Tuesday, December 17, 2024

Tin Tức: Thứ Ba 17.12.2024

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Minh Nguyệt & Vũ Đình.

1/ NHIỀU TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN PHẢN ĐỐI VN ỨNG CỬ VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối việc Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nhà nước độc đảng VN.

Vào tuần trước, bạo quyền Việt Nam chính thức công bố quyết định tái ứng cử vào hội đồng này trước khi nhiệm kỳ của Việt Nam kết thúc vào năm sau.Tuy nhiên, ý định của Hà Nội vấp phải sự phản đối của một số tổ chức nhân quyền quốc tế vốn theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền ở Việt Nam và nhiều lần lên tiếng chỉ trích vi phạm trầm trọng.

Ông Callum Birch, một quan chức cấp cao tại LHQ của tổ chức Hiến chương 19 (Article 19), cho biết Hội đồng Nhân quyềnlà cơ quan hàng đầu của LHQ, chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn cầu, vớicác thành viên của cơ quan này có trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền cao.

Theo báo cáocủa Hiến chương 19, Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng liên quan đến quyền tự do ngôn luận, với hàng loạt nhà báo và người bảo vệ nhân quyền hiện đang bị giam giữ, nhiều người trong số họ là do các hoạt động trực tuyến của họ.

Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 160 tù nhân chính trị vì thực thi các quyền căn bản. Trong báo cáo công bố vào tuần trước, tổ chức Liên minh Thế giới vì Sự tham gia của Công dân cho biết là Việt Nam  tiếp tục không có không gian để xã hội dân sự hoạt động tự do, năm thứ bảy liên tiếp kể từ khi tổ chức này lập ra CIVICUS Monitor để giám sát 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việt Nam đã hai lần được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Tại hai lần tham gia ứng cử, Việt Nam đều vấp phải những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền quốc tế về vấn đề đàn áp nhân quyền trong nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-international-rights-groups-against-vietnamese-bid-for-next-term-in-unhrc-12162024090104.html

2/ VN RA NGHỊ ĐỊNH 126 ĐỂ BÓP NGHẸT QUYỀN TỰ DO LẬP HỘI

Tổ chức Dự án 88 (Project 88) vào hôm qua 16/12 cho biết nghị định 126 trao cho bạo quyền Hà Nội quyền đình chỉ và giải thể các hội, một quyền lợi mà trước đây bạo quyền VN không có. 

Tổ chức chuyên về nhân quyền Việt Nam nói rằng văn bản có hiệu lực từ ngày 26/11, được xây dựng nhằm hiện thực hóachỉ thị mật số 24 của bộ chính trị CSVN ban hành vào năm ngoái vốn nhằm hạn chế hoạt động của xã hội dân sự.

Dự án 88 chỉ ra nghị định trên trao quyền cho giới hành pháp tùy nghi diễn giải và ra quyết định về bất cứ hội nào, ví dụ như quy định “không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội” nhưng lại không quy định chi tiết.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng điểm đáng chú ý trong văn bản vi phạm pháp luật này nằm ở khoản 2 điều 10 về điều kiện thành lập hội.Khoản này quy định là “lãnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lãnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó cùng phạm vi hoạt động”.

Ông Thân khẳng định là chính điều này đã phá vỡ căn bản chính của nghị định này là căn cứ theo Điều 25 của hiến pháp là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình.

Ông Phil Robertson, giám đốc của tổ chức Những người Vận động Nhân quyền và Lao động Á châu, nhận định là chế độ độc đảng ở Việt Nam xem tất cả các tổ chức xã hội dân sự mà họ không trực tiếp kiểm soát là kẻ thù tiềm tàng.

Ông Robertson cho rằng văn bản mới là một rào cản khác của chế độ toàn trị ở Việt Nam với mục tiêu kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội Việt Nam, cả trong cuộc sống hàng ngày và trực tuyến, giống như hiện đang thấy ở Trung Cộng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project88-says-vietnam-tightens-control-over-association-to-prevent-color-revolution-12162024081047.html

3/ VN CẦN ĐẦU TƯ HƠN 30 TỶ MỸ KIM CHO MẠNG LƯỚI SẠC ĐIỆN XE HƠI

Nhu cầu xử dụng xe điện tại Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh lên đến 71 triệu chiếc cho đến năm 2050 và sẽ cần đến 32 tỷ Mỹ kim để phát triển mạng lưới các trạm sạc điện, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố.

Báo cáo cho biết nhu cầu thị trường đối với tất cả các loại xe điện tại Việt Nam vào khoảng hơn 7 triệu chiếc trong hiện tại và sẽ tăng lên 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031 đến năm 2050.

Theo Ngân hàng Thế giới, để xe điện trở nên phổ biến, đặc biệt đối với những người mua xe lần đầu, việc phát triển hệ thống trạm sạc đóng vai trò then chốt. Cơ quan này ước tính Việt Nam sẽ cần hơn 2 tỷ Mỹ kim vào năm 2030 để xây dựng mạng lưới các trạm sạc công cộng. Con số này sẽ tăng lên 14 tỷ Mỹ kim vào năm 2040 và  hơn32 tỷ vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu xe điện của người dân.

Trong khi đó Việt Nam đặt mục tiêu xóa bỏ mức phát thải vào năm 2050 và đã giúp Hà Nội được Âu châu và các đối tác hỗ trợ hơn 15 tỷ Mỹ kim cho việc này. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng nói trên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đề nghị một lộ trình chuyển đổi sang xe điện.

Theo đó, đến năm 2030, 50%  xe cộ và 100% xe buýt và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% các xe cộ đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Ngoài ra, báo cáo cho rằng lộ trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam cần tập trung vào 5 lãnh vực chính yếu là sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, bảo đảm nguồn cung cấp điện và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

https://www.voatiengviet.com/a/7902990.html

4/ ĐÀI LOAN TIẾP NHẬN LÔ XE TĂNG ABRAMS ĐẦU TIÊN CỦA HOA KỲ

Bộ quốc phòng Đài Loan vào hôm qua 16/12 đã thông báo nhận được 38 xe tăng Abrams từ Hoa Kỳ. Đợt tiếp nhận vũ khí này nằm trong nỗ lực của  Đài Loan nhằm củng cố năng lực đối phó với cuộc tấn công từ Trung Cộng.

Theo bộ quốc phòng Đài Loan, số xe tăng M1A2 Abrams đã đến Đài Loan vào cuối ngày 15/12 và đã được đưa về căn cứ quân sự Tân Trúc ở phía nam thủ đô Đài Bắc. Thông tấn xã Đài Loan CNA cho biết thêm là loại vũ khí mới này được giao cho Đài Loan lần đầu tiên từ 30 năm qua, là nằm trong hợp đồng đặt mua 108 chiếc xe tăng vào năm 2019, có trị giá hơn 1 tỷ Mỹ kim.

Số xe tăng còn lại sẽ được giao lần lượt trong các năm 2025 và 2026, theo tiết lộ của một quan chức quân sự Đài Loan.

Quân đội Đài Loan hiện có hơn 1 ngàn chiếc xe tăng. Một loại là Brave Tiger sản xuất trong nước, hay một loại khác do Mỹ thiết kế, nhưng công nghệ đã lỗi thời. Vào đầu tháng 11 này, Đài Loan đã nhận từ Mỹ lô pháo đa nòng Himars đầu tiên, tức loại phi đạn được dùng trên chiến trường Ukraine.

Trong vòng năm thập niên qua, Hoa Kỳ đã bán cho Đài Loan nhiều loại trang thiết bị quân sự và đạn dược trị giá nhiều tỷ Mỹ kim, đặc biệt là chiến đấu cơ F-16 và các loại chiến hạm. Năm 2024, Đài Loan dành một khoản ngân sách kỷ lục 19 tỷ Mỹ kim cho quốc phòng.

Hoa Kỳ từ lâu là đồng minh quan trọng nhất và là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Điều này đã khiến Trung Cộng nổi giận vì họ vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Cộng. Vào hôm qua bộ ngoại giao Trung Cộng đã có phản ứng giận dữ và hối thúc Mỹ ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và hậu thuẫn các thế lực ly khai đòi độc lập ở Đài Loan.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241216-%C4%91%C3%A0i-loan-ti%E1%BA%BFp-nh%E1%BA%ADn-l%C3%B4-xe-t%C4%83ng-abrams-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

No comments:

Post a Comment