Saturday, December 14, 2024

Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Chiến thắng An Lộc được các cơ quan truyền thông thế giới ca tụng tinh thần anh dũng chiến đấu của quân dân miền Nam. An Lộc đứng vững là do công lao đóng góp của nhiều tướng lãnh, trong đó phải kể đến vị tướng chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa quốc lộ 13, mang đến chiến thắng An Lộc.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi gửi đến quý thính giả bài Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Tướng Hồ Trung Hậu sinh năm 1931, trong gia đình khá giả tại Bến Tre. Năm 1943, ông lên Sài Gòn nhập học ở trường Lasan Tabert (đọc là Lasan Ta be), tốt nghiệp bằng Tú tài toàn phần.

Thi hành lệnh động viên, ông thụ huấn khóa 4 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, mãn khóa ngày 1/6/1954, mang cấp bậc Thiếu úy. Ông tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù, được cử làm Trung đội trưởng trong Tiểu đoàn 6.

-Năm 1958, thăng cấp Trung úy, được biệt phái sang Bộ Nội Vụ nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Dinh điền.

-Năm 1959, thăng cấp Đại úy, về làm Sĩ quan Tùy viên cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.

-Năm 1960, thăng cấp Thiếu tá. Đến tháng 9 năm 1961, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành.

-Năm 1963, trở lại đơn vị Nhảy Dù. Đến tháng 11, ông nhận chức Phụ tá Hành quân cho Trung tá Dư Quốc Đống, chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 1 Nhảy Dù.

-Năm 1965, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Đến tháng 9, ông nhận chức vụ Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 1 Nhảy Dù. Vào thời điểm này, Chiến đoàn đổi thành Lữ đoàn, chuyển quy chế và bổ sung bảng cấp số để trở thành Sư đoàn Nhảy Dù.

-Ngày 19/6/1966, thăng cấp Trung tá, ông về Bộ tư lệnh Sư đoàn giữ chức Tham mưu trưởng.

-Ngày 1/11/1968, được đặc cách thăng cấp Đại tá. Đến tháng 2 năm 1969, ông nhận chức Tư lệnh phó Sư đoàn Nhảy Dù.

-Tháng 4 năm 1971, ông được đặc cách thăng cấp Chuẩn tướng tại mặt trận.

-Tháng 5 năm 1972, thuyên chuyển về Quân khu 4, ông nhận chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh.

-Tháng 10 năm 1973, về lại Quân khu 3, ông giữ chức Chánh Thanh tra Quân đoàn III cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

-Sau ngày 30/4/1975, ông bị đưa ra trại tù miền Bắc gần 13 năm, ra tù ngày 11/2/1988.

-Năm 1995, ông từ trần tại Sài Gòn, hưởng thọ 64 tuổi. Sáu tháng sau, vợ con ông được sang Hoa Kỳ theo diện H.O, định cư tại miền Bắc tiểu bang California, Hoa Kỳ.

***

Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu được hun đúc từ truyền thống “Bảo quốc - An dân” của các bậc tiền nhân, ông là cấp chỉ huy gan dạ, cương trực, khẳng khái, có tài năng và đức độ, được thuộc cấp thương mến.

Ông chính là vị tướng chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa quốc lộ 13 vào đầu tháng 6 năm 1972. Trong cuộc hành quân này, ông điều động quân của Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 21, Trung đoàn 15 của Sư đoàn 9, cùng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù và Thiết đoàn 9 Kỵ binh, xuất phát từ Xa Trạch tấn công vào Tân Khai (một cứ điểm hiểm trở do một sư đoàn CS Bắc Việt trấn giữ với các công sự kiên cố trong khu vực đồn điền Xa Cam).

Trận chiến xảy ra ác liệt từng ngày, đến chiều tối ngày 8/6/1972, đoàn quân do Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu chỉ huy đã diệt xong các chốt phòng thủ của quân Bắc Việt, bắt tay với quân của tướng Lê Văn Hưng (người hùng tử thủ An Lộc).

Cần nhắc lại, Thị xã An Lộc nằm trong tỉnh Bình Long, bị bao vây bởi 40 ngàn quân CS Bắc Việt gồm 4 sư đoàn bộ binh, với nhiều chiến xa và đại pháo cùng cao xạ phòng không. Mỗi ngày An Lộc bị pháo kích khoảng 8 ngàn trái đạn và bị liên tục hơn 3 tháng, trực thăng không thể tản thương và tiếp tế.

Trận chiến tại nơi này được báo chí và cơ quan truyền thông mô tả là trận đánh ác liệt nhất Ðông Dương. được cả thế giới chú ý, báo chí quốc tế theo dõi đều ngợi khen sức chịu đựng, cùng tinh thần chiến đấu anh dũng và kiên trì của quân dân VNCH để giữ vững phòng tuyến. An Lộc tuy nhỏ bé nhưng chiến thắng An Lộc quá vĩ đại, An Lộc điêu tàn, nhưng chiến thắng An Lộc lại là hào quang rực rỡ.

Trong những giờ phút căng thẳng nhất cuộc chiến, Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu đã nêu gương sáng cho các sĩ quan thuộc quyền về phong cách chỉ huy. Khí tiết của ông đã thăng hoa tại chiến trường Bình Long.

Sau ngày 30/4/1975, cả thế giới đều đau lòng khi biết được giờ phút lẫm liệt lúc cuối đời của các tướng: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú.

Và nhất là biết được cảnh đau lòng khi hàng trăm ngàn Quân - Cán - Chính VNCH bị đọa đày trong các trại tù (từ Nam chí Bắc). Trong số đó, có nhiều người phải chịu cảnh lưu đày hơn 10 năm, điển hình như Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường và Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu.

Cuộc đời của Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu chính là tấm gương sáng của một sĩ phu trong cơn quốc nạn. Nghiêm chào vĩnh biệt một cấp chỉ huy của Quân lực VNCH có nhân cách cao quý.

No comments:

Post a Comment