Lời dẫn: Khi người phụ nữ Việt Nam đứng lên là ngày tàn của CSVN đã đến. Những người phụ nữ Việt Nam đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ngày nay chính là hiện thân của Mẹ Việt Nam trong huyền sử và lịch sử dân tộc. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Quốc Sĩ với tựa đề: "Con tim Âu Cơ rực lửa" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tiến trình dựng nước và cứu nước là một kết tinh công lao của tiền nhân, của anh hùng nữ kiệt, của thiện nam tín nữ, nói chung là công cha nghĩa mẹ. Riêng đối với dân tộc Việt Nam, con cháu Rồng Tiên, thì hình ảnh cha Rồng mẹ Tiên luôn luôn sát cánh với nhau theo mệnh nước nỗi trôi. Những diễn biến hôm nay tại Việt Nam, hình ảnh Mẹ Âu Cơ đang chiếu sáng như ngọn hải đăng với ánh đuốc tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của nhà báo Tạ Phong Tần đang bị cộng sản Việt Nam nhốt tù một cách bất công và bất nhân.
Nói đến Mẹ Âu Cơ, có người diễn tả hình ảnh 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển như một sự chia lìa ly cách, dọn đường cho sự chia rẽ trong dân tộc Việt Nam. Thật ra, đó là một giải thích sai lầm, bênh vực cho một thành kiến. Nguyên thủy, bọc mẹ Âu Cơ trăm trứng nở ra trăm con là hình ảnh của yêu thương, gắn bó và cố kết, không thể chia lìa. Theo mẹ lên non, theo cha xuống biển cũng không phải là chia lìa, đứt đoạn, mà theo ý nghĩa minh triết, đó là sự lan tỏa của Âm Dương đến tận cùng mặt đất. Trong ý nghĩa minh triết đó, tinh thần Âu Cơ là tinh thần đoàn kết trăm con một mẹ, tinh thần Diên Hồng quy tụ nam phụ lão ấu, trăm họ đồng thanh, bảo đảm trăm trận trăm thắng... Sức mạnh dân tộc đang bừng lên hôm nay từ con tim Việt Nam, từ trái tim Âu Cơ.
Trái tim Âu Cơ đã chiếu sáng lịch sử Việt Tộc từ thời lập quốc, trải qua nghìn năm nô lệ giặc tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây, cũng như hơn nửa thế kỷ đọa đày dưới ách thống trị của cộng sản độc tài.
Thời Bắc thuộc, hình ảnh bà Trưng bà Triệu bên cạnh các nam anh hùng Lê Lợi, Hưng Đạo, Quang Trung... đã thể hiện tinh thần bất khuất của mẹ Âu Cơ bên cạnh cha Lạc Long, không bao giờ chấp nhận làm nô lệ ngoại bang. Hình ảnh của Bà Triệu, "cưỡi sóng dữ, đạp kình ngư", cũng như hình ảnh Hai bà Trưng cưỡi voi đánh cho Bắc quân tan tác, hẳn đang làm nức lòng thế hệ trẻ Việt trong công cuộc cứu nguy Tổ Quốc hôm nay.
Thời Thực Dân, hình ảnh Cô Bắc Cô Giang, của Cụ bà Phan Bội Châu, cũng là bóng dáng con tim Âu Cơ trong tiến trình chống ngoại tặc từ Phương Tây. Đến nay, lời thề Đền Hùng vẫn mãi vang vọng! Giai đoạn chống kẻ thù phương Tây, người ta cũng không quên con tim Âu Cơ đã phảng phất trong hình bóng Mẹ Chiến Sĩ, đêm đêm đã lén lút lượm xác những đứa con bị thực dân thảm sát về chôn cất. Mỉa mai nhất là sau này, cộng sản Việt Nam đã làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của những bà mẹ Gio Linh bằng sự vô ơn phản bội đối với những "mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày"...
Thời Cộng Sản, hình ảnh con tim Âu Cơ lại càng đậm nét hơn, với những bà mẹ quyết đem thân già nâng đỡ tinh thần chiến đấu của con cháu. Ai mà không cảm phục cụ bà Lê Hiền Đức, 86 tuổi đầu, đã từng đem cả cuộc đời phục vụ cái gọi là "cách mạng", nhưng nay đã hoàn toàn thất vọng, rời bỏ Đảng, về với nhân dân, xả thân tranh đấu cho công lý, bảo vệ dân oan. Chính cụ bà tình nguyện đem thân già ngăn mũi súng công an nhắm vào tim dân lành! Đặc biệt, mới đây, hình ảnh bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của nhà báo Tạ Phong Tần, vừa tự thiêu trước Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu đang làm chấn động dư luận thế giới. Hẳn người ta còn nhớ hình ảnh chàng sinh viên Bouazizi của Tunisia trong mùa xuân Ả Rập. Ngọn lửa tự thiêu của chàng tuổi trẻ đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Hoa Lài Trung Đông. Ngọn lửa tự thiêu của bà Kim Liêng tại Bạc Liêu chắc chắn cũng sẽ châm ngòi cho cuộc cách mạng dân chủ đang nhen nhúm tại Việt Nam. Điều đáng nói là ánh đuốc tự thiêu của bà Kim Liêng đã làm rung động con tim nhân loại, tiêu biểu như các tổ chức nhân quyền và các cơ quan truyền thông quốc tế, đặc biệt là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bày tỏ mối quan tâm và đau buồn sâu sắc khi nghe tin tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng ngày 30 tháng 7 vừa qua. Riêng đối với dân Việt, làn sóng người đổ về Bạc Liêu tiễn đưa bà Kim Liêng về đất Mẹ, bất chấp những hành động đe dọa, cản trở và bắt bớ của cộng sản Việt Nam, là một tiếng chuông báo hiệu cho một cuộc vùng dậy gần kề.
Đáng mừng nhất là con tim Âu Cơ của bà Kim Liêng đã làm cháy bừng ngọn lửa đấu tranh, không những của con gái bà là nhà báo Tạ Phong Tần, mà còn của nhiều nữ chiến sĩ dân chủ can trường khác, như Bùi Thị Minh Hằng, Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy... Lần đầu tiên trong lịch sử, dân Việt có nhiều người con gái chân yếu tay mềm can trường như thế! Đó chẳng phải là tín hiệu báo trước sự sụp đổ của cộng sản đó sao?
Thế đó! Công cha cứu nước, nghĩa mẹ cứu dân. Con tim Mẹ âu Cơ, trải dài trong hình ảnh của thân cò mẹ dẫn đàn con đi ăn đêm, hy sinh mạng sống cho con mà còn nguyện "chết trong, hơn sống đục", cũng như trong hình ảnh thân cò vợ, khóc nỉ non gánh gạo đưa chồng ra biên ải chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc! Mẹ Âu Cơ còn đó! Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây! Tổ Quốc Việt Nam đang lâm nguy trước đại họa thù trong giặc ngoài. Xin mẹ làm bừng cháy con tim yêu nước. Xin mẹ quy tụ trăm con về một mối, hiên ngang biểu dương sức mạnh dân tộc! Từ Tiên Lãng, Văn Giang, từ Con Cuông và Bạc Liêu, lửa cháy non ngàn...
No comments:
Post a Comment