Thursday, December 22, 2016

TRẦN TRUNG ĐẠO NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG RAY RỨT

ThiCaYêuNước

Trần Trung Ðạo quê Duy Xuyên, Quảng Nam, vượt biển năm 1981, tạm trú tại trại Palawan, định cư tại Mỹ .Trần Trung Đạo được biết đến như một nhà thơ yêu quê hương tha thiết. Thơ của ông thật đẹp cả ý lẫn lời. Điểm nổi bật nhất là thơ Trần Trung Đạo rất truyền cảm dễ thương, với những rung cảm chân thành nhưng thật sâu xa trước thân phận lưu vong, với nỗi ray rứt nhớ về một quê hương khổ đau đang bị cộng sản đọa đày. Bỏ quê hương ra đi, ông luôn mang cảm thức tội lỗi của chàng trai Việt chưa đền nợ nước.Từ cảm thức tội lỗi đó, ông đã dành hết con tim cho quê hương, vững tin vào truyền thống lịch sử kiêu hùng của dân tộc, và mãi mơ một một ngày về vinh quang.
Nói đến niềm đau mất nước và nỗi buồn xa xứ, nhiều văn thi hữu đã trải lòng mình vào dòng thơ lưu vong, như Vĩnh Liêm, Huy Lực, Thái Tú Hạp, Hoàng Phong Linh, Ngô Minh Hằng..Nhưng phải nói rằng, thơ Trần Trung Đạo mang một sắc thái đặc biệt, dành cho ông một chỗ đứng riêng, rất đáng yêu và đáng cảm phục trong làng thi ca Việt Nam hải ngoại. Hãy nghe ông vẽ lại vết thương tị nạn của những người phải lìa xa rời chôn nhau cắt rốn để tìm tự do:
Thưa Mẹ
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Chẳng phải là sương mù sao khóc lúc đêm khuya
Chẳng phải gió sao đời là giông bão
Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi
Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu.
Con khóc suốt đêm khuya, khóc cho chính con mang thân phận lưu vong, nhưng thiết yếu là khóc cho mẹ đang bị những đứa con hoang đem búa liềm và cờ Đỏ về cứa nát tim mẹ. Cơn giông bão lòng cuộn lên với những giọt lệ chảy dài trên má mẹ, và hơi thở thoi thóp như thể lịm dần:
Dải đất Việt Nam
Nằm co ro như một kẻ ăn mày
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả trời thương.
Dòng sinh mệnh dân tộc nổi trôi trên máu lửa. Nước mắt mẹ đã chảy, máu mẹ đã tuôn từ ngàn xưa, từ thuở dựng nước của tiền nhân:
Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống
Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát
Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san
Trần Bình Trọng chịu bêu đầu để làm quỉ nước Nam
Cũng chỉ vì tấm lòng tha thiết.
Mẹ đã khóc từ ngàn xưa và hôm nay mẹ vẫn còn khóc. Những nỗi oan khiên ngày nào thời Bắc Thuộc, lại đang tái diễn dưới xích xiềng thời “cộng thuộc”, tiếng mẹ vẫn nghẹn ngào:
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn..
Tiếng Mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ phải xa con, con đành lìa mẹ.Vết chém đứt lìa tình mẹ con bằng búa liềm dao găm mã tấu của bọn qủy đỏ đã làm vẳng lên những tiếng thật bi ai, như hơi thở thoi thóp của quê hương dấu yêu:
Xin đừng bỏ rơi tôi
Trong giờ đang hấp hối
Tôi như ngọn đèn khuya
Lập lòe trong đêm tối ..
Xin đừng bỏ rơi tôi
Lời nguyền rơi nước mắt
Tôi như nhánh sông chia
Hai bờ đau ngăn cách
Hẳn nhiên, chia lìa ngăn cách thì phải đau phải khóc, nhưng Trần Trung Đạo đã phải cầm nuớc mắt mình để làm khô nước mắt mẹ
Đừng khóc Mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Lau nước mắt mình rồi lau nước mắt mẹ, TrầnTrung Đạo đã đấm ngực ăn năn, ta tội chính mình và tạ tôi thay cho những đứa con bị tha hóa, quên cội nguồn, quên những nỗi nhục quê hương. Đó là nỗi nhục của những đứa em nhỏ bụi đời, lây lất trên vỉa hè kiếm sống
Tôi quên rồi, tôi có vạn thằng em
Đang lây lất trên vỉa hè, góc phố
Sẵn sàng giết nhau vì chén cơm manh áo
Và học đường là những tối đi hoang
Đó cũng là nỗi nhục của những chàng trai Việt bị cộng sản trù diệt, vùi thân trong trại tù dị sử nơi rừng sâu núi thẳm:
Tôi quên rồi, tôi có vạn người anh
Trong ngục tối, trên rừng sâu núi thẳm
Người khi khuất vào hư vô quên lãng
Không mộ bia và không cả họ tên
Cái đẹp trong thơ Trần Trung Đạo, là dù ông có khóc khi thấy mẹ mình khóc, nhưng tác giả đã vựợt qua cơn đau, nuôi hy vọng nắm tay dân Việt trở về giải cứu quê hương
Tôi trở về như máu trở về tim
Tim tôi đấy, bầm đen màu thống khổ
Tôi sẽ về dù đi trong dông bão
Dù nợ đời còn buộc lấy chân tôi
Xin trả cho ai những thương xót ngậm ngùi
Quyết tở về để tìm lại những mộng mơ hy vọng của tuổi thơ, những tiếng hò câu hát đầy tình tự dân tộc đã bị cộng sản cướp mất:
Tôi sẽ về sống chết với quê hương
Trong hầm hố chưa tan mùi súng đạn
Ai đã cướp mất của đời tôi những ước mơ, hy vọng
Ðã gài chông trên luống tuổi thơ vàng
Ai đã biến núi sông nầy thành một bãi tha hoang
Tiếng rên siết trong đêm đã át đi giọng hò câu hát.
Hỏi để mà hỏi, chứ Trung Đạo đa thừa biết đó là ai? Là đảng cộng sản vốn được gọi là lũ lang sói, mang mặt người dạ thú. Ông thẳn thắn kêu gọi bọn đao phủ ngừng tay:
Hỡi ai đó còn mang lòng thú dữ
Hai bàn tay nhuộm đỏ máu anh em
Hãy ngưng đi những lọc lừa, đổi họ, thay tên
Lớp phấn son chẳng thể làm một đào già trẻ lại
Hãy ngừng tay, hỡi hận thù vọng ngoại
Cho dân tộc này được lớn giữa yêu thương.
Đao phủ phài ngừng tay. Cộng sản phải ra đi để trả lại cho dân Việt cuộc sống an vui thanh bình với nền văn hiến rạng ngời:
Hãy trả lại cho Việt Nam một đất nước yêu kiều
Trả lại cho đồng bào tôi bốn ngàn năm lịch sử.
Ngô Quốc Sĩ, Minh Nguyệt, Phương Thư và Hải Sơn xin tạm biệt quí thinh giả, hẹn gặp lại quí vị trong TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment