Monday, December 17, 2012

CHUYỆN NÀY CHỈ CÓ Ở NƯỚC NAM MÌNH


Chủ Nhật ngày 16.12.2012     

Thưa quý thính giả, Những năm vừa qua,việc vỡ đập thuỷ lợi và thuỷ điện ở Việt nam gần như là thường xuyên , nó thể hiện rằng người có trách nhiệm cũng vô trách nhiệm , đơn vị thi công thì làm ăn gian dối rút ruột công trình , nhưng có những chuyện ly kỳ mà sự thật lại như bịa.
Thời gian qua cả nước xôn xao về chuyện đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Không chỉ hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng nam suốt ngày đêm phải lo động đất, phải lo dầu đèn, mì tôm, có gia đình bỏ nhà chạy vào rừng dựng bạt để ở, cuộc hội nghị kỷ niệm 87 năm thành lập mặt trận tổ quốc Việt nam của tỉnh phải tháo chạy vì động đất . Nhiều hội nghị gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước bàn rất nhièu lần nhưng chưa thống nhất được ý kiến . Vấn đề này không chỉ nóng ngoài xã hội mà trong nghị trường Quốc hội cũng nóng lên , các đại biểu chỉ hỏi rằng : Nếu đập vỡ thì ai là người chịu trách nhiệm nhưng những người có trách nhiệm cũng không trả lời được. .
Trong khi đó, ông Trần Đức Mậu nguyên Tổng giám đốc công trình xây dựng thuỷ lợi 4 , nguyên Giám đốc điều hành công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 đã nhận hối lộ của ông Trần Văn Luân 300 triệu đồng bị bắt quả tang tại khách sạn Công Đoàn ở phố Trần Bình Trọng Hà nội vào ngày 12 tháng 9 năm 2011 . Ông Mậu đã bị cơ quan pháp luật truy tố, nhưng ông Mậu đã chạy vào Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng chữa trị về "bệnh thần kinh" nên cơ quan pháp luật chưa truy tố được .
Ngày 23 tháng 3 năm 2012, Tiến sĩ Lê Quang Hùng , Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Truyền Hình VN nêu câu hỏi : "Nếu không may vỡ đập thì trách nhiệm thuộc về ai?". Ông Hùng nói : "Có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã uỷ quyền cho chủ đầu tư , các nhà thầu trong việc xây dựng , kiểm soát chất lượng , bảo đảm an toàn công trình".
Như vậy theo ông Hùng , bản thân ông và các quan chức cao cấp của Cục , của Bộ không ai có quyền gì cả, chỉ có chủ đầu tư , các nhà thầu trong việc xây dựng mới có quyền kiểm soát chất lượng , bảo đảm an toàn công trình .
Từ quan điểm này ,có thể hiểu rằng nếu đập thuỷ điện Sông Tranh 2 bị vỡ , đó là việc của chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực VN – EVN) và các công ty xây dựng đập , còn ông Hùng và các quý vị cao cấp là vô can !
Nghiêm trọng hơn , nếu đập thuỷ điện SôngTranh 2 bị vỡ thì kể cả chủ đầu tư và các công ty xây dựng đập , kể cả ông Hùng và các quý vị cao cấp không ai chịu một chút trách nhiệm nào, bởi vì : "Có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã uỷ quyền.." chứ pháp luật của ta hiện nay không hề giao trách nhiệm cho ai cả ! Tất cả đều vô can ! Chỉ có người dân gánh chịu hậu quả thiệt hại nếu vỡ đập. Chính vì điều này mà ông Bộ trưởng xây dựng bảo bà con hãy yên tâm . Yên tâm sao được khi mà động đất thường xuyên xảy ra , 13 ngày 7 lần, có ngày hai lần làm hàng ngàn ngôi nhà bị rạn nứt. Ông Bộ trưởng nằm ở Hà nội thì yên tâm thật , nếu ông nằm ở bên đập thuỷ điện khi động đất xảy ra có lẽ mặt ông cắt không ra máu . Trong khi những người có trách nhiệm khảng định cho đến thời điểm này thì đập vẫn an toàn , nhưng khi hỏi tương lai sau này ra sao thì chẳng ai biết . Hàng ngàn người dân Quảng Nam đã chấp nhận tháo dỡ nhà cửa để xây đập thuỷ điện . Nhưng đổi lại sự hy sinh đó là những khó khăn chồng chất ở nơi ở mới, là sự nơm nớp lo sợ về động đất , vỡ đập ...là nỗi ngỡ ngàng về sự vô cảm của nhà đầu tư . Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch hội Thuỷ lợi VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi cho rằng : "Nếu nói EVN chối bỏ trách nhiệm cũng chưa hẳn là đúng vì chưa có tiêu chuẩn để quy trách nhiệm nên họ phát ngôn thế nào là quyền của họ , không ai cấm !?" . Còn ông Lê Trí Tập nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thì quan ngại : "Bây giờ tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học hay không vì họ nói không nhất quán gì" . Vấn đề đập thuỷ điện Sông tranh 2 chưa có hồi kết , nhưng có điều lưu ý các vị rằng hãy quan tâm đến sự an toàn của người dân nơi đây là trên hết .
Trong lúc Thuỷ điện Sông Tranh 2 còn chưa ngã ngũ thì đùng một cái , ngày 07 tháng 10 năm 2012 , đập thuỷ điện Đăkrông 3 thuộc xã Tà Long huyện Đăkrông - Quảng Trị do công ty Cổ phần Thuỷ điện Trường Sơn lập dự án đầu tư xây dựng nhưng đã bán lại cho Công ty Tân Hoàn Cầu bị vỡ tung .
Còn đang lay hoay chưa biết xử lý thế nào với hai đập thuỷ điện nói trên thì cái đập thuỷ điện Đăk Mek3 thuộc xã Đăk Choong huyện Đăk Glei – Kon Tum do công ty cổ phần Hồng Phát Đăk Mek là chủ đầu tư , bắt đầu thi công vào 2009 , dự kiến hoàn thành vào Quý I năm 2013.
Chiều ngày 22 tháng 11 năm 2012 , một việc hy hữu (có thể được ghi vào kỷ lục thế giới) , khi chiếc xe tải mang Biển số 43c – 00890 đã va vào đập lúc 18h ngày 22/11/2012 , làm đổ cả bức tường bê tông dài 60m (theo báo cáo của chủ đầu tư) , nhưng theo khảo sát của công an thì đoạn vỡ dài 109m , trong khi đó xe chỉ bị xây xát nhẹ ở phần kính và gương.
Vụ vỡ đập đã làm chết anh Nguyễn Viết Hùng 28 tuổi quê ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam , giá trị đập khoảng 200 tỷ bị vỡ vụn .
Sự việc xảy ra sau 4 ngày , khi báo chí nêu thì các ngành chức năng mới biết !?
Đúng là chuyện này chỉ ở nước Nam mình mới có phải không các bạn !
Thương Dân

No comments:

Post a Comment