Sunday, December 29, 2024

Tin Tức: Chúa Nhật 29.12.2024

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1.ÔNG Y QUYNH BDAP BỊ TÒA ÁN THÁI LAN KẾT ÁN, CÓ NGUY CƠ BỊ DẪN ĐỘ VỀ NƯỚC

Bất chấp lời kêu gọi của nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế, một toà án ở Bangkok hôm 25/12/2024 đã kết án nhà hoạt động người Êđê Y Quynh Bdap mức án 6 tháng tù giam cùng khoản tiền phạt 6.000 baht -tương đương 4,5 triệu tiền VN. Ông Y Quynh Bdap bị tuyên hai tội danh: “nhập cảnh trái phép” và “lưu trú không có giấy tờ hợp lệ”.

Ông Y Quynh được tường thuật là đã “hợp tác và khai báo thành khẩn”, nên toà giảm 1/3 hình phạt, do vậy ông chỉ bị án tổng cộng 160 ngày tù và phạt 8.000 bạt. Hơn nữa, do ông đã bị giam giữ gần 200 ngày nên không phải chịu phạt tiền (luật Thái Lan quy định mỗi ngày ở tù tương đương 500 bạt).

Hồi tháng 9, tòa án đã phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, nhưng ông và luật sư đã kháng cáo.

Hiện ông Y Quynh  đang  bị giam ở nhà tù Remand (Bangkok) và vẫn trong quá trình xem xét khả năng bị trục xuất về Việt Nam. Nếu bị trục xuất, ông sẽ phải thực thi bản án 10 năm tù giam do Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phán quyết vắng mặt với hành vi “khủng bố” hồi tháng 1/2024, dội danh mà ông luôn bác bỏ.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Thái Lan không trục xuất ông Y Quynh mà cho phép ông sang định cư ở nước thứ ba, trước lo ngại ông có khả năng bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo nếu bị dẫn độ về Việt Nam.

2.ÂN XÁ QUỐC TẾ KÊU GỌI VIỆT NAM THU HỒI HOẶC SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 147

Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh vừa kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thu hồi và sửa đổi Nghị định 147, vốn được xem là thủ tiêu quyền tự do biểu đạt của người dân. Nghị định “hà khắc” này, có hiệu lực hôm 25/12, yêu cầu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam phải xác thực bằng số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân.

Cụ thể, các nhà mạng xã hội phải cung cấp thông tin chi tiết về người dùng Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cũng như gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của các bộ này, trong vòng 24 giờ.

Theo các nhóm nhân quyền, nghị định này khiến Việt Nam tiến gần đến mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc và không để lại một không gian nào dù nhỏ, cho quyền tự do biểu đạt.

“Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong một thông cáo.

Một nhà hoạt động nhân quyền ẩn danh ở Sài Gòn nói với ĐLSN “Hầu hết những nhà hoạt động nhân quyền đều đang ở tù, số khác phải đi tị nạn chính trị hoặc phải viết bài ẩn danh nếu chấp nhận ở lại nước. Nhưng Nghị định này sẽ khiến những người hoạt động ẩn danh bị bắt giữ. Rồi đây, sẽ còn tiếng nói phản kháng nào dám cất lên tại Việt Nam?”

Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên cho rằng, hơn lúc nào hết, các nhóm truyền thông cũng như các cá nhân tranh đấu ở hải ngoại cần đẩy mạnh truyền thông tự do trong bối cảnh các tiếng nói trung thực ở trong nước bị bóp nghẹt. Bà Nghiên cho biết lý do lập kênh Youtube, một phần là để “hỗ trợ truyền thông cho anh em quốc nội”.

3.NAM ĐỊNH: MỘT DÂN OAN BỊ TUYÊN 18 THÁNG TÙ THEO ĐIỀU 331

Ngày 27/12, Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định đã tuyên 18 tháng tù đối với bà Đinh Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1975, là chủ hộ đấu thầu thuê 1,7ha đất để nuôi thả tôm, cua, cá tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Bà Ánh là dân oan khiếu kiện chính quyền tỉnh Nam Định thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản cho các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện.

Bà bị cáo buộc đã sử dụng Facebook để quay, đăng tải và phát tán sáu video, phát trực tiếp bốn lần hành trình người dân Cồn Xanh đi khiếu kiện đến tử sở tiếp công dân Trung ương, khi người dân tập trung đến cây xăng xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) mua xăng và di chuyển đi khiếu kiện trong các ngày 18/5/2023, 19/2/2024 và 20/2/2024.

Bà Ánh và nhiều hộ dân phản đối quyết định thu hồi đất vì cho rằng họ bị mất kế sinh nhai, trong khi tiền đền bù mà Xuân Thiện đưa ra rất rẻ, ở mức 30 triệu đồng/ha sau đó nâng lên 70 triệu đồng/ha.

Dân oan Đinh Thị Ngọc Ánh bị cáo buộc vi phạm điều 331 “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, vốn bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là tùy tiện, nhằm bắt bớ và kết án những người lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền.

4.MỸ CÁO BUỘC NGA SỬ DỤNG LÍNH BẮC HÀN LÀM “BIA ĐỠ ĐẠN” TẠI CHIẾN TRANH UKRAINE

Ngày 27/12/2024, Nhà Trắng khẳng định Nga đưa binh sĩ Bắc Hàn đến chiến trường như là « bia đỡ đạn ». Tổng thống Ukraina trong bài phát biểu thường nhật cho biết, nhiều binh sĩ Bắc Hàn bị làm tù binh tại Ukraine đã tử vong do những vết thương nghiêm trọng.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby, trong một phát biểu đã khẳng định: « Điều rõ ràng là lãnh đạo quân sự Nga và Bắc Triều Tiên xem những đội quân này là có thể hy sinh và ra lệnh cho họ thực hiện các cuộc tấn công "vô vọng" chống lại hàng phòng thủ Ukraine ».

Theo ước tính từ tình báo Ukraine và phương Tây, Bình Nhưỡng dường như đã gởi gần 12 ngàn quân đến vùng chiến sự Kursk. Tuy nhiên, theo nguyên thủ Ukraine, Bắc Hàn đang hứng chịu thiệt hại nhân mạng to lớn, nhưng « cả quân đội Nga lẫn các chỉ huy Bắc Hàn không chút quan tâm đến việc bảo đảm sự sống còn của số binh lính này ». Ông Zelensky khẳng định, « tất cả mọi việc được thực hiện sao cho họ không thể bị bắt sống. Nhiều trường hợp đã bị chính quân đội của họ hành quyết ».

Hiện cả Nga và Bắc Hàn đều từ chối bình luận về cáo buộc này.

 

No comments:

Post a Comment