LŨ LỤT MIỀN TRUNG: 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH
Tính đến cuối tuần qua, đợt lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã khiến 15 người chết và 3 người mất tích, với mức thiệt hại về tài sản vào khoảng 30 triệu Mỹ kim.
Theo số liệu của giới hữu trách VN thì tại thành phố Huế có 3 người chết, 1 người bị nước lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy thi hài. Tỉnh Bình Định có 11 người thiệt mạng, 2 người mất tích, trong khi tỉnh Khánh Hòa có 1 người chết. Đợt mưa lũ lần này cũng khiến cho 120 ngàn căn nhà bị ngập lụt, trong đó có hàng trăm căn nhà bị sập đổ hay hư hỏng hoàn toàn. Hàng chục ngàn mẫu hoa màu cũng bị tàn phá, và hơn 60 ngàn gà vịt bị chết đuối.
Bình Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất sau 4 trận lũ lụt, tính từ cuối tháng 11 đến nay. Hàng ngàn gia đình ở xã An Nhơn, chuyên trồng mai để bán Tết, đang điêu đứng vì các chậu mai chìm dưới nước hay bị cuốn trôi. Đây là vùng được xem là “thủ phủ” của cây mai, nhưng 4 trận lũ lụt nối tiếp nhau trong vòng một tháng đã khiến cho người trồng mai lâm vào cảnh trắng tay, với hàng chục ngàn gốc mai bị hủy diệt.
BỊ BẮT VÌ CHÊ BAI GIỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THANH HÓA
Một thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã bị công an bắt giam và truy tố ra tòa vào cuối tuần qua, với cáo buộc là “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước và nhân dân”.
Theo tuyên bố của công an tỉnh Thanh Hóa thì anh Nguyễn Danh Dũng, 29 tuổi, đã bị bắt quả tang đang loan tải các cuộn phim “có nội dung phản động” khi công an ập vào tư gia của anh Dũng tại thành phố Thanh Hóa vào ngày 14/12 vừa qua. Sau khi đọc lệnh bắt giữ anh Dũng, công an cũng tịch thu 2 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và nhiều “tài liệu có liên quan”.
Vào cuối tuần qua, công an Thanh Hóa quyết định truy tố anh Nguyễn Danh Dũng ra tòa về tội hình sự, nhưng với cáo trạng là có hành vi “phản động” khi phổ biến các tài liệu có tính cách “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ uy tín của giới lãnh đạo đảng và nhà nước”.
TRUNG CỘNG SẼ HOÀN TRẢ CHIẾC TÀU LẶN CHO HOA KỲ
Bộ quốc phòng Mỹ vừa nhận được ám hiệu cho thấy Trung Cộng sẽ hoàn trả chiếc tàu lặn cho phía Hoa Kỳ, trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố là nước Mỹ không cần lấy lại chiếc tàu lặn đó và sẵn sàng biếu không cho Trung Cộng.
Cần nhắc lại là trong một hành động gây thêm căng thẳng ở Biển Đông, một chiến hạm Trung Cộng đã chận bắt một chiếc tàu lặn của Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm tuần qua. Đây là loại tàu lặn khám phá đáy biển thuộc loại nhỏ và được điều khiển từ xa. Nơi diễn ra vụ này là ở Biển Đông, cách vịnh Subic của Phi Luật Tân khoảng 80 cây số.
Ngay sau biến cố này, ông Donald Trump kết án là Trung Cộng đã đánh cắp chiếc tàu lặn của Mỹ. Vào cuối tuần qua, ông tuyên bố là nước Mỹ không cần phải thu hồi chiếc tàu mà Trung Cộng đã ăn trộm, và cứ để cho Trung Cộng giữ làm đồ chơi.
RỚT MÁY BAY QUÂN SỰ Ở NAM DƯƠNG: 13 BINH SĨ THIỆT MẠNG
Một vận tải cơ Hercules của không quân Indonesia đã lâm nạn tại tỉnh Papua, khiến toàn bộ 13 binh sĩ trên máy bay bị thiệt mạng vào sáng hôm qua.
Theo giới chức quân sự Nam Dương thì nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc này là vì thời tiết quá xấu. Chiếc Hercules C-130 khi ấy đang vận chuyển lương thực cứu trợ từ thành phố Timika đến Wamena nhưng bị rơi xuống một khu đồi núi trước khi hạ cánh.
KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ TIẾP TỤC KÉO DÀI TẠI NAM HÀN
Tình trạng căng thẳng đang gia tăng trong xã hội Nam Hàn, sau khi phe ủng hộ Tổng thống Phác Cận Huệ cũng tổ chức xuống đường để đối đầu với phe yêu cầu truất phế bà Huệ.
Hàng ngàn người ủng hộ bà Huệ đã xuống đường vào cuối tuần qua và dàn trận đối đầu với hàng chục ngàn người đòi truất phế. Bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát, hai phe đã có những cuộc xung đột nhỏ, nhưng không ai bị thương tích nặng nề.
Đây không phải là lần đầu tiên giới ủng hộ Tổng thống Phác Cận Huệ tổ chức cuộc xuống đường. Vào giữa tháng 11, một cuộc xuống đường tương tự cũng diễn ra nhưng số người tham dự chỉ khoảng vài ngàn, so với con số 300 ngàn người của phe chống đối.
DÂN BA LAN TIẾP TỤC XUỐNG ĐƯỜNG ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Hàng chục ngàn người dân Ba Lan đã tiếp tục xuống đường vào cuối tuần qua để phản đối dự luật kiểm soát báo chí, mà quốc hội Ba Lan đang sắp sửa thông qua.
Đoàn biểu tình đã tập trung trước dinh tổng thống vào sáng thứ Bảy trước khi tuần hành đến quốc hội. Bên trong quốc hội, các dân biểu đối lập vẫn tiếp tục ngồi lì trên ghế kể từ hôm thứ Sáu, nhất quyết không giải tán ra về. Trong khi đó thì Chủ tịch Hội đồng Âu châu, cựu thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, kêu gọi chính phủ Ba Lan hãy tôn trọng các điều khoản ghi trong hiến pháp.
Cần biết là chính phủ của Thủ tướng Beata Maria Szydlo muốn giới hạn con số phóng viên được tham dự trong các phiên họp quốc hội. Tuy nhiên phe đối lập cho rằng điều này là bóp nghẹt quyền tự do báo chí.
No comments:
Post a Comment