Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Tiến Văn
29/12/2024
Thưa quí vị đảng viên lão thành cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Chúng ta đã thấy rằng dưới chiêu bài 'đốt lò' chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện những cuộc thanh tảo trong nội bộ đảng Hồ-Tàu để loại bỏ những đối tượng không hợp với y và đưa những nhân vật thân cận vào guồng máy thừa kế, tiếp nối quyền lực của y.
Tuy nhiên kết quả cuối cùng cho đến nay, như chúng ta thấy, những nhân vật được Nguyễn Phú Trọng sủng ái đều đã bị loại khỏi chính trường. Đinh Thế Huynh đã phải về vườn từ khi Trọng vẫn còn sung sức. Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng, cả hai, đều phải tự bước ra khỏi cuộc đấu ngay vào những ngày tháng cuối cùng của Trọng trước khi đi chầu Diêm Vương.
Quyền lực tuyệt đối cuối cùng lại bị một kẻ ngoài danh sách dự kiến của Trọng thâu tóm hết. Đó là Tô Lâm, kẻ đã bị lộ ảnh há miệng ăn bò dát vàng ở Anh quốc.
Lí do rất dễ hiểu của kết quả này là tất cả những nhân vật sủng ái của Trọng, dù được Trọng ủng hộ hết mực, nhưng lại hoàn toàn không có công cụ để giành quyền lực.
Công cụ để giành quyền lực là gì, trong một chế độ như chế độ hiện nay ở Hà Nội?
Thưa anh chị em và quí vị, đây là câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra để thấy rõ hơn hiện tại và tương lai của chế độ do đảng Hồ-Tàu dựng ra trên đất nước ta từ hơn 70 năm qua.
Khởi ngay từ ban đầu, quyền lực mà đảng Hồ-Tàu giành được vào năm 1945 là bằng công cụ bạo lực theo chủ thuyết của cộng sản chủ nghĩa.
Bạo lực này được thể hiện qua các cuộc tấn công, tiêu diệt các đảng phái, các nhân sĩ quốc gia muốn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng không tán thành chủ nghĩa cộng sản.
Bạo lực này là cuộc chiến tranh Nam-Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 dưới vỏ bọc “kháng chiến chống Mĩ cứu nước” nhằm đánh đổ chế độ dân chủ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam.
Bạo lực này là sự cầm tù hàng trăm ngàn công chức và nhân sĩ Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975; là những chính sách như “cải tạo công thương”, “đổi tiền” nhằm cướp và vơ vét của cải của người dân miền Nam sau năm 1975.
Bạo lực này còn là chính sách đầu độc, cầm tù về tư tưởng, kiểm soát bao tử của người dân miền Bắc liên tục từ khi Hồ và đồng đảng trở về Hà Nội năm 1954.
Đó chỉ là những minh họa tiêu biểu và cơ bản cho công cụ bạo lực của chế độ Hồ-Tàu trong việc giành và giữ quyền lực.
Ngày nay bạo lực này vẫn duy trì và tiếp diễn dưới nhiều phương diện và bằng nhiều cách thức khác nhau như cấm báo chí tư nhân, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, và triệt diệt cả những đồng đảng đối thủ. Vân, vân.
Tới đây chúng ta có thể nhìn ngay ra, công cụ giành quyền lực của Tô Lâm cũng là: Bạo lực.
Bởi Tô Lâm đã thâu tóm, khống chế được toàn bộ lực lượng công an - lực lượng có võ khí, có khả năng trấn áp bằng bạo lực.
Nhìn lại những nhân vật sủng ái của Trọng đã bị gạt khỏi bộ máy quyền lực, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò quan trọng của BẠO LỰC trong việc đạt được quyền lực thống trị hiện nay của chế độ Hà Nội.
Đinh Thế Huynh, khi nắm chức Trưởng Ban Tuyên Giáo, có thể huy động được tiền bạc và lực lượng tuyên truyền một cách vô biên nhưng không thể huy động được một viên công an có súng.
Vương Đình Huệ, ở vị trí Chủ Tịch “quốc hội”, có thể huy động được vô số tiền bạc và vận động được gần như tất cả các “lá phiếu” trong cái gọi là “quốc hội” nhưng Huệ cũng bất lực khi muốn điều khiển một viên công an có súng.
Võ Văn Thưởng, đã từng đứng đầu lực lượng thanh niên cộng sản, lại ở cương vị Chủ Tịch nước, nhưng Thưởng cũng hoàn toàn không có quyền để sai khiến một viên công an có súng tới cứu giúp khi lâm nạn.
Trong khi đó, Tô Lâm, không chỉ có rất nhiều tiền, có rất nhiều đồng bọn ở nhiều bộ phận khác nhau trong guồng máy, Lâm còn có thể huy động toàn bộ lực lượng công an bất cứ lúc nào khi Lâm muốn.
Nhiều nhà phân tích thường nhấn mạnh việc Tô Lâm sở hữu các hồ sơ mật về các cuộc làm ăn bất chính của mọi nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các đối thủ.
Sự nhấn mạnh này hoàn toàn không sai, nhưng chúng ta phải thấy yếu tố quan trọng bậc nhất và trước hết đã giúp Tô Lâm loại bỏ nhanh chóng các đối thủ để chiếm địa vị chóp bu là: Bạo Lực.
Vì vậy trong tương lai, cuộc đấu giành quyền lực trong đảng Hồ-Tàu sẽ là cuộc đấu trước tiên để giành quyền kiểm soát BẠO LỰC. Tức giành quyền kiểm soát lực lượng cộng an, lực lượng quân đội. Hai lực lượng này sẽ là trung tâm của các cuộc đấu sắp tới và cũng là nơi đẻ ra các nhân vật chóp bu của chế độ Hà Nội trong các năm tới đây.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.
No comments:
Post a Comment