Sunday, November 29, 2015

Nói với người cộng sản

Chủ Nhật 29.11.2015
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Thưa các quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Hôm 23 và 24 tuần qua, tại thành phố Vũng Tàu đã diễn ra cuộc Hội thảo về Biển Đông lần thứ 7 do một số cơ quan của nhà cầm quyền tổ chức. Điều đặc biệt của lần hội thảo này là có sự tham dự của một số học giả đã từng bị nhà cầm quyền cộng sản coi là "thù địch" như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng một người Mỹ gốc Việt và nhà báo Bill Hayton - người đã bị nhà cầm quyền Việt Nam không cho nhập cảnh trong nhiều năm trước đây.
Theo nhận định của chính Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà cầm quyền Việt Nam đang giải quyết tranh chấp với Trung Cộng trên Biển Đông bằng "võ mồm" và hội thảo đó xét theo khía cạnh truyền thông là "thành công" vì đã ít nhiều làm cho quan điểm ngang ngược của Trung Cộng về Biển Đông trở thành thiếu chính đáng. Đứng trên lợi ích quốc gia, chúng ta cũng ủng hộ những nỗ lực như thế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên nhìn về tổng thể hành vi của nhà cầm quyền, chúng ta không thể không nghi ngờ rằng cái Hội thảo Biển Đông đó chỉ là một thủ thuật ngụy trang cho chính sách "Hèn với giặc Tàu, Ác với dân Việt" của giới lãnh đạo cộng sản hiện nay.
Đúng ngày khai mạc Hội thảo Biển Đông tại Vũng Tàu diễn ra thì ở Đà Nẵng có báo cáo chính phủ về việc thành phố chấp nhận cho 300 người Trung Quốc nhập cảnh vào thành phố để xây dựng một khách sạn đồ sộ thuộc chủ đầu tư cũng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trước đó mấy ngày, Tân Bí thư thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh, đã cho báo chí biết rằng ông ta không hề biết chuyện này: "Giờ tôi mới nghe thông tin, còn sự việc thì Ủy ban quyết định ở đâu tôi không rõ". Chúng ta chưa có điều kiện kiểm chứng lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Anh nhưng những lời đó ít nhất cho thấy giới lãnh đạo cấp cao của đảng cộng sản Việt Nam đang để cho người Trung Quốc xâm nhập Việt Nam một cách hết sức dễ dàng, kể cả những địa thế trọng yếu cho an ninh kinh tế và phòng thủ quốc gia.
Vậy, chúng ta cần phải đặt câu hỏi: Các tranh luận, bàn thảo ở phòng họp máy lạnh của Hội thảo Biển Đông có ý nghĩa gì khi trên thực địa đảng cộng sản Việt Nam đã để rộng cửa cho người Trung Quốc tràn vào Việt Nam?
Chưa hết, vào ngày 5 đầu tháng này khi Tập Cận Bình sang Hà Nội, công an Sài Gòn và Hà Nội đã thẳng tay giải tán, trấn áp, đánh đổ máu những người Việt muốn bày tỏ lòng yêu quê hương, căm giận sự xâm lấn Trung Cộng.
Vậy, đảng cộng sản Việt Nam có ý định gì khi mời học giả quốc tế bàn về Biển Đông nhưng lại thẳng tay ruồng bố, đánh đập người Việt Nam phản đối Trung Cộng xâm lấn Biển Đông?
Vẫn chưa hết, chính hôm 6 tháng này, tất cả 500 đại biểu của cái gọi là "quốc hội Việt Nam" đã ngoan ngoãn im lặng ngước nhìn, lắng nghe Tập Cận Bình thuyết giảng về tình hữu nghị Trung-Việt viển vông và tất cả hoàn toàn bất động trước câu chuyện đầy thâm ý xỏ lá của Tập Cận Bình về nhà thơ Vương Bột đời Đường ngụ ý cho rằng nước Việt Nam và Biển Đông đã từng thuộc phương Bắc từ bao đời qua.
Vậy, Hội thảo Biển Đông còn ý nghĩa gì khi đảng cộng sản Việt Nam đã trân trọng mời đúng kẻ đang chủ mưu cướp Biển Đông tới huấn thị cho toàn bộ "quốc hội" -"cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân"?
Chỉ cần nhìn sang Phi Luật Tân, chúng ta sẽ thấy rõ một chính quyền thực sự có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc sẽ phải có thái độ và hành động như thế nào trước sự uy hiếp của Trung Cộng.
Tới nay, dù Trung Cộng vẫn tiếp tục có nhiều hành vi ngang ngược trên Biển Đông nhưng Phi Luật Tân đã thành công trong việc kìm chế hiệu quả Trung Cộng bằng việc huy động và phối hợp hai nguồn lực quan trọng: Một, sức mạnh đoàn kết dân tộc; Hai, sức mạnh quan hệ quốc tế.
Về đoàn kết dân tộc, chính phủ Phi Luật Tân luôn khuyến khích và hỗ trợ mọi công dân và kiều dân Phi Luật Tân ở khắp nơi trên thế giới, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, tổ chức biểu tình, truyền thông, hội thảo, nghiên cứu để đánh động dư luận và lên tiếng phản đối ý đồ xâm lăng, thôn tính của Trung Cộng. Chính phủ và người dân Phi Luật Tân chắc chắn phải cảm thấy rất đau lòng và nực cười khi nhìn thấy những hình ảnh người Việt Nam biểu tình chống Trung Cộng lại bị chính công an Việt Nam đánh đổ máu.
Về quan hệ quốc tế, chính phủ Phi Luật Tân đã khẩn trương tiến hành mọi biện pháp pháp lí để bác bỏ và kiện các yêu sách phi lí của Trung Cộng trên Biển Đông, tới nay đã có những kết quả khả quan cho Phi Luật Tân; đồng thời Phi Luật Tân đã gia tăng mọi quan hệ, liên minh, liên kết có thể về ngoại giao, chính trị và quân sự với các quốc gia dân chủ lớn như Mĩ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi thậm chí đang tiến hành cho Mĩ đặt lại căn cứ quân sự trở lại.
Thưa quí vị, quí bạn, đến đây chúng ta đã thấy rõ các hoạt động như Hội thảo Biển Đông đều cần và đáng khuyến khích trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước trước hành vi xâm lăng của Trung Cộng nhưng đó không phải là những hoạt động cốt yếu, cơ bản. Mặt khác, những hoạt động Hội thảo ầm ĩ như thế còn có cơ trở thành công cụ cho đảng cộng sản đánh lạc hướng dư luận, nhũng lam tiền dân và che bớt đi hành động bán nước của họ.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
29/11/2015

No comments:

Post a Comment