Trúc Hồ đã sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ,cha là nhạc sĩ Trúc Giang. Anh vượt biên qua Mỹ năm 1981, được xem là doanh nhân thành công, nhưng đời anh đã gắn liền với nghệ thuật, với mong muốn gìn giữ, phát triển nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Anh hiện là giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam SBTN, và là người điều hành Trung tâm băng nhạc ASIA lớn nhất nhì tại hải ngoại, dù tuổi đời còn khá trẻ. Nay anh đã rời Asia để dồn nỗ lực cho SBTN.
Trúc Hồ là một nghệ sĩ đa tài và đam mê nghệ thuật. Nhạc của anh mang nhiều sắc thái, diễn tả tình yêu rất tha thiết, tình người rất đậm đà, và tình nước thật thiết tha.
Trước hết, phải nói Trúc Hồ là người si tình và chung tình. Anh đã hiểu được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu. Yêu là dâng hiến, nên yêu cũng là sự chết, sẵn sàng chết cho người yêu. Tình yêu mang bản chất vĩnh cửu bởi lẽ chết cho người yêu chính là sống muôn đời:
Tình yêu là khát khao mong gần nhau,
Tình yêu là nhớ thương quên ngày tháng
Tình yêu là chết cho người mình yêu
Tình yêu là sống cho nhau muôn đời
Tình yêu đẹp như thế, nên tình yêu phải miên viễn, dù hoàn cảnh phải chia xa, mỗi nguời một ngã tình yêu vẫn đong đầy:
Cho đến mai sau tình anh vẫn đong đầy
Mong ước bên em trọn kiếp mãi không thôi
Câu hát năm xưa còn đâu đó trong lòng
Anh vẫn yêu em âm thầm.
Yêu em thật nhiều, dù chỉ âm thầm như thể tình yêu một chiều đơn phương.Nhưng Trúc Hồ đã vượt qua ngưỡng cửa tình yêu nam nữ để trải rộng con tim vào tình người. Con tim Trúc Hồ lúc này trở thành con tim nhân thế. Trúc Hồ đã thấm thía nỗi đau của thuyền nhân Việt Nam, đành nghẹn ngào rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tìm đất sống:
Ngày nào Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy
Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá.
Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời
Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan
Dân Việt đã trải qua một cuộc đổi đời bi thảm. Ra đi là chấp nhận đánh mất tất cả. Mất đi qúa khứ với những kỷ niệm êm ềm. Mất đi nửa đời mãi mãi nhớ thương nay trôi theo dòng nước, nhạt nhòa theo cát biển vô tình:
Từng cơn sóng lướt nhanh
Xóa tan bao kỷ niệm
Từng hạt cát trôi theo dòng nước cuốn
Tìm đâu dĩ vãng xưa
nhớ thương chi thêm buồn
Đời rồi cũng sẽ qua
như cát biển chiều nay
Nguyên nhân của thảm nạn vượt biên chính là bản chất độc ác của cộng sản, một chế độ chỉ biết có bạo lực và tù đày nên dân Việt đã phải bỏ phiếu bằng chân, quyết rời xa bọn người đã đánh mất trái tim nhân ái:
Bầu trời nghìn năm bao la, đời vẫn cứ lao tù.
Người vì tự do cứ đi, đi hoài dù không hề tới
Nhờ còn vòng tay nhân ái, ta mới đến bến bờ.
Gục đầu dằn nỗi đắng cay, cố dắt díu nhau về đây
Người người rủ áo ra đi xa quê hương, trong đó có những đứa trẻ bơ vơ không cha không mẹ, lại phải đối diện với những nghiệt ngã tại trại cấm, làm cho Trúc Hồ phải xót xa đứt ruột:
Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát dùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam
Trúc Hồ phải hát, hát thật lớn như tiếng kêu gào để đánh động con tim thế nhân đang dần dần hóa đá:
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi…
Một buồng tim dành cho em. Một buồng tim dành cho nhân thế. Nhưng phần lớn con tim Trúc Hồ đã dành cho quê hương khổ đau. Mang thân phận lưu vong, Trúc Hồ luôn luôn cánh cánh bên lòng hình ảnh quê hương dấu yêu còn quằn quại trong vũng lầy cộng sản, nơi đó dân Việt đang thầm lặng hứng chịu những nỗi đau chất ngất:
Ta từng ngày qua sống đời đen tối,
Ta từng ngày qua sống trong lo sợ.
Ta người nông dân, ta người công nhân, ta người sinh viên, em học sinh, anh người lính…
Trong màn đêm đày đọa đó, các chiến sĩ Việt Nam Công Hòa đã phải gánh chịu nhiều hy sinh đau đớn nhất:
Cám ơn anh kịp lớn giữa thù hằn
Tháp đôi vai gồng gánh nỗi điêu linh
Bóng vinh quang lấp sâu trong huyệt lạnh
Hay ngồi đau thầm lặng giữa thanh bình
Điều đáng mừng là từ niềm đau dân tộc, Trúc Hồ đã hé thấy niềm hy vọng bừng khởi với những bước chân hiên ngang đi tới:
Ta ngày hôm nay sẽ là dòng nước, dòng nước tự do đang dâng cao tuôn trào.
Theo những dòng sông từng giờ ra biển đông, làn sóng tự do ta xóa tan bá quyền.
Việt Nam ơi, đất nước ta khổ đau từng giờ, hãy đứng lên đừng nên lo sợ.
Ta thề không phản bội quê hương.
Thề không phản bội quê hương, dân Việt đã cương quyềt nằm tay nhau, đúng lên đáp lời sông núi theo tiếng gọi của Trúc Hồ:
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hai Bà Trưng, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM…
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM…
Cám ơn Trúc Hồ. Cám ơn con tim nhân thế, cám ơn dòng máu Việt Nam!!
Ngô Quốc Sĩ- Minh Nguyệt – Hải Sơn xin tạm biệt – Hẹn gặp lại quí thính giả trong mục TCYN lần tới
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment