Mục sư Nguyễn Công Chính bị chuyển đến trại giam An Phước
Gia đình mục sư Nguyễn Công Chính cho biết đã gặp được ông khoảng 10 phút trước khi ông bị chuyển từ Gia Lai đến trại giam An Phước thuộc tỉnh Bình Phước gần nửa tháng trước. Đây là lần đầu tiên gia đình được gặp mặt ông kể từ ngày bị bắt giam. Gia đình mục sư Nguyễn Công Chính chỉ nhìn thấy ông từ xa chứ không được đến gần thăm hỏi trong 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại Gia Lai. Được biết gia đình mục sư Chính hy vọng sẽ thăm nuôi ông tại trại giam An Phước sau lễ Giáng Sinh sau khi dọ hỏi cán bộ trại giam hướng dẫn thủ tục thăm nuôi. Gần đây tù nhân lương tâm Phan Ngọc Tuấn cũng đã bị chuyển từ Ninh Thuận đến trại giam Z30A tại Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Ông Tuấn bị giam trong cùng khu với mục sư Dương Kim Khải. Gia đình ông Phan Ngọc Tuấn cho biết trong lần thăm nuôi gần đây, ông Tuấn đã cương quyết nhắc gia đình không được tin vào lời hứa của nhà cầm quyền về việc giảm án cho ông với điều kiện không khiếu nại hay trả lời báo đài nước ngoài.
Thượng viện Hoa Kỳ thừa nhận Nhật Bản có quyền cai quản quần đảo Senkaku
Một điều khoảng trong ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ 2013 được thuợng viện tranh luận vào ngày 29 tháng 11 ghi rõ Washington thừa nhận quyền cai quản quần đảo Senkaku của Nhật Bản, và bất cứ hành động đơn phương của một nước thứ 3 sẽ không thay đổi chủ quyền của Senkaku. Điều khoảng này cũng tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản theo hiệp ước An Ninh và Hợp Tác Hỗ Tương, theo đó khi một trong hai nước bị tấn công trong vùng quản lý của Nhật Bản sẽ bị phản công theo đúng quy định. Hoa Kỳ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm cưỡng chế, đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Thượng viện Hoa Kỳ tái khẳng định lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, hòa bình, ổn định, tôn trọng luật quốc tế, và giao dịch thương mại hợp pháp trong khu vực. Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch ủy ban ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương cho biết đây là một tuyên bố mạnh mẽ về việc hỗ trợ một đồng minh quan trọng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Được biết tàu Trung Quốc xuất hiện hàng ngày trong vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tháng trước, kéo dài mức cằng thẳng trong nhiều thập kỷ giữa hai cường quốc tại Á Châu.
Cuộc bầu cử tại Nam Hàn không bị ảnh hưởng bởi vụ phóng hỏa tiễn từ Bình Nhưỡng
Tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak cho biết dự tính phóng hoả tiễn tầm xa của Bắc Hàn trong tháng này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống tại Nam Hàn. Ông Kang Won-taek, chuyên viên phân tích chính trị tại đại học Seoul National, cho rằng người dân Nam Hàn quá quen thuộc với những đe dọa có tính cách tuyên truyền từ nhà cầm quyền Bình Nhưỡng, chẳng hạn như vụ phóng hoả tiễn tầm xa từng xẩy ra 4 lần trước đây. Ông Kang cho biết cử tri tại Nam Hàn sẽ quan tâm về những vấn đề trong cuộc sống dù một số ít có thể nhắc đến vụ phóng thử hoả tiễn từ Bình Nhưỡng. Theo tài liệu từ chính quyền Nam Hàn, Bình Nhưỡng gia tăng mức độ tuyên truyền gấp 3 lần so với cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007. Bắc Hàn hiện dùng các trang mạng, mạng xã hội Twitter và các chương trình truyền hình để vận động dân chúng Nam Hàn về cuộc bầu cử và các ứng cử viên đảng bảo thủ. Được biết hai ứng cử viên tổng thống Park Geun-hye và Moon Jae-in đều chủ trương trung dung đối với nhà cầm quyền Bình Nhưỡng. Bà Park từng xác nhận sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng và không ràng buộc khoảng viện trợ nhân đạo với chương trình vũ khí hạt nhân giống như tổng thống Lee đang làm trong 5 năm qua. Ông Moon cho biết sẽ mở lại một vài chương trình viện trợ nhân đạo nhưng sẽ cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng về vũ khí nguyên tử và tranh chấp trên biển.
Toà Hiến Pháp Ai Cập từ chối giám sát cuộc trưng cầu dân ý cho bản hiến pháp mới
Các thẩm phán Ai Cập tại toà Hiến Pháp đã từ chối giám sát việc soạn thảo và thông qua bản hiến pháp mới dự trù hoàn tất vào ngày 15 tháng 12 sau khi các thẩm phán bị phe ủng hộ tổng thống Morsi ngăn cản không cho tham dự một buổi họp. Được biết các thẩm phán định họp để đưa ra kế hoạch giải tán quốc hội lập hiến sau khi thông qua bản dự thảo hiến pháp, và Hội đồng Shura, cơ quan quốc hội với đa số dân cử Hồi giáo. Tòa án Hiến Pháp tối cao coi đây là một ngày đen tối nhất trong lịch sử của nghành tư pháp Ai Cập. Các phe đối lập còn tụ tập tại quãng trường Tahrir cho rằng tổng thống Morsi đã thất bại trong việc tìm kiếm một sự đồng thuận rộng rãi về hiến pháp. Phe đối lập tin rằng bản dự thảo hiến pháp làm suy yếu quyền tự do cơ bản của người dân. Một số những thay đổi trong hiến pháp mới gồm việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống trong hai nhiệm kỳ bốn năm, thành lập một số cơ quan dân sự có quyền giám sát quân đội, và coi luật Hồi giáo Sharia là căn bản pháp lý quốc gia. Phe ủng hộ tổng thống Morsi và nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo cho rằng các phe chống đối và những tôn giáo khác chỉ là thiểu số tại Ai Cập. Tuy nhiên, những e ngại gần đây cho rằng tổng thống Morsi đang trở thành một nhà độc tài với những quyền hạn mới.
No comments:
Post a Comment