Kính thưa quý thính giả,
Cách đây hơn sáu thế kỷ, quân Minh xâm lược VN và áp giải vua quan Việt Nam về Kim Lăng (Trung Quốc). Trước lúc qua Ải Nam Quan, một vị quan đã ngoảnh lại căn dặn đứa con của mình: "Ta già rồi, dù chết cũng không oán hận. Con là người có tài có đức phải lo rửa hận cho nước, trả thù nhà, như thế mới là đại hiếu". Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Học sĩ Nguyễn Phi Khanh" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
Nhất than cửu khiếu thất tình nội,
Vạn sự thiên ưu bách lự trung.
Dịch:
Chín khiếu bảy tình thân một tấm,
Đó là hai câu thơ của Nguyễn Phi Khanh nói lên tâm sự của ông trong cảnh nước mất nhà tan.
Nguyễn Phi Khanh, thuở nhỏ tên Nguyễn Ứng Long, sinh năm Ất Mùi
(1355), tại xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, trong một gia
đình bình dân. Từ nhỏ Nguyễn Ứng Long đã nổi tiếng giỏi về văn chương.
Ông được Trần Nguyên Đán, một vị đại thần tôn thất nhà Trần mời về nhà
dạy học cho con gái là Trần Thị Thái và về sau nhận ông làm rể.
Năm 1374, Nguyễn Ứng Long thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Tuy đậu cao
nhưng ông vẫn không được triều đình trọng dụng. Từ đấy, khi thì ông
giúp việc nghiên bút trong dinh của quan đại thần Trần Nguyên Đán, khi
thì tìm nơi dạy học. Mãi đến sau khi vợ mất, ông mới đưa con thơ về ở
hẳn Nhị Khê.
Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần và lên làm vua. Cuộc đời
Nguyễn Ứng Long có một bước ngoặt mới. Ông cho con là Nguyễn Trãi đi thi
khoa thi đầu tiên của nhà Hồ và Nguyễn Trãi đậu Thái học sinh (tiến sĩ)
và nhận chiếu chỉ của triều đình nhà Hồ mời ra giúp nước.
Năm Tân Tỵ, Hồ Quý Ly đổi tên ông là Nguyễn Phi Khanh, đồng thời
phong cho ông chức Hàn lâm đại học sĩ, sau đó lại phong Đại lý tự khanh,
Thông chương Đại phu, Quốc tử giám Tư nghiệp và Thượng khinh xa Đô úy
(một chức quan võ cao cấp). Nguyễn Phi Khanh hết lòng dốc sức phục vụ
nhà Hồ.
Đến năm 1406, lúc nhà Minh kéo quân sang xâm lược, Nguyễn Phi Khanh
tận tụy giúp nhà Hồ kháng chiến chống Minh, sau cùng bị quân Minh bắt
giải về Kim Lăng cùng một chuyến với cha con Hồ Quý Ly.
Ông mất năm Mậu Thân (1428) tại Trung Hoa, thọ 73 tuổi. Người con thứ
của ông là Nguyên Phi Hồng đã mang thi hài ông về an táng tại nơi quê
nhà của ông ở núi Bái Vọng, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thơ văn của Nguyễn Phi Khanh hầu hết được sáng tác trong thời gian
nhà Trần, một số ít sáng tác dưới triều đại nhà Hồ. Thơ văn của ông thể
hiện tâm tư của tầng lớp sĩ phu trước vận mệnh đen tối của đất nước với
những cảm xúc trong lòng được thể hiện qua lời thơ với sự thanh thoát
nhẹ nhàng, nên được giới sĩ phu thời đó ưa thích. Tác phẩm văn học nổi
tiếng của Nguyễn Phi Khanh là Nhị Khê thi tập và Nguyễn Phi Khanh thi
văn tập.
Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời Mạt Trần, để lại
nhiều tác phẩm quan trọng trong sự phát triển nền văn học VN thời kỳ
này.
Dù cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhà Hồ đã thất bại
vì lòng dân không hướng về nhà Hồ, nhưng khí phách của Nguyễn Phi Khanh
vẫn được lịch sử VN trân trọng ghi nhận, đặc biệt là lời nhắn nhủ của
ông với Nguyễn Trãi tại ải Nam Quan đủ chứng minh tấm lòng nhiệt huyết
với dân tộc và đất nước.
Và kết quả cho thấy là người con trai của ông đã không phụ tấm lòng
của ông, đã trở thành một đại công thần trong cuộc kháng chiến quân
Minh, và khai sáng triều đại Hậu Lê, mang lại một nền tự chủ và thịnh
trị cho đất nước sau đó. Rất tiếc là Nguyễn Phi Khanh đã qua đời trên
đất Tàu nên không có cơ hội thưởng thức được bài thiên cổ hùng văn mang
tên "Bình Ngô đại cáo", do chính người con trai tài ba của ông soạn thảo
sau cuộc chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn và Bình Định
Vương Lê Lợi.
Chính vì thế, nhắc đến hai cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi, là
nhắc đến một giai đoạn bi thảm của đất nước khi bị lũ giặc phương Bắc
xâm chiếm một lần nữa. Nhưng dù giặc Minh có tàn ác đến đâu chăng nữa
thì vẫn không dập tắt được ý chí quật cường và bất khuất của dân tộc
Tiên Rồng.
Điều đáng buồn là đất nước VN hiện nay cũng đang trải qua thời kỳ bi
thảm không kém gì thời Mạt Trần. Mặc dù kẻ thù phương Bắc chưa chính
thức xâm chiếm VN như quân Minh vào 600 năm trước, nhưng thực tế thì đất
nước đang lệ thuộc vào kẻ thù truyền kiếp phương Bắc từ kinh tế, chính
trị cho đến quân sự.
Đáng buồn hơn nữa là mặc dù lòng dân không hướng về Hồ Quý Ly, nhưng
triều đình nhà Hồ vẫn có được những con người xuất sắc như Hồ Nguyên
Trừng, Nguyễn Phi Khanh... Trong khi đó, nhìn qua nhìn lại, từ trên
xuống dưới, người ta không thấy một quan chức nào của chế độ CSVN dám
chỉ trích quân Trung Cộng xâm lấn và tàn sát ngư dân Việt ngoài Biển
Đông.
Một đất nước với giàn lãnh đạo khiếp nhược như thế thì hiểm họa mất
nước chắc chắn phải là điều sẽ xảy ra. Không mất nước mới là chuyện lạ!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment