Monday, December 17, 2012

THẬT GIẢ - GIẢ THẬT.

Thứ Sáu ngày 14.12.2012     
Hiện tượng mua quan bán chức trong chế độ cộng sản hiện nay là chuyện hàng ngày xảy ra ở huyện, cũng giống như chuyện mua bằng cấp loại nào cũng có qua việc bắt giữ nhữngngười chuyên cung cấp bằng giả tại Đà Nẵng mới đây cũng không phải là chuyện lạ lùng gì. Mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận của Mưa Nguồn với tựa đề: “Thật Giả - Giả Thật” qua sự trình bày của Song Thập để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Vào khoảng trung tuần tháng 10, trên một bài viết của trang báo mạng điện tử VN Express có đưa một bản tin về việc một phái đoàn thanh tra về trình độ và bằng cấp một số quan chức cán bộ từ trung cấp đến cao cấp của tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho, Định Tường). Mới kiểm soát sơ khởi thôi mà ban thanh tra đã khám phá ra trên 384 các cấp cán bộ nhà nước kẻ thì xài bằng giả, người thì xài bằng thật nhưng trình độ lại hoàn toàn không thật. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng lạ lùng như vậy.
Đồng bào mình nhất là người dân cố cựu sống ở miệt đồng bằng châu thổ 2 con sông Đồng Nai và Cửu Long vốn dĩ chất phác hiền lành, thật thà như đếm, tối lửa tắt đèn có nhau. Đã có một thời, nhà của người dân miệt vườn có cửa nhưng không hề có cánh, chẳng có khoá bao giờ. Mà trong nhà thì đồ đạc tài sản từ đủ tới dư thừa. Họ rất trọng chữ TÍN, chỉ cần lời nói xuông thôi là đã tin nhau rồi chứ chưa cần đến bằng cớ này nọ hay giấy tờ chữ nghĩa làm chi cho thêm phiền hà rắc rối. Mua bán trao đổi với nhau cũng vẫn bằng chữ TÍN vì sự chất phác thật thà. Bằng cớ là chị Nguyễn thị Lài từ quê ra Long An đi trọ nhà bán vé số kiếm tiền độ nhật mà còn phải nuôi một ông chồng tàn tật, một bà mẹ già, một đứa cháu mồ côi và 2 con còn nhỏ. Khi chị Lài bán vé số thiếu cho một anh lái xe ba gác trong xóm. Chỉ mua bán qua lời nói thôi. Cho đến khi vé số xổ, phát giác ra là cả một sê-ri trúng độc đắc gần 100 tỷ thì chị cầm trong tay xấp vé số trúng đưa cho anh tài xế xe ba gác là chủ đã mua bán với chị bằng miệng qua câu nói đơn giản: "Nè, vé số anh mua trúng rồi đó, đi mà lãnh". Hỏi: "Sao chị không giữ mà lãnh?" Trả lời: "Tôi làm như vậy người ta còn coi tôi là cái thứ gì?" Đối với người dân quê Nam Bộ thì chuyện này chẳng có gì là lạ hay quan trọng cả. Vì với họ chữ TÍN và sự TỰ TRỌNG còn quý hơn cả tiền bạc và bất cứ giá trị vật chất nào.
Tại sao giới cán bộ quan chức cầm quyền mà hầu hết được đào tạo ở các trường đảng Nguyễn Ái Quốc lại gian manh lừa lọc gian dối và bịp bợm... trong khi họ có địa vị, có chức, có quyền. Họ ho ra bạc, khạc ra máu. Vậy, họ còn thiếu cái gì?
Thì ra họ thiếu sự lương thiện, thật thà, tự trọng nhất là họ chẳng biết tới 2 chữ LIÊM SỈ là gì! Mà chắc trong tự điển của giới cán bộ cai trị cầm quyền của đất nước CHXHCNVN chẳng hề có những thứ chữ "lương thiện - thật thà - tự trọng" cao sang của thứ dân bần hàn như vậy. Cái lạ là các nha, sở, bộ vẫn nhởn nhơ coi như không hề có khuyết điểm trong tổ chức của mình. Nhất là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cứ cấp phát bằng thoải mái mà đối tượng được cấp bằng không phải qua một buổi, một giờ sát hạch khả năng tí nào. Có lẽ họ cho rằng "nay anh mai tôi". Ta mất cái ghế này thì biết đâu chừng mai kia mốt nọ ta lại có chỗ nhờ vả; lại tiếp tục ngự trị ăn trên ngồi chốc cai trị bọn dân đen thấp hèn kia chăng? Cả một hệ thống từ trên xuống dưới nó cứ tự hiểu ngầm mà thông đồng với nhau như một bầy sâu lúc nhúc đục khoét đất nước, nhũng nhiễu người dân. Mới có thanh tra một tỉnh mà đã như thế, và nếu điều tra tất cả các tỉnh thị trong cả nước để moi hết bọn cán bộ xài bằng giả hoặc không có năng lực thì không biết cái danh sách này nó kéo dài tới đâu?
Người ta cứ tự hỏi là tại sao anh kia chị nọ tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng, khả năng có thừa để cáng đáng những trọng trách người dân tín nhiệm giao cho, vậy mà khi họ nộp đơn hay đi xin việc hết chỗ này sang chỗ khác từ ngày này sang tháng khác, vẫn không được hay bị từ chối khéo. Hỏi thì phải trả lời: Là vì nếu nhận những người có năng lực vào, thì liệu cái ghế tham nhũng và quyền lực còn tiếp tục được như thế này không, hay là có ngày nào đó tôi sẽ bị lôi ra trước vành móng ngựa thì sẽ mất cả chì lẫn chài? Cho nên dù biết rõ mười mươi, nhưng chúng vẫn tham quyền cố vị, củng cố quyền lực cho dù có phải đi bằng đầu gối trước bọn Hán tộc xâm lược đất nước mình dưới bất cứ hình thức nào, miễn là chúng vẫn tìm cách tiếp tục ngự trị ở cái ghế độc tôn, độc đảng kia.
Tuy nhiên họ quên đi một điều rất quan trọng đó là: "Quan nhất thời, dân vạn đại". Đồng thời tiếng nói của lương tâm và bia miệng thì không bao giờ mất đi đâu cả.
"Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" (Ca Dao)./.
MƯA NGUỒN

No comments:

Post a Comment