Chủ Nhật 08.11.2015
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
ĐPV Hoàng Ân: Trước hết HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
PV Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
ĐPV Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào về cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình tại VN giữa tuần qua?
PV Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài DLSN!
Được biết, một cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình bất ngờ nổ ra tại Hà
Nội vào lúc 9 giờ sáng hôm 3/11, chỉ hai ngày trước khi họ Tập đặt chân
đến VN.
Theo ghi nhận thì cuộc biểu tình này qui tụ khoảng vài chục người
tuần hành trên một số con đường, với các biểu ngữ mang nội dung phản đối
bạo quyền CSVN tiếp đón kẻ thù phương Bắc. Phát xuất từ khu vực Nhà Hát
Lớn, đoàn biểu tình vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu "Đả đảo Trung Cộng
xâm lược", "Đả đảo Tập Cận Bình" và "Hoàng Sa – Trường Sa là của VN".
Khi tiến về tòa đại sứ Trung Cộng thì đoàn biểu tình đã bị một lực lượng
công an, có quân số gấp 5 lần, ngăn chận quyết liệt.
Tiếp theo sau cuộc biểu tình ở Hà Nội, hơn 200 người dân ở Sài Gòn đã
bất ngờ xuống đường vào hôm qua để phản đối chuyến viếng thăm VN của
Tập Cận Bình, lãnh tụ tối cao của Trung Cộng.
Cuộc xuống đường là do các nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Câu lạc bộ
Lê Hiếu Đằng khởi xướng, bất chấp việc công an gia tăng việc quản thúc
tại gia và ngăn chận họ tham gia. Đoàn biểu tình đã kéo đến văn phòng
đại diện quốc hội ở Sài Gòn để trao tuyên ngôn yêu cầu quốc hội VN phải
có thái độ cứng rắn đối với kẻ luôn tuyên bố "Biển Đông là của Trung
Cộng" trên các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên không một quan chức nào đồng ý
tiếp nhận bản tuyên ngôn này. Trước đó vào hôm thứ Ba, một cuộc biểu
tình với hơn 50 người tham dự đã bất ngờ nổ ra ở Hà Nội. Nhưng cho dù là
tự phát thì hai cuộc biểu tình đều xuất phát từ tấm lòng của người dân
đối với quê hương Việt Nam.
Cùng ngày hơn 50 người đã có mặt tại trước đại sứ quán Trung Cộng tại
Sài Gòn để biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Nhiều công
an, côn đồ đã đàn áp và bắt bớ người yêu nước. Hai người đã bị bắt là
Nguyễn Tiến Nam và Blogger Lê Anh Hùng. Hàng chục người khác bị công an
đánh đập đổ máu. Tuy nhiên không khí biểu tình vẫn diễn ra sôi nổi và
hiên ngang bất chấp đòn thù cộng sản.
ĐPV Hoàng Ân: Được biết trong chuyến thăm này Chủ
tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài hơn 20 phút, gấp
đôi thời gian dự kiến, trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội. Đây là bài phát
biểu mà nhiều người quan tâm chú ý đến nhất trong chuyến công du Việt
Nam lần này của người đứng đầu đảng và chính phủ Trung Cộng. Vậy phản
ứng của những người trong nước tới sự kiện này như thế nào thưa anh?
PV Trường An: Trước hết tôi xin nhắc lại một đoạn trích trong bài phát biểu của ông tập như sau:
Ông Tập Cận Bình nói đến mối quan hệ hai nước láng giềng 'núi liền
núi, sông liền sông' và với câu 'mất hàng ngàn vàng để mua láng giềng'.
Theo ông Tập Cận Bình thì Trung Cộng và Việt Nam cẩn đạt được đại sự,
sau đó tiểu sự sẽ giải quyết dễ dàng. Ông này cũng nhấn mạnh ủng hộ Việt
Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, từ Sài Gòn sau khi đọc được những
tường trình của báo chí Nhà nước về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình
trước Quốc hội VN thì cho rằng phát biểu của ông Tập Cận Bình không tỏ
ra hung hăng nhưng rõ ràng vẫn không có thừa nhận một cách rõ ràng về
tình trạng Hoàng Sa- Trường Sa thuộc về Việt Nam hoặc ít ra là đang có
vấn đề tranh chấp; mà chỉ đề cập một cách rất chung chung như thể đánh
lừa các đại biểu quốc hội.
Trong khi đó Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang thì nói rằng, ông Tập đưa
ra những khẩu hiệu láng giềng tốt, cùng nhau tiến lên với phương châm
'4 tốt' và 16 chữ vàng'.
Trong khi đó các đại biểu quốc hội VN hoàn toàn thụ động lắng nghe và
tỏ một thái độ rất lịch sự là vỗ tay chào mừng bài phát biểu mà không
hề có một phát biểu ngược lại. Còn việc ông Nguyễn Sinh Hùng với tư cách
chủ tịch, người chủ nhà ông ta đáp lễ như một cách thức xã giao mà
không dám nhấn mạnh đến nội dung mà tất cả dân chúng Việt Nam đang quan
tâm, đó là Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung
Cộng.
ĐPV Hoàng Ân: Trong một diễn biến mới nhất cho thấy
VN đã trở thành đất nước của những nhóm mafia khi hai luật sư Trần Thu
Nam và Lê Văn Luân đã bị một nhóm công an côn đồ ngang nhiên hành hung
đến phun máu ngay giữa ban ngày, trên đường phố Hà Nội. Xin anh nói rõ
hơn về sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài được tường tận hơn?
PV Trường An: Theo tôi được biết, Hai luật sư này là
những người tình nguyện đi tìm công lý cho gia đình Đỗ Đăng Dư, người
thiếu niên bị đánh chết trong trại giam huyện Chương Mỹ - Hà Nội vào đầu
tháng 10 vừa qua. Đây là vụ án đang tiếp tục gây sôi nổi trong dư luận
VN và thế giới.
Vụ hành hung diễn ra vào sáng thứ Ba hôm qua sau khi hai luật sư Nam
và Luân vừa rời khỏi nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của cháu Dư. Các hình ảnh
đăng tải trên báo chí, kể cả báo chí lề đảng, cho thấy máu me loang lỗ
trên mặt Luật sư Nam. Theo lời kể của Luật sư Luân thì hai ông bị khoảng
8 thanh niên bịt mặt bằng khẩu trang vây đánh giữa đường và bị chúng
cướp luôn điện thoại. Trong khi đó, với vết máu vẫn còn trên mặt, Luật
sư Trần Thu Nam tuyên bố là ông sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ án Đỗ
Đăng Dư và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ hành hung ông.
Trong khi đó công an Hà Nội tuyên bố là họ sẽ mở cuộc điều tra về vụ
hành hung thô bạo này. Tuy nhiên trên mạng xã hội, rất nhiều người không
tin là sẽ nhìn thấy được công lý vì tập đoàn lãnh đạo VN đang xử dụng
luật rừng như các tập đoàn mafia.
ĐPV Hoàng Ân: Trong khi dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ
về việc xây tượng đài tràn lan thi trong tuần qua lại có thêm một tỉnh
thành xin xây dựng tượng đài với phí tổn 10 triệu Mỹ kim. Anh có nhận
như thế nào về việc này?
PV Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong khi dư
luận vẫn còn phẫn nộ vì các tượng đài được xây dựng tràn lan, trong khi
ngân sách nợ nần chồng chất, thì giới quan chức Cần Thơ vừa gửi văn thư
đề nghị nhà cầm quyền trung ương tài trợ 10 triệu Mỹ kim để xây dựng một
tượng đài Thanh niên Xung phong tại thành phố này.
Theo văn thư này thì tượng đài sẽ chiếm một diện tích rộng 3 mẫu rưởi
tại huyện Cái Răng và sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm tới, với tổng phí
tổn ước tính ban đầu là 201 tỷ đồng. Biện hộ cho công trình này, giới
quan chức Cần Thơ nói rằng tượng đài này nhằm vinh danh truyền thống
"đấu tranh cách mạng, mang tính lịch sử và văn hóa tiêu biểu của vùng
đất Tây Nam bộ". Cũng tương tự như lý luận của tỉnh Sơn La về dự án
tưởng đài HCM, các ông quan Cần Thơ cũng thòng thêm một câu kinh điển
quen thuộc "dự án này nhằm đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ và
các cựu thanh niên xung phong vùng tây nam bộ".
ĐPV Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment