Friday, December 9, 2016

Tiến hành dự án thép Cà Ná – bản chất gian trá của CS lộ rõ hơn

QuanĐiểm

Thưa quí thinh giả
Khi sự kiện công ty Formosa gây ô nhiễm vùng biển Miền Trung nổ ra từ đầu tháng 4 năm 2016, thì người dân cả nước mới được biết rõ về sự nguy hại môi sinh do chính sách phát triển kinh tế, bất chấp hậu quả mà nhà nước CSVN chủ trương bấy lâu nay; nhưng đối với những chuyên gia làm việc trong các lãnh vực môi sinh, thì họ đã lên tiếng cảnh báo từ vài chục năm trước, khi VN mở cửa đón đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Cộng; nhưng những khuyến nghị và cảnh báo ấy đã bị phớt lờ, nhiều khi còn bị lên án và gây phiền hà nữa.

Từ vụ việc Formosa được cấp giấy phép hoạt động, cho đến khi gây ô nhiễm, và qua cách hành xử của nhà nước, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau:
1. Nhà nước cho đầu tư ồ ạt để cứu vãn sự thất bại của hệ thống kinh tế chỉ huy, trong đó có sự thất bại thê thảm của các tập đoàn quốc doanh do vốn của nhà nước, những vụ Vinalines, Vinashin, PVC….vẫn còn đó.
2. Các công ty đầu tư là nguồn thu nhập bất chính của tập đoàn cầm quyền CS và các nhóm lợi ích, do nhà nước bao che. Các tập đoàn đầu tư bất cứ từ đâu đến, muốn làm ăn trót lọt cũng phải hối lộ, bôi trơn bằng nhiều hình thức. Cứ nhìn vào khối tài sản khổng lồ của các viên chức nhà nước từ thấp lên cao thì đủ biết, tài sản ấy từ đâu ra, ai cũng có câu trả lời, chỉ trừ cơ quan thanh tra và bài trừ tham nhũng của nhà nước là không biết, mà đúng hơn là không muốn biết thôi!
3. Thu hồi đất đai và giải tỏa các khu dân cư khiến hàng triệu người dân mất nhà mất đất, trở thành dân oan vô gia cư. Đây là một thảm họa xã hội chứng tỏ nhà nước CS VN đặt quyền lợi của đảng, và nhóm lợi ích lên trên quyền lợi của người dân.
4. Hủy hoại môi trường sống, gây ô nhiễm trên diện rộng, hậu quả lâu dài, không thể vãn hồi được.
5. Nhà nước đã đứng hẳn về phía các doanh nghiệp, chống lại quyền lợi và nguyện vọng của người dân.
Trở lại với dự án KHU LIÊN HỢP LUYỆN CÁN THÉP HOA SEN CÀ NÁ – NINH THUẬN, thì theo quyết định số 3516/QĐ/BCT của Bộ Công thương ngày 25/8/2016, Dự án công suất 16 triệu tấn một năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen triển khai theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031.
Ngày 27/8/2016, UBND Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức một Hội Nghị long trọng tại khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ, Khánh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương cùng đông đảo các doanh nghiệp trên cả nước đến tham dự.
Cũng trong hội nghị trên UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen các dự án: Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy sản xuất xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy Nhiệt điện, năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và các Dự án khác bao gồm: Khai thác Khoáng sản; Xây dựng; Vận chuyển; Kho bãi; Du lịch, khách sạn…
Để củng cố các luận điểm bảo vệ dự án này, Bộ Công Thương cho rằng, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy nhu cầu phát triển nhà máy Cà Ná là đúng và cần thiết.
Đó là mặt tích cực do nhà nước và tập đoàn đầu tư chủ động đưa ra, nhưng còn các mặt tiêu cực mà những nhà chuyên môn và dân chúng đề cập đến thì sao? Chẳng hạn lượng sắt thép do Trung Cộng sản xuất rất lớn, giá rẻ hơn so với sản xuất tại VN. TC cần bán để bảo vệ việc làm cho nhân công đang có nguy cơ thất nghiệp.
Về địa điểm, Cá Ná là một vùng biển sạch và đẹp thích hợp để khai thác du lịch, sao lại biến thành khu kỹ nặng gây ô nhiễm. Cà Ná cũng là vùng ít mưa, thiếu nước, vậy phải đưa nước từ đâu đến, và rồi nước thải sẽ xả đi đâu. Lại một Formosa thứ hai chăng?
Chưa kể đến vốn đầu từ và máy móc thiết bị, theo nhiều nguồn tin cho biết sẽ do Trung Cộng đổ vào như ở Formosa, khiến cho, chẳng những công ty Hoa Sen, mà cả hệ thống kỹ nghệ năng của VN nằm trong tay Trung Cộng, điều này đe dọa cả kinh tế và an ninh của Việt Nam.
Chưa kể đến một kịch bản ít ai nói đến, là các nhà máy gang thép, nhôm của VN, chỉ sản xuất phần nào, còn lại là vỏ bọc, là công ty dán nhãn để tiêu thụ sản phẩm của Trung Cộng. Sự kiện hàng triệu tấn nhôm của TC vừa được chuyển từ Mexico về Vũng Tàu, để rối dán nhãn Việt Nam sẽ bán đi đâu, chưa ai biết. Bằng phương cách buôn bán lươn lẹo xưa nay của Trung Cộng, thêm sự tiếp tay của CSVN, lại được hưởng huê hồng hậu hĩnh thì tôi gì họ không làm.
Vì vậy cho dù trên diễn đàn Quốc hội VN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng: “Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường….?”. Tuy nói thế nhưng họ vẫn tiến hành dự án như chúng ta đã biết.
Đứng trước sự gian trá của nhà nước CSVN, người dân phải tự bảo vệ tương lai của chính mình, nên phải quyết tâm chận đứng những dự án gây phương hai cho tương ai Việt Nam. Chúng ta hãy tự nhủ rằng nếu tôi không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng thay cho tôi? Nếu tôi không làm thì ai sẽ làm thay tôi?
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment