Thứ Sáu ngày 21.12.2012
Bây giờ là chuyên mục "Lá thư tuổi trẻ" do Phùng Kiên phụ trách. Kính mời quí thính giả nghe lá thư của Trần Kiên, sinh viên đại học khoa học xã hội và nhân văn gửi nhà sử học Dương Trung Quốc qua giọng đọc của Hướng Dương.
Thưa thầy, có lẽ thầy sẽ lấy làm ngạc nhiên vì lá thư của một người trẻ mà thầy chưa từng gặp, chưa từng quen biết và thuộc thế hệ học trò, hậu bối như em. Dù sao, em cũng rất mong những lời tâm tình này đến với thầy và xin kính chúc thầy một mùa Giáng Sinh an lành, khỏe mạnh, luôn là người thầy minh tuệ!
Thầy ạ, vấn đề em nêu trong thư là vấn đề chung, lẽ ra em sẽ gửi đến nhiều nhà sử học, nhưng em chỉ gửi riêng thầy vì em có ấn tượng đặc biệt về thầy, một nhà sử học thông tuệ, luôn quan tâm đến chuyện chính sự và là một đại biểu đáng tin cậy của nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc họp quốc hội vừa qua, thầy đã mạnh mẽ hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về văn hóa từ chức, về giảm thiểu lời xin lỗi trong giới công chức nhà nước. Thú thật là em khôngg biết nói gì hơn ngoài lòng ngưỡng mộ và sự cảm phục!
Nhưng thầy ơi, em có một vấn đề đang thắc mắc là liệu trong những công trình sử học của thầy, có bao nhiêu công trình nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến tranh Biển Đông và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, và những công trình này đã được phổ cập giáo dục chưa? Là một nhà sử học, một nhà giáo dục học, một nhà văn hóa và là một nhà nghị viên, thấy có thấy vô lý khi mà mọi bài học lịch sử của nền giáo dục Việt Nam hiện tại chỉ nhắc đến hai cuộc chiến tranh với Pháp và với Mỹ. Nhưng cả hai cuộc chiến traanh này, xét về tính lịch sử, mức độ nguy hiểm, tính tàn bạo, độ khốc liệt cũng như sự mất mát của nó rất thấp so với chiến tranh Việt – Trung. Vì sao em nói như vậy? Vì hai cuộc chiến tranh Pháp. Mỹ, số lượng người mất dồn lại cũng chỉ bằng tương đương chiến tranh chống Trung Cộng từ năm 1979 đến nay.
Trong chuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với hơn hai mươi ba ngàn người Việt thương vong, nói là chống diệt chủng PolPot nhưng trên thực tế là chống Trung Cộng, vì Polpot chỉ là tay sai của Trung Cộng trong chiến lược vây hãm Việt Nam từ nhiều hướng. Đồng thời với Tây Nam là biên giới Tây Bắc với hơn mười ngàn người bị thiệt mạng, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320 xã bị thiêu hủy, 735 trường học bị đánh sập, 428 bệnh viện, bệnh xá bị phá tan hoang, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp, gần hai triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Và trầm trọng hơn là nhiều phần đất của Việt Nam vĩnh viễn rơi vào tay Trung Cộng. Như vậy, so với cuộc chiến chống Trung Cộng, mức độ độ thiệt hại của hai cuộc chiến trước cộng lại cũng không bằng, vì thời giaan của cuộc chiến chống Trung Cộng diễn ra trong vòng chưa đầy mười năm mà mức độ tàn khốc, chết chóc của nó còn kinh hoàng hơn cả mọi cuộc chiến trong lịch sử cộng lại.
Và hiện tại, kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam là Cộng sản Trung Quốc vẫn ngày đêm lăm le biển đảo, nhòm ngó đất liền, gây hấn, bắt bớ và đánh đập con dân Việt Nam. Nếu xét một cách tử tế thì Việt Nam vẫn đang trong tình trạng chiến tranh dai dẵng với Trung Cộng kể từ sau năm 1979, từ đất liền, cuộc chiến tranh chuyển sang lãnh hải, bển đảo. Có thể người dân trong đất liền không nghe tiếng súng nổ, nhưng trên biển đảo quê hương, con dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị đổ máu, ngã xuống vì làn đạn của giặc Tàu.
Thưa thầy, với bao nhiêu máu xương hư hao, đánh đổi với quân thù như vậy chưa đủ để gọi nó là cuộc chiến tranh hay sao mà trong các giáo trình lịch sử giáo khoa thư, không thấy nhắc đến cuộc chiến tranh với Trung Cộng một cách nghiêm túc? Đó là chưa muốn nói đến những người lính của chế độ Cộng sản Việt Nam bị ngã xuống ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa vào năm 1988 cũng hoàn toàn không được nhắc đến, gia đình của họ bị trấn áp phải giữ bí mật cái chết của con em cho đến bây giờ, có ai hỏi về họ, gia đinh chỉ trả lời là đã mất. Và, ngay cả cuộc vinh danh chiến sĩ Trường Sa có tên Vòng tròn bất tử tại khu du lịch Suối Lương, Đà Nẵng vào ngày 4 tháng 9 năm 2011 cũng bị an ninh nhòm ngó, phải tổ chức lén lút, những cựu chiến binh hải chiến Trường Sa như Dương Văn Hiền, Lê Minh Thoa và Phạm Văn Dũng cũng phải nhìn trước ngó sau khi tham dự cuộc gặp.
Thưa thầy, tại sao lại có chuyện bưng bít, dấm dúi như vậy? Và tại sao một khi kẻ thù vẫn ngày đêm nhòm ngó, xâm lăng đất nước mà nhà nước chỉ biết cười tươi, bắt tay với họ? Và tại sao kẻ đã giết hại đồng bào, chiếm cứ đất đai, xâm lăng tổ quốc vẫn được xem là bạn tốt, bạn vàng? Và đáng kinh tởm hơn cả là vì sao, mãi cho đến bây giờ lịch sử giáo khoa thư vẫn giấu nhẹm cuốc chiến tranh tàn khốc này, để nhiều thế hệ học sinh, sinh viên phải nhầm lẫn giữa kẻ xâm lược với bạn bè? Theo thầy, hành trạng của nhà nước nước Cộng sản Việt Nam (trong đó có thầy) mang ý nghĩa như thế nào về sự mất, còn của dân Tộc Việt Nam? Và em cũng xin mượn chữ "văn hóa" mà thầy đã dùng khi chất vấn Thủ tướng Dũng để mạo muội hỏi thầy: Bao giờ thì văn hóa bán nước được chính thức công khai trong nhà nước Cộng sản, vì mọi hành tung của đảng này đều hướng tới thứ văn hóa đó? Và bao giờ người Việt Nam, lịch sử Việt Nam được đoạn tuyệt với sự dối trá, triệt tiêu giả dối?
Bản thân hai câu hỏi có vẻ mâu thuẫn nhau quá phải không thưa thầy? Nhưng em tin rằng thầy sẽ có câu trả lời cho em trong một lá thư gần nhất, vì đó cũng là văn hóa. Chí ít là văn hóa về tính minh bạch của khoa học lịnh sử mà thầy đang thụ đắc và hành sự. Cuối thư, em kính chúc thầy sức khỏe, an lạc và luôn giữ khấu khí của một nhà khoa học, một trí thức đích thực!
Kính chào thầy!
No comments:
Post a Comment