Monday, August 13, 2012

Việt Nam: Người Công Nhân chỉ là công cụ lao động


Thứ Hai ngày 13.08.2012     

Lời dẫn: Nếu trên bình diện quốc tế, liên minh Nga-Hoa là một liên minh ma quỷ nhằm mục đích kéo dài độc đảng trên một số quốc gia kém may mắn trên thế giới, thì trong nội địa VN, liên minh giữa nhà nước CSVN và tư bản ngoại quốc cũng mang tính ma quỷ tương tự. Mục đích liên minh ma quỹ này là bóc lột tận xương tủy giới thợ thuyền và công nhân Việt Nam.Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Thanh Do có tựa đề: "Viet Nam: Nguoi cong nhan chi la cong cu lao dong" sẽ được Dian trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Hiện nay Việt Nam thu hút đầu tư ngoại quốc bằng những yếu tố nào? Xin thưa rằng đó là giá nhân công rẻ mạt, giá đất để xây công xưởng ưu đãi do nhà nước cướp được đất của người dân, không tốn chi phí cho các khoản trợ cấp và bảo hiểm xã hội cho người lao động...;

Trong một đất nước độc tài và thiếu nhân quyền như ở Việt Nam thì người lao động chưa ý thức được quyền lợi của mình, vì thế mà giới chủ tham lam mặc sức bóc lột và lừa dối họ. Người Công nhân Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối một cách dè dặt khi bị bóc lột và đối xử tàn tệ đến mức không còn chịu nổi. Nhưng những hành động chính đáng này của công nhân cũng bị nhà nước đàn áp và tổ chức Công đoàn nhà nước giảm thiểu đến mức tối đa. Chính vì những nguyên nhân trên, mà người Công nhân ở Việt Nam trở thành những công cụ lao động trong con mắt của giới chủ bóc lột.
Nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi bóc lột và coi thường người lao động xuất phát từ nhà nước độc tài. Trong bối cảnh xã hội mà những quyền cơ bản của con người bị hạn chế và ngăn cản thì đó là miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh mồ hôi xương máu của con người. Bản thân người lao động không có thói quen đòi quyền lợi trước một nhà nước độc tài hà khắc, thì nay họ càng ngơ ngác trước các chủ tư bản nước ngoài. Nhà nước độc tài, giới chủ bóc lột và công đoàn nhà nước cùng hướng tới một mục tiêu: Đó là kìm kẹp và bóc lột sức lao động của người Công nhân để thu được lợi nhuận tối đa.
Khi họ đã có cùng một mục tiêu đó thì việc xử lý những hành động vi phạm của giới sử dụng lao động chỉ còn là hình thức. Vì rằng giới chủ là đối tượng mang lại tiền bạc cho nhà nước, trở thành liên minh chặt chẽ. Và người lao động chỉ là đối tượng để bị bóc lột, không hơn không kém. Phương tiện để người lao động thông qua đó mà đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi là Nghiệp Đoàn Độc Lập thì bị nhà nước cấm hoạt động. Trong bối cảnh không có tổ chức đại diện và bảo vệ, thì người công nhân Việt Nam trở thành những con cừu non trước miệng đàn chó sói tàn ác.
Trong một môi trường tăm tối như vậy, những kẻ không có mục đích kinh doanh chân chính mặc sức đối xử tàn tệ và bóc lột người công nhân. Trên địa bàn cả nước, thường xuyên xẩy ra những vụ bạo hành công nhân của những kẻ sử dụng lao động mất tính người. Những hành động ngược đãi tàn ác đó đã xâm phạm nghiêm trọng sức khoẻ, tính mạng và danh dự người lao động. Những vụ việc đó, chính quyền và công đoàn nhà nước chỉ làm ngơ hoặc xử lý chiếu lệ. Vì chính quyền luôn mong muốn những cơ xưởng đó nhanh chóng đi vào sản xuất để đóng thuế cho họ, để đảm bảo các khu công nghiệp luôn được lấp đầy và hoạt động đều đặn. Tình trạng bóc lột sức lao động của công nhân đã trở nên phổ biến, gần như tất cả các doanh nghiệp đều vi phạm những quy định của luật lao động. Điều đó là dễ hiểu, vì Việt Nam là một đất nước không sống bằng luật pháp, các bộ luật chỉ để làm cảnh và hợp thức hoá mà thôi. Và đối tượng dễ bị tổn thương và gánh chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người lao động thấp cổ bé họng và ít học thức. Không chỉ vậy, họ còn bị nhà nước cướp mất cái quyền chính đáng là thành lập Nghiệp Đoàn Độc Lập của riêng mình.
Hiện trạng đó là nguyên nhân chính mà người Công Nhân Việt Nam không được giới chủ nước ngoài tôn trọng, họ chỉ bị coi là những công cụ lao động để mang lại lợi ích tối đa. Những quy định về giờ làm luôn bị vi phạm, công nhân làm thêm giờ không được trả thêm lương hoặc trả rất thấp. Các chế độ bảo hiểm cũng như những quyền lợi khác không được thực thi đầy đủ hoặc không có. Người công nhân chỉ biết oằn lưng để lao động và ngoan ngoãn tuân thủ lời sai bảo của giới chủ. Người nào có tư tưởng tiến bộ, ý thức được quyền của người lao động thường thì bị cô lập và sa thải. Những người công nhân khác nhìn vào tấm gương đó mà sợ hãi, vì vậy mà càng ngoan ngoãn và chăm chỉ hơn để cho chủ doanh nghiệp bóc lột ngày càng thậm tệ.
Người lao động ở Việt Nam có đời sống thiếu thốn và khổ cực. Đó là một nguyên nhân nữa khiến họ không dám bỏ việc, họ sợ bị mất nguồn thu nhập dù là ít ỏi. Nắm bắt được tâm lý này của người lao động mà giới chủ không ngừng đe doạ đuổi việc họ, bắt ép họ phải ngoan ngoãn tuân phục.
Ở Việt Nam, người thất nghiệp không có trợ cấp xã hội để có thể sống một cuộc sống tối thiểu. Nhà nước không lo việc làm cho người dân, quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" vẫn là nhận thức chủ đạo trong đất nước "thiên đường cộng sản" này. Người dân tự mình tìm kiếm việc làm, không những vậy còn phải mất rất nhiều chi phí cho các cơ quan môi giới của nhà nước. Sau khi vào làm việc tại các công ty thì họ lại bắt đầu một vòng đời bị bóc lột nặng nề, trở thành nạn nhân của một chế độ độc tài coi thường các giá trị con người.
Chính vì những lẽ nêu trên, mà ở Việt Nam người Công nhân thực sự trở thành một công cụ lao động biết nói. Thực tế này không khác là mấy so với người Nô lệ trong chế độ chiếm hữu nô lệ thủa xa xưa. Chỉ khác là cách thức và phương tiện bóc lột tinh vi hơn mà thôi. Với thực trạng trên, người lao động ở Việt Nam phải gánh chịu muôn vàn uất ức và đau thương. Nhà nước độc tài với công cụ tay sai của mình là Công đoàn nhà nước ngày một cấu kết chặt chẽ với giới chủ để lừa dối và bóc lột thậm tệ người công nhân. Bằng cách đó mà nhà nước Việt Nam đã biến người Công nhân trở thành những công cụ lao động biết nói của thế kỷ 21.
Thành Đô

No comments:

Post a Comment