Thứ Sáu ngày 24.08.2012
1. Ngân hàng ACB vận động cho tổng giám đốc Lý Xuân Hải được tạm tha
AFP và một số báo trong nước loan tin cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giữ tổng giám đốc Lý Xuân Hải của ngân hàng ACB vào sáng thứ ba. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc ACB kiêm phát ngôn nhân Nguyễn Thanh Toại tuyên bố trong cuộc họp báo vào chiều thứ ba rằng chưa có thông tin bắt giữ ông Lý Xuân Hải.
Báo chí trong nước sau đó đã vội lấy xuống bản tin về ông Lý Xuân Hải bị bắt. Có tin cho biết ngân hàng ACB đã vận động bộ công an tạm tha ông Hải để làm dịu nỗi hoang mang của khách hàng đã rút tới 8 nghìn tỷ đồng khỏi ngân hàng ACB trong vài ngày qua. Được biết vào thứ tư, ngân hàng trung ương Việt Nam đã bơm vào quỹ ngân hàng hơn gấp đôi số tiền đã rút ra để ổn định thị trường, đồng thời khẳng định lý do bắt giữ Bầu Kiên không liên quan đến ACB. Vào thứ ba, hội đồng quản trị ngân hàng ACB công bố ông Lý Xuân Hải từ nhiệm vì lý do cá nhân và đã chọn phó tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn lên thay thế.
2. Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị phản đối Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Nghị cho đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và phức tạp tình hình tại Biển Đông. Vào ngày 20 tháng 8, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Đài Loan Hạ Quý Dương cho biết Đài Bắc đã gửi thông báo tới các nước trong khu vực về việc bắn đạn thật. Ông Hạ coi đây là hành động bầy tỏ chủ quyền của Đài Loan tại Biển Đông, và nhắc lại cuộc tập trận đã từng được thực hiện một vài lần. Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa với diện tích gần nửa cây số vuông, và cách Cao Hùng 1 ngàn 600 cây số về phía tây nam. Gần đây Đài Loan cho biết sẽ nối dài đường phi đạo cho các loại phi cơ vận tải quân sự. Đài Loan đang hoàn tất dựng một cột anten cao 7 mét gần đường phi đạo để trạm không lưu xử dụng vào tháng 9. Hiện nay các máy bay vận tải quân sự khó có thể đáp xuống hòn đảo này vì tầm nhìn hạn chế.
3. Hoa Kỳ tăng cường tầm hoạt động của tên lửa tại Á Châu
Tờ Wall Street Journal loan tin bộ quốc phòng Hoa Kỳ đang đưa ra kế hoạch đặt dàn radar mới tại Nhật và tại một nước Đông Nam Á để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại Á Châu. Quan chức Hoa Kỳ cho biết dàn radar phòng thủ tên lửa X-Band sẽ được đặt tại một hòn đảo phía nam nước Nhật sau khi chính quyền Tokyo đồng ý. Vào năm 2006, Hoa Kỳ đã đặt một hệ thống X-Band tương tự tại Aomori ở phía bắc Nhật Bản. Hoa Kỳ đang tìm kiếm một địa điểm tại Đông Nam Á cho dàn radar X-Band thứ ba để tạo vòng cung theo dõi tên lửa phóng đi từ Bắc Hàn cũng như từ Trung Quốc. Vào tháng 4, Bắc Hàn nhìn nhận thất bại khi tên lửa rơi xuống biển sau khi phóng chưa đầy hai phút. Theo báo cáo mới nhất từ ngũ giác đài, Trung Quốc có từ 1 ngàn đến 1 ngàn 200 tên lửa tầm ngắn nhắm vào Đài Loan. Trung Quốc tiếp tục phát triển các loại tên lửa mới có thể bắn trúng tàu ở xa khoảng 578 cây số. Một quan chức cao cấp Hoa Kỳ cho rằng kế hoạch điều động phòng thủ tên lửa có thể làm Bắc Kinh dè dặt cho một cuộc tấn công giới hạn trong vùng.
4. Ấn Độ dùng phi cơ tiếp dầu để tăng cường hoạt động của chiến đấu cơ
Ấn Độ sẽ dùng một số phi cơ tiếp dầu trên không để các phi đội chiến đấu SU-30 MKI tại căn cứ Panagarh có thể mở rộng tầm hoạt động đến căn cứ ở Tây Bengal nhằm đương đầu với không lực của Trung Quốc tại khu tự trị Tây Tạng. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ xác định chiến lược tăng cường phòng vệ vùng biên giới với Trung Quốc sau vài năm Trung Quốc xây các sân bay gần khu vực biên giới. Cho tới nay, các phi cơ tiếp dầu trên không của Ấn Độ đóng tại Agra cách xa tầm hoạt động của phi đội SU-30 MKI. Chính quyền Dehli coi việc tăng cường vùng biên giới là một chiến lược quốc phòng quan trọng. Ấn Độ cũng gia tăng các hoạt động hải quân tại vịnh Bengal, cửa ngõ xuống Ấn Độ Dương của Trung Quốc, và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Dehli trong vùng biển Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment