Tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam
Ông Phạm Việt Dũng, phụ trách văn phòng biển Ðông của Petro Vietnam, cho biết vào sáng thứ sáu 30 tháng 11 năm 2012, 2 chiếc tàu Trung Quốc mang bảng số 16025 và 16028 đã cắt đứt giây cáp đo địa chấn của tàu Bình Minh 2 tại vùng biển Đông cách đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị 43 hải lý về phía Ðông Nam.
Ông Dũng còn xác nhận có nhiều đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào lúc đó. Ông ta cho biết thời gian gần đây có hơn 100 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tại khu vực từ Cồn Cỏ đến đảo Nam Tri Tôn, phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Tàu Việt Nam đã yêu cầu các tàu cá Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng tình trạng xâm phạm tiếp tục xẩy ra. Được biết bản tin ban đầu của Petrotimes có tựa đề "Tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu Bình Minh 02" đã bị sửa lại sau đó là "Tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02". Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cho rằng đây là một phần của đợt khẳng định chủ quyền lãnh thổ mới của Bắc Kinh bằng cách đưa các đoàn tàu tràn ngập trên biển khiến các đối tác của Việt Nam có thể phải bỏ chạy. Vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 xảy ra ngay trước ngày tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp kiến Lý Kiến Quốc, ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc. Ông Lý Kiến Quốc đã ca ngợi quan hệ truyền thống Trung Quốc-Việt Nam là tài sản quý báu chung.
Ấn Độ sẵn sàng gửi tàu chiến tới Biển Đông để bảo vệ quyền lợi
Đô đốc Joshi, tư lệnh hải quân Ấn Độ cho biết New Delhi sẵn sàng gửi tàu chiến đến Biển Đông để bảo vệ tập đoàn dầu khí quốc gia ONGC của Ấn Độ đang giúp Việt Nam khai thác khí đốt tại thềm lục địa Nam Côn Sơn. Đây là phản ứng của Ấn Độ sau khi tàu Trung Quốc cắt giây đo địa chấn của tàu Bình Minh 2. Trong khi đó bộ ngoại giao Việt Nam cũng triệu đại diện của toà đại sứ Trung Quốc để phản đối. Được biết, đô đốc Joshi cũng tỏ ra kinh ngạc về mức hiện đại hoá của hải quân Trung Quốc với ngân sách quốc phòng cho năm 2012 khoảng 106 tỷ mỹ kim. Tuy nhiên ông ta khẳng định Ấn Độ sẽ phải tự vệ nếu lực lượng tuần duyên Trung Quốc nhảy lên tàu khám xét. Được biết phần lớn hàng hoá của Ấn Độ giao thương qua Biển Đông, và quyền tự do hàng hải rất cần thiết đối với hơn phân nửa các tàu dầu quốc tế. Bản báo cáo của cơ quan Năng Lượng Hoa Kỳ vào năm 2008 ước tính Biển Đông có số lượng dầu thô lên đến 213 tỉ thùng, chỉ thua số lượng dầu dự trữ tại Ả Rập Saudi và Venuezuela.
Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý đảo tranh chấp của Nhật
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc và Nhật Bản không thể tranh chấp với các đảo này. Phản ứng này được đưa ra sau khi thượng viện Hoa Kỳ thêm một điều khoản trong ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ 2013 ghi rõ quyền cai quản quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Ông Hồng Lỗi cho biết điều khoản này đã vi phạm cam kết không đứng về phía nào của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông ta cũng gọi hiệp ước An Ninh và Hợp Tác Hỗ Tương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một sản phẩm của thời chiến tranh Lạnh. Được biết, theo hiệp ước này, Washington và Tokyo sẽ ra tay khi một trong hai nước bị tấn công trong vùng do Nhật quản lý.
Hoa Kỳ cảnh cáo Syria về vũ khí hoá học
Hôm thứ Hai mùng 3 tháng 12, tổng thống Barack Obama đã cảnh cáo nhà cầm quyền Assad về ý định dùng vũ khí hoá học sau khi tình báo cho hay một phần vũ khí giết người tập thể được di chuyển trong vài ngày qua. Ông Obama tuyên bố chế độ Assad sẽ phải chịu trách nhiệm và nhận lãnh hậu quả nếu dùng vũ khí hoá học sát hại người dân. Tuy nhiên tổng thống Obama không nói rõ Hoa Kỳ sẽ làm điều gì nếu Syria dùng vũ khí hoá học. Đài CNN tường thuật lực lượng Syria bắt đầu chế hơi độc sarin để tấn công phiến quân chống chính quyền Assad. Ngay sau đó, nhân viên bộ ngoại giao Syria lên tiếng phủ nhận nguồn tin dùng vũ khí hoá học giết dân chúng trong lúc có tin phát ngôn nhân bộ ngoại giao Jihad Makdissi đã bỏ trốn khỏi Syria. Hiện nay Liên Hiệp Quốc bắt đầu rút nhân viên khỏi vùng giao tranh giữa phiến quân và quân đội Syria. Hơn 1 ngàn nhân viên Liên Hiệp Quốc đến cứu trợ tại Syria, nhưng tình trạng di chuyển và liên lạc trở nên khó khăn hơn kể từ khi giao tranh xảy ra quanh vùng thủ đô Damacus và mạng internet bị cắt trong 2 ngày.
No comments:
Post a Comment