XUNG ĐỘT GIỮA DÂN VÀ QUAN CHỨC HÀ TĨNH: 1 NGƯỜI BỊ THƯƠNG
Xung đột đã diễn ra giữa người dân và quan chức Hà Tĩnh trong buổi họp về bồi thường thảm họa Formosa khiến một thanh niên bị trọng thương, phải đưa đến bệnh viện để chữa trị.
Nội vụ diễn ra vào sáng thứ Bảy vừa qua khi nhà cầm quyền xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, mở phiên thảo luận về việc bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại vì thảm họa cá chết ở ven biển miền Trung. Khi cuộc họp sắp kết thúc thì một số cư dân tiến vào chất vấn là tại sao họ không được nhận tiền bồi thường. Trong khi cự cãi, một số quan chức đã ra tay đấm đá anh Trần Văn Rô khiến anh bị thương, phải vào bệnh viện để chữa trị.
Nhận được tin, hơn 300 người dân kéo đến bao vây trụ sở xã Thạch Lạc để yêu cầu làm rõ lý do hành hung người dân. Không một quan chức nào dám ra ngoài gặp người dân, nhưng lại điều động một lực lượng công an hùng hậu đến trấn áp đám đông. Cho đến chiều tối, người dân mới tự động giải tán.
THAN ĐÁ NỘI ĐỊA DƯ THỪA NHƯNG LẠI NHẬP CẢNG THAN ĐÁ THẾ GIỚI
Bộ công thương VN đã gửi thư đề nghị cho phép nhập cảng than đá từ thế giới để chạy nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 ở Trà Vinh, trong khi lượng than đá nội địa đang dư thừa, không ai mua.
Được biết là vào tháng 10 vừa qua, bộ công thương đã lên tiếng ủng hộ nhà máy Duyên Hải 3 được nhập cảng than đá từ thế giới. Tuy nhiên theo quyết định trước đây của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì việc nhập cảng than đá phải được sự đồng ý của Tập đoàn Than và Khoáng sán VN (TVN) và Tổng công ty Đông Bắc.
Trên thực tế thì trong mấy năm qua, lượng than đá nhập cảng về VN càng ngày càng cao, lên đến 12 triệu tấn, với tổng trị giá là 800 triệu Mỹ kim, cao gấp 40 lần mức hạn định của bộ công thương, đa số là lượng than đá nhập cảng từ Trung Cộng. Điều mỉa mai là hiện VN đang có hơn 11 triệu tấn than đá đang tồn kho, và chỉ xuất cảng được 1 triệu tấn trong năm nay.
ĐỢT LŨ LỤT MỚI NHẤT Ở MIỀN TRUNG KHIẾN 16 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH
Theo số liệu thống kê của giới hữu trách thì đợt lũ lụt mới nhất ở miền Trung trong mấy ngày qua đã khiến 16 người chết và mất tích. Trong số này có 12 người bị nước cuốn trôi ở Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa. 4 người mất tích là các ngư dân trên một chiếc tàu cá Quảng Ngãi bị chìm vào ngày 8/12.
Vào hôm qua, nước lũ đang rút dần ở Bình Định, nhưng một số xã ấp ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn vẫn ngập lụt. Tại Quảng Ngãi thì chỉ còn một số ruộng đồng ở vùng trũng là vẫn còn bị ngập.
Trong khi đó thì các hồ đập chứa nước và thủy điện đang tiếp tục xả lũ với lưu lượng rất lớn, khiến tình trạng ngập lụt ở các vùng hạ lưu sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ Ở SÀI GÒN ĐANG CẦN TU BỔ KHẨN CẤP
Sở văn hóa thể thao Sài Gòn vừa gửi thư đề nghị nhà cầm quyền thành phố chấp thuận cho việc tu bổ khẩn cấp mái ngói của Nhà thờ Đức Bà, một thắng cảnh lịch sử của Sài Gòn.
Cần biết, Nhà thờ Đức Bà còn có tên là Vương Cung Thánh Đường, được xây dựng từ 140 năm trước và là một kiến trúc đặc sắc dưới thời Pháp thuộc. Tọa lạc ở trung tâm thành phố, Nhà thờ Đức Bà là một thắng cảnh xinh đẹp, được người dân VN và du khách quốc tế ưa thích.
Theo văn thư đề nghị tu bổ thì mái ngói nhà thờ đang cần được tu bổ khẩn cấp, có chiều dài đến 91 thước, chiều rộng 35 thước và chiều cao hơn 50 thước. Phí tổn sửa chữa sẽ do tòa tổng giám mục Sài Gòn lạc quyên từ giáo dân. Thời gian tu bổ sẽ mất đến 2 năm mới hoàn tất.
BOM NỔ Ở SÂN VẬN ĐỘNG THỔ NHĨ KỲ: 38 NGƯỜI CHẾT
Hai vụ đánh bom khủng bố cùng lúc ở bên ngoài một sân vận động của thành phố Istanbul đã khiến ít nhất 38 người chết và hàng trăm người khác bị thương vào chiều tối thứ Bảy vừa qua.
Theo tường thuật của báo chí thì một chiếc xe chở bom đã lao vào một xe cảnh sát trước khi phát nổ. Cùng lúc đó thì một tên khủng bố cũng ôm bom tự sát ở bên ngoài sân vận động của câu lạc bộ Besiktas. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt được 10 kẻ tình nghi sau vụ khủng bố này. Trong số người thiệt mạng có 30 cảnh sát viên.
Hiện chưa có phe nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ thảm sát này. Tuy nhiên giới chức Thổ tình nghi thủ phạm là một tổ chức người Kurd, từng ra tay tấn công các đồn cảnh sát.
NAM DƯƠNG PHÁ VỠ ĐƯỢC ÂM MƯU KHỦNG BỐ PHỦ TỒNG THỐNG
Cảnh sát Indonesia vào hôm qua đã tăng cường hệ thống an ninh tại thủ đô Jakarta sau khi phá vỡ được âm mưu đánh bom tại tổng thống phủ của một nhóm phiến quân Hồi giáo.
Theo loan báo của giới hữu trách thì lực lượng chống khủng bố của Nam Dương đã tìm thấy một trái bom tại một tư gia ở thành phố Bekasi. Hai người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt giữ vào hôm thứ Bảy. Một nghi phạm khác cũng bị bắt vào hôm qua. Bốn người này là thành viên của mạng lưới Bahrun Naim, một tay Hồi giáo cực đoan đang chiến đấu dưới cờ quân IS ở Syria.
Theo lời khai thì nhóm này có âm mưu đánh bom tự sát tại dinh tổng thống Nam Dương trong thánh lễ Chủ nhật.
TRUNG CỘNG VẪN CHƯA ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối tuần qua vẫn chưa chấp nhận Trung Cộng có nền kinh tế thị trường mặc dù Bắc Kinh đã gia nhập tổ chức này đúng 15 năm. Bất chấp sự phản đối của Trung Cộng, vào cuối tuần qua Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục không công nhận là Trung Cộng có nền kinh tế thị trường.
Để trả đũa, Trung Cộng dự trù sẽ gia tăng áp lực lên các quốc gia đang giao dịch để yêu cầu họ công nhận điều này. Theo giới quan sát viên thì sắp tới đây, Trung Cộng có thể cắt giảm đầu tư vào Âu châu, hay gia tăng mức thuế đánh trên các hàng hóa nhập cảng từ Âu châu. Thậm chí Trung Cộng có thể kiện ra tòa án trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Để dọn đường cho kế hoạch trả đũa, giới truyền thông Trung Cộng cũng lớn tiếng khoe khoang là việc công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Cộng sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Lý do là kể từ năm 2001, tức năm mà Trung Cộng gia nhập WTO, nhiều nước nghèo trên thế giới đã mua sắm được các hàng hóa rẻ tiền của Trung Cộng, giúp nâng cao đời sống của họ.
No comments:
Post a Comment