Hậu quả đương nhiên của sự việc này là đảng viên đảng CSVN cấu kết với nhau, bao che cho nhau, để cùng làm giầu, cùng hưởng thụ. Và vì số lượng đông đảo cho nên tập đoàn này sẽ chia bè, kết nhóm,thông thường là theo vùng miền, hoặc theo nghành nghề, công tác. Từ đó nẩy sinh nạn tranh quyền, đoạt vị, dưới hình thức này, hoặc danh nghĩa nọ. Và nạn cửa quyền, nhũng lạm đương nhiên phải xẩy ra!
Trong chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả cùn nghe bài “HƠN 17 NGÀN ĐẢNG VIÊN BỊ KỶ LUẬT MỖI NĂM: BỀ NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM” của tác giả DÂN TRẦN, trích trong trang nhà VIỆT NAM THỜI BÁO, sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây ...
Ban Bí thư của đảng CSVN vừa công bố rằng trong năm 2024, các tổ chức đảng cấp ủy các cấp và cấp chi bộ đã tiến hành kỷ luật “410 tổ chức đảng và 17.562 đảng viên”. Trong đó có 71 đảng viên do trung ương quản lý. Năm ngoái, đảng Cộng sản cũng đã kỷ luật 606 tổ chức đảng và 24.160 đảng viên. Năm 2022 thì con số này là 410 tổ chức đảng và 16.202 đảng viên bị kỷ luật. Như vậy có thể thấy là con số qua các năm vẫn ở mức rất cao. (1)
Các vi phạm thường liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm, hoặc suy thoái về đạo đức, lối sống. Điều này cho thấy một lượng rất lớn cán bộ, đảng viên đã không còn bị tha hoá, thậm chí có thể nói là coi thường luật pháp, coi thường người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh hơn 5 triệu thành viên trên toàn quốc thì có lẽ con số này chỉ là bề nổi của khối chìm.
Nhưng kèm theo đó là một vấn đề khổng lồ nằm ở “phần chìm” của tảng băng, chính là những vi phạm chưa được phát hiện hoặc xử lý. Những người bị kỷ luật đa phần nằm ở phe thất thế trong việc tranh chấp quyền lực giữa các nhóm lợi ích, như nhóm công an Hưng Yên của Tô Lâm và nhóm sĩ phu Nghệ An Hà Tĩnh của ông Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ.
Chỉ nói phần nổi, thì trung bình mỗi năm vẫn lộ ra trên dưới 20.000 đảng viên cũng cho thấy cơ chế chống tham nhũng hiện nay hoàn toàn không hiệu quả. Các hình thức kỷ luật quá nhẹ, không đủ làm gương, đảng viên cứ tha hồ tham nhũng, vơ vét rồi cùng lắm là mất chức, về hưu thì rõ ràng là không đủ tính răn đe, không thể chấm dứt triệt để được vấn nạn này!
Bên cạnh đó, con số 400 tới 600 tổ chức đảng – những đơn vị được xem như “trụ cột” trong hệ thống chính trị – bị kỷ luật, cũng cho thấy sai phạm đã không còn là vấn đề cá nhân, mà là hệ quả tất yếu từ một cơ sở hoạt động có quá nhiều lỗi lầm. Một thể chế vận hành dựa trên nguyên tắc tập trung quyền lực, thiếu kiểm soát độc lập và bất minh thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bao che, thiếu trách nhiệm, không có sự giám sát chặt chẽ thì sẽ đến việc vi phạm từ cá nhân tới hệ thống.
Trong cùng một ổ, cùng là sâu mọt với nhau thì con nào cũng như con nào. Ngoài miệng có nói là “tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng” thì cũng chỉ là cái bầy sâu, bầy chuột đó. Cho dù có lập ra “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thì ban bệ ấy cũng từ cái ổ đó mà ra. Hỏi sao mà chống hoài không hết sâu mọt!
Đáng chú ý là năm nay lộ ra hơn 10 con mối chúa trong bộ chính trị, gồm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cựu Thủ tướng/ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình. Đa số các trường hợp bị cáo buộc là “vi phạm những điều đảng viên không được làm trong việc phòng, chống tham nhũng”. Trớ trêu thay, những người này cũng từng đứng đầu các ban chỉ đạo chống tham nhũng ở cấp trung ương, nhà nước, chính phủ, quốc hội; từng có những phát biểu “chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng tiêu cực”.
Rồi những người kế nhiệm nhóm tham nhũng này liệu có trong sạch hơn không khi cũng ở cùng một ổ đó mà ra, nói cùng một giọng điệu “quyết liệt chống tham nhũng”, làm cùng một cách là kỷ luật cảnh cáo, kết bè kéo phái cùng một kiểu… Người dân thì quá quen với chuyện này, nên lâu nay Việt Nam mới có câu “ông nào lên cũng như ông nào, có khi ông sau ăn còn hơn ông trước”! Khi mà chuyện chính trị hoàn toàn do một đảng kiểm soát, dân không có quyền được lựa chọn lãnh đạo, thì làm sao chọn được người tài đức!
No comments:
Post a Comment