứ quân sự ở nước này theo thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước được ký kết năm 2014, bất chấp Tổng thống Phi là Duterte từng lên tiếng đe dọa sẽ bỏ thỏa thuận này. Ngoài ra, ông Bộ trưởng Quốc phòng Phi cũng cho biết Trung cộng hứa cung cấp cho Phi 3 tàu tốc độ, 2 máy bay không người lái, và một robot phá bom, tất cả trị giá 14 triệu đô la để giúp nước này chống lại phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Phi.

No comments:

Post a Comment