Thứ Sáu ngày 31.08.2012
Lời dẫn: Thanh niên và sinh viên là tương lai của đất nước Việt Nam vì trong bản thân họ có sức sống tiềm tàng và quật khởi. Họ không chấp nhận một thực trạng xã hội bất công và hèn nhát. Một khi thanh niên Việt Nam đòi hỏi một trật tự xã hội tốt đẹp hơn, thì ngày tàn của CSVN sẽ không còn xa. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Nguyen Thi Tu Huy có tựa đề: "Sinh Vien- Ban Nghi gi?" sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Bạn đã bao giờ gặp tình huống này chưa: Để lảng tránh giải thích cho bạn về một vấn đề nào đó, về một hiện tượng tiêu cực, về một sự khuất tất hay một bất công nào đó, người ta trả lời bạn: "Cái nước mình nó thế, đừng có hỏi!"?
Đã bao giờ bạn đưa phong bì cho giáo viên, và thay vì dằn vặt xấu hổ, bạn tự nhủ: "Cái nước mình nó thế", rồi cảm thấy thanh thản?
Tôi giả định rằng bạn đủ nhận thức để hiểu cái nước mình nó thế là nó như thế nào, nên không luận giải về điều đó ở đây. Tôi chỉ muốn đề cập tới, một cách chưa đầy đủ, thái độ nào có thể có đằng sau câu nói đó. "Cái nước mình nó thế" là một mệnh đề tiêu biểu cho sự bất lực, cho sự đầu hàng vô điều kiện, sự nô lệ cho hoàn cảnh và nô lệ cho chính mình. Mệnh đề này thể hiện sự kìm kẹp, sự trói buộc từ bên trong của mỗi cá nhân, hậu quả của sự trói buộc dài hạn từ bên ngoài. Và nó cũng thể hiện sự lảng tránh trách nhiệm. Để tránh hành động, để chấp nhận cái xấu, cái ác, cái tồi tệ, nhưng đồng thời để tránh phải chịu trách nhiệm về cái xấu, cái tồi tệ và cái ác, người ta nói với bạn: "Cái nước mình nó thế".
Những người nói câu này ngụ ý rằng "mình" không can dự gì vào "cái nước mình" ấy, rằng "mình" chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết. Phủi tay. Tuy nhiên, mệnh đề này khi được thốt ra cho thấy đằng sau nó thái độ chấp nhận tuyệt đối. Vì cái nước mình nó thế nên đừng hỏi gì cả, đừng làm gì cả, chỉ có một con đường duy nhất là chấp nhận mà thôi. Song, điều mà có thể những người phát ngôn câu đó không ngờ tới là cái vị thế này: chấp nhận rằng cái nước mình nó thế cũng có nghĩa là chấp nhận rằng mình cũng như thế. Thêm nữa, khi đóng đinh vào đầu bạn ý tưởng về cái nước mình nó thế, người ta không những tự phủ nhận khả năng thay đổi của mình, mà còn muốn phủ nhận khả năng thay đổi của bạn, người ta không khuyến khích bạn hỏi, không khuyến khích bạn hành động ; mà trái lại còn ngăn cản bạn, còn triệt tiêu khả năng đặt câu hỏi của bạn, còn làm bạn nhụt chí, khiến bạn trở nên giống như họ, nghĩa chấp nhận một cách tự nhiên rằng cái nước mình nó như vậy, nó không thể khác được, rằng không có cách gì làm cho nó khác đi được, và vì thế mà không làm gì để cho nó khác đi. Và nếu không làm gì cho nó khác đi thì cũng không sao, bởi vì... "cái nước mình nó thế"! Bạn thấy đấy, bằng cách đó, quả là thật dễ dàng để ăn ngon ngủ yên. Vấn đề là bạn có thể ăn ngon ngủ yên mãi trên một hiện thực "như thế" hay không? Nó có để cho bạn yên hay không?
Thế hệ của bạn cần thay thế mệnh đề đó bằng những mệnh đề mới, chẳng hạn như: "Nước mình sẽ khác", hoặc "Nước mình sẽ tốt đẹp hơn", hoặc những mệnh đề cùng loại do tự bạn nghĩ ra. Khi bạn để cho những mệnh đề loại đó vang lên trong đầu bạn, có thể bạn sẽ cảm thấy năng lượng giải phóng của chúng, bởi chúng đòi hỏi trước hết bạn phải khác đi, bạn phải giải phóng khỏi chính bạn. Khi bạn có mong muốn mãnh liệt rằng nước mình sẽ khác thì bạn sẽ tìm cách hành động cho sự đổi khác. Và muốn nước mình khác đi thì bản thân mình phải khác đi. Nếu bản thân bạn không khác đi được thì sao có thể mong muốn nước mình khác đi được. Mà nước mình không khác đi thì sao?
Thì có nguy cơ sẽ mất vào tay láng giềng.
Bạn có biết những gì đang xảy ra trên Biển Đông, và cả trên đất liền, những năm tháng, những ngày tháng gần đây? Mà nước đã mất thì "mình" có còn không? Bạn có còn không? Và nước đã mất thì bạn sẽ để lại gì cho con cháu bạn? Hay là bạn ngồi nhìn nước mất và tự nhủ: "cái nước mình nó thế"? Và bạn hy vọng rằng với câu đó thần chú đó bạn sẽ cảm thấy thanh thản vì có thể phủi tay, có thể đẩy trách nhiệm cho "cái nước mình" ấy? Nhưng dù bạn có thể phủi tay, dù bạn có thể tự lừa dối mình rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm trừ chính bạn, thì bạn cũng không thể nào tránh được cái hiện thực là mất nước khi điều đó xảy ra.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng chính bạn phải cân nhắc và lựa chọn, chính bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình? Có bao giờ bạn nghĩ rằng nước mình sẽ không còn như thế, sẽ tốt đẹp hơn, rằng chính bạn có thể khác đi, có thể tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn?
Cái nước mình nó thế hay nước mình có thể khác đi tùy thuộc vào khả năng tự thay đổi của chính bạn, tùy thuộc vào khả năng của bạn trong việc nhận thức và hành động cho sự tiến bộ.
Hiện nay có những người đang nỗ lực vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, họ đang nỗ lực để nước mình khác đi theo hướng tốt đẹp hơn. Điều nhỏ nhất mà bạn có thể làm là hiểu họ, và ủng hộ họ. Nhưng quan trọng hơn: bạn hoàn toàn có thể làm được như họ.
Có lẽ cần bắt đầu bằng câu hỏi này: Bạn muốn "cái nước mình nó thế" hay bạn muốn "nước mình sẽ tốt đẹp hơn"? Rồi từ đó bạn sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi khác. Nhưng có lẽ bạn phải nhanh lên, bởi vì cái giá mà chúng ta phải trả cho việc chấp nhận "cái nước mình nó thế" giờ đây đã tới mức không còn một cá nhân nào có thể gánh nổi.
Bạn hãy hình dung tới những câu hỏi mà hậu thế sẽ đặt ra về chúng ta. Hơn thế, hãy hình dung những câu trả lời về chúng ta mà hậu thế sẽ phải đối diện, vì thực tế là sẽ không có cách nào lảng tránh được sự thật. Dù chúng ta có cố mà tự lừa dối mình thì người khác cũng sẽ nhìn thấy rất rõ.
Hơn nữa, dù chúng ta có thành công trong việc lừa dối chính mình và lừa dối người khác, dù chúng ta có bảo toàn được tài sản cá nhân và tính mạng cá nhân, nhưng nếu đất nước chung này mất đi, sẽ chẳng ai trong chúng ta thoát khỏi thân phận của kẻ mất nước. Không một ai.
Sài Gòn, tháng 7, những ngày dông tố trên Biển Đông
Nguyễn Thị Từ Huy
No comments:
Post a Comment