Cùng suýt soát nhau một giá vé nhưng đi máy bay thì nhanh chóng, tiện lợi và đi tàu lửa thì mất gần gấp 10 lần thời gian với dịch vụ trên tàu yếu kém, thì dĩ nhiên, di chuyển bằng hàng không đã trở thành lựa chọn số 1 của khách hàng đó là điều tất yếu.
Thế nhưng theo Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, ông Trương Quang Nghĩa thì đó là điều “bất hợp lý”. Và để đối phó với tình trạng ngành hàng không “vét” hết khách đường sắt, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải đề nghị “Cục Hàng không phải siết lại, phải cắt giảm nhiều chuyến bay” đặc biệt là ngay trong dịp Tết Nguyên Đán 2017 để khách hàng phải chuyển sang đi tàu.
Cũng một tinh thần đó, trước tình trạng vé số truyền thống sẽ “chết” vì xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo hoạt động của Vietlott.
Giống xổ số truyền thống, cơ cấu giải thưởng của Vietlott cũng có tất cả 4 giải thưởng gồm: Đặc biệt, Nhất, Nhì, Ba. Tuy nhiên, với Vietlott giải Đặc Biệt có giá trị tối thiểu là 12 tỷ đồng và sẽ được cộng dồn liên tục, không giới hạn cho tới khi có người thắng giải. Và đây chính là điều hấp dẫn người tham gia mua vé số Vietlott.
Trưng ra hai trường hợp trên để thấy sự “nhất trí cao” về độ ngu dốt trong đường hướng làm kinh tế của lãnh đạo nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển. Muốn không bị đào thải thì phải cố gắng phấn đấu, tạo nên những thay đổi ngoạn mục, đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Nhờ đó cả xã hội được thăng tiến, đời sống con người được nâng lên.
Rõ ràng, nếu đường sắt muốn thu hút khách hàng thì phải tham gia cạnh tranh với hàng không bằng giá vé, chất lượng phục vụ chứ không thể buộc ngành hàng không chỉ được tăng trưởng ở mức cho phép, để những chuyến tàu không trở thành “chuyến tàu ma” vì chẳng còn người đi.
Cũng vậy, muốn trở lại cái thời hoàng kim thì xổ số truyền thống phải thay đổi cơ cấu giải thưởng, phải làm sao cho người chơi được nhiều lợi nhuận. Như vậy thì báo cáo mà thủ tướng nên đề nghị được nghe là xổ số truyền thống chứ không phải là xổ số điện toán. Quả là phi lý khi làm lợi cho dân mà không được khen nhưng lại phải giải trình ?
Cách giải quyết mâu thuẫn trong cạnh tranh như thế vừa không có lý, lại kém có tình của các cơ quan quan lý, lãnh đạo nhà nước. Không có lý, vì đó là giải pháp phi thị trường, thể hiện sự bế tắc, kém cỏi trong tài quản trị kinh tế. Kém có tình, vì nó không quan tâm đến nhu cầu của người dân. Rẻ và tốt luôn là ưu tiên tuyệt đối trong sự lựa chọn của bất kỳ người tiêu dùng nào. Vậy thì bất cứ ai, bất cứ điều gì làm mất đi cơ hội lựa chọn đó đều đi ngược với quyền lợi và không tôn trọng người dân.
Khi bỏ bầy Cua trong một cái chậu, để bầy Cua không trốn thoát, người ta không cần đậy kín chậu nhưng chỉ cần xâu chúng lại với nhau bằng một sợi dây. Với tám cẳng hai càng, con Cua nào cũng đầy quyết tâm leo lên để thoát ra ngoài. Thế nhưng khi có con này bò lên thì con khác lại ngoắc chân, níu lấy nhau, để rồi cuối cùng tất cả lại rơi xuống chậu.
Và sợi dây níu sự phát triển của nước Việt hiện nay chính là sự ĐỘC QUYỀN, độc quyền Đảng trị và cả độc quyền DỐT. Nghĩa là không chấp nhận bất cứ điều gì giúp đưa đất nước và con người Việt Nam này thoát khỏi cái chậu của sự đói nghèo và lạc hậu. Toàn dân Việt cứ như bầy Cua, cho dù giỏi giang “ tám cẳng hai càng” thì cũng không thể ngóc đầu lên được khi cái sợi dây ĐỘC QUYỀN DỐT của Đảng cầm quyền còn quàng lên cuộc sống của họ.
Điền Phương Thảo
No comments:
Post a Comment