Thứ Sáu, 06.11.2015
Ông Tập Cận Bình được đảng và nhà nước CSVN mời sang thăm VN vừa diễn ra trong hai ngày qua, trước thái độ bất bình của quần chúng. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ đối với những phản ứng của người dân Việt Nam khi sự kiện này diễn ra, qua sự trình bày của....
Thưa quí thính giả,
Trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, lãnh đạo của nước này sang
thăm nước kia là chuyện bình thường. Hai nước VN-TC vừa là hàng xóm láng
giềng, vừa là đối tác chiến lược toàn diện của nhau; chẳng những thế,
cả ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn
Phú Trọng đều đã được mời sang thăm TC; nhất là ông Nguyễn Phú Trọng
mới được đón tiếp trọng thể tại Bắc Kinh mấy tháng trước đây. Nay CSVN
mời TBT cũng là chủ tịch nước TC là Tập Cận Bình sang thăm VN như một
cách đáp lễ, đấy cũng là nghi thức ngoại giao bình thường.
Khi các ông Sang, Trọng đến Bắc Kinh đã được chiêu đãi tốt, nay ông
Tập sang VN, thì ta cũng phải trả ơn cách nào đó cho đặc biệt hơn, cái
đặc biệt hơn ấy, là mời ông Tập đọc diễn văn trước quốc hội của nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN; đó là việc chưa từng có trước đây! Từ sự
kiện này làm nảy sinh những suy đoán và những lời bình luận mới trong
quần chúng; chúng tôi sẽ bàn đến sau.
Cứ cho rằng những cuộc thăm viếng như trên đây trong sinh hoạt ngoại
giao là chuyện thông thường, nhưng chuyến đi nào cũng có mục đích của
nó, chẳng những thế, còn tùy thuộc vào thời điểm và những diễn biến tế
nhị khác. Những hình thức bề ngoài cũng giúp cho người quan sát đánh giá
phần nào tầm mức quan trọng của cuộc gặp gỡ.
Những diễn biến tế nhị thì ai cũng thấy. Tại VN, đảng CS đang chuẩn
bị đại hội thứ XII; trong ấy vấn đề sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho 5 năm
tới rất quan trọng, sự đấu đá giữa hai khuynh hướng thân TC và thân Hoa
Kỳ trở nên quyết liệt. Kinh tế VN lại đang ở vào tình trạng ngụy kịch,
vậy Ông Tập sang VN, chắc chắn đã có sẵn bửu bối trong tay rồi.
Những sự kiện đồn dập cả năm nay, như việc TC bồi lấp đảo ở Trường
Sa, lập căn cứ quân sự, tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, đe
dọa an ninh hàng hải, khiến thế giới phải lên tiếng. Hoa Kỳ mới đưa hải
quân vào tuần tra để bảo đảm an ninh cho đường biển, khiên TC phản ứng
gay gắt. Philippines thì đã kiện TC ra tòa án trọng tài quốc tế. Việc TC
phá vỡ sự đoàn kết của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN đã quá lộ
liễu, lại vừa thao túng diễn đàn an ninh các bộ trưởng quốc phòng mở
rộng tại Kuala Lumpur, khiến hội nghị đã không thể có được một bản thông
cáo chung.
Ông Tập đến VN trong bối cảnh như trên, làm sao có thể để cho VN tự
do chọn lựa hướng đi mới được. Thay vì ông Tập thuyết phục Bộ Chính Trị,
rồi BCT sẽ thuyết phục Ban Bí thư, Ban Chấp Hành, lúc ấy sẽ có kẻ chống
người bênh, vừa mất thời giờ, có khi còn làm rạn nứt nội bộ đảng nữa,
nên nhờ ông Tập gánh giùm BCT là thượng sách, để nói một lần ở quốc hội
VN cho cả nước nghe là xong cả, vì 90% đại biểu quốc hội là đảng viên,
tất nhiên phải nhất trí.
Nhìn vào xã hội Việt Nam hôm nay, nếu một chính quyền có trách nhiệm,
thì không thể làm ngơ trước những phản ứng của người dân trong nước.
Không ai có thể phủ nhận được rằng, dù Việt Nam và Trung Cộng hiện là
đối tác chiến lược toàn diện của nhau, đang giao thương buôn bán, với
những thỏa thuận sâu rộng, nhưng cũng đang có một hố ngăn cách lớn khủng
khiếp, không bao giờ khỏa lấp được, đó là thực tế lịch sử của ách đô
hộ, lịch sử bá quyền thôn tính lân bang của Hán tộc áp đặt trên Việt
tộc, đã đối đầu sinh tử trong hơn hai ngàn năm qua. Chính vì thực tế này
mà người dân Việt Nam luôn phải đề cao cảnh giác, cho dù vẫn giao thiệp
hàng ngày, nhưng phải áp dụng triệt để một câu nói rút ra từ kinh
nghiệm sống, tuy bình dân nhưng thực tế và hiệu quả: "muốn yêu nhau lâu,
thì hãy rào giậu cho kỹ". Đúng vậy, hai nước muốn sống hài hòa cạnh
nhau, thì mọi thứ phải minh bạch, dứt khoát, rõ ràng. Một mình VN không
đử sức rào giậu cao, đào hào sâu, thì phải nhờ bạn hữu phương xa đến
giúp sức, đó cũng là chuyện hợp lý.
Những ngôn từ bóng bảy hoa mỹ mà hai đảng CS Việt-Tàu luôn dùng để
đánh bóng, để ca tụng tình hữu nghị của nhau là thắm thiết, là hiểu biết
thông cảm, là bền chặt mà chắc chắn Tập Cận Bình cũng sẽ dùng đến, rồi
các cơ quan truyền thông Việt Nam hoan hỷ lập lại, đó hoàn toàn trống
rỗng và giả dối nhằm che đậy những thủ đoạn, những âm mưu đen tối thâm
độc mà thôi.
Nếu những người đang nắm quyền hành chịu nhìn sâu vào tâm tư nguyện
vọng của người dân Việt lúc này, thì chắc chắn họ phải nhận ra rằng lòng
dân đã không còn tin tưởng vào đảng CS nữa, và không muốn ông Tập đến
VN. Có chăng là những đảng viên trung thành, và những người đang được
hưởng bổng lộc do đảng ban phát mà thôi. Cứ nhìn vào thái độ của người
dân thường, nếu không minh danh lên tiếng chống đối, không công khai
xuống đường bày tỏ thái độ phản kháng, thì cũng tỏ ra bực tức văng tục
chủi thề đầy khinh bỉ. Điều ấy cho thấy rõ cái hố ngăn cách giữa người
dân và đảng CS mỗi lúc mỗi sâu và rộng hơn; nên việc mời Tập Cận Bình
sang VN chỉ là việc của đảng và nhà nước CS chứ không nhằm nhò gì đến
người dân Việt nam. Nhưng những thỏa thuận, những cam kết mà Tập Cận
Bình vừa ký kết với CSVN sẽ ảnh hưởng trực tiếp lâu dài đến tương lai
của VN, nên người VN phải tỏ thái độ chống đối quyết liệt và dứt khoát.
Điều bất hạnh cho VN hôm nay là đảng CSVN vẫn cố bám chặt vào TC để
được tồn tại lâu hơn, nên qua chuyến thăm viếng của Tập Cận Bình này,
người dân đã nhìn rõ hơn thái độ thiếu trách nhiệm của nhà cầm quyền Hà
Nội. Đây cũng là cơ hội để người dân đánh giá lập trường và tư cách của
những người được gọi là đại biểu nhân dân trong quốc hội VN, từ đó sẽ có
được những quyết định chính xác hơn cho tương lai của chính mình.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment