Thứ Sáu ngày 25.08.2012
Lời dẫn: Đã đến lúc Việt Nam không thể trãi thảm đỏ cho bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì mà phải lựa chọn, tức là đã đến lúc nhà đầu tư phải tự trãi thảm mà đi, thậm chí những dự án tốt còn phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình chúng tôi xin gởi đến quí thính giả bài viết của Nguyễn Thế Thịnh với tựa đề "Những Ngưuời Không Yêu Nước Mình" sẽ do Dian trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Hôm qua, tôi nhận được lời nhắc từ những người làm tư tưởng vốn ở chỗ quen biết, rằng, cái "phố Tàu" ở Hà Tĩnh là các công ty Trung Quốc đầu tư vào VN, không nên xoi mói, bới lông tìm vết theo kiểu bài Hoa.
Tôi ngạc nhiên lắm, nghĩ, đầu tư nước ngoài hay đầu tư ngoài hành tinh vào VN thì cũng phải tuân theo luật pháp VN, ở thì phải đăng ký, lao động thì không thể sử dụng hộ chiếu du lịch, bảng hiệu thì phải dùng chữ Việt (chữ TQ phải nhỏ hơn), xe máy thì không được chở ba, lấy vợ người Việt thì phải đăng ký... Chứ sao họ muốn làm chi ta cũng phải im lặng mà nín nhịn? Cách nhắc nhở trên tôi không phục, và nghĩ, nếu "ông tư tưởng" ra Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mà xem, mà nghe người dân ca thán, chắc hẳn ông đã không có những lời nhắc vô cảm trên.
Trước đó, báo Thanh Niên cũng đã thông tin, UBND tỉnh Phú yên đã thẳng thừng từ chối một dự án của người TQ sử dụng công nghệ độc hại. Đây là một việc làm cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Nhưng công nghệ sử dụng cyanua chỉ có thể làm chết người dân một vùng, còn sự "xâm lấn" của văn hóa TQ trên đất liền có thể làm chết một thế hệ, nhiều thế hệ, nên chúng ta không thể chỉ chăm chăm ngăn chặn họ từ biển Đông còn thả trên đất liền cho họ thao túng. Với tư cách công dân, tôi thấy sự xâm lấn trên đất liền nghiêm trọng hơn và nhất thiết phải lên tiếng, nhất thiết phải ngăn chặn.
Trở lại với bảng hiệu chữ nước ngoài, cách đây 11 năm, khi tôi theo một đoàn công tác sang Lào. Cái chợ Sáng ở Viên chăn vốn là nơi làm ăn của Việt kiều lúc đó không còn một bảng hiệu nào có chữ Lào và chữ Việt, thay vào đó là ngập tràn bảng hiệu chữ Tàu.
Sau khi méo mồm nói tiếng Lào mặc cả giá, người bán hàng mới xổ giọng VN hỏi: "Mấy người ở VN sang à?". Hỏi chuyện mới biết, người TQ họ có chủ trương hẳn hoi, quầy nào treo bảng có tiếng Việt lập tức bị cô lập, không buôn bán được.
Ngày hôm sau, đi thăm một khu phố bán vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp VN sang làm ăn, bảng hiệu cũng ghi chữ Tàu và chữ Lào, không có chữ Việt. Một ông chủ doanh nghiệp trẻ khi nghe tôi phàn nàn đã cười, nói rằng làm ăn thì phải có lãi, có lãi thì phải bán được hàng, muốn bán được hàng thì phải ghi chữ TQ. Tôi không chịu, cự lại, bảo ông có thể ghi hàng trăm thứ tiếng nhưng nhất định phải có tiếng Việt, mà chữ Việt phải viết nhỏ, phía dưới chữ Lào. Anh ta lại cười, cái cười rất khó cắt nghĩa.
Tôi nói thật, trong mắt tôi, tất cả các nhà đầu tư đến từ TQ đều "có vấn đề". Vấn đề chính của họ là mang hết công nghệ cũ đã lỗi thời sang VN. Cái thứ đó vừa ô nhiễm môi trường vừa tiêu tốn một lượng điện khủng khiếp. Đã đến lúc VN không thể trải thảm đỏ cho bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì mà phải lựa chọn. Tức là đã đến lúc, nhà đầu tư phải tự trải thảm mà đi. Thậm chí những dự án tốt còn phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Hãy kiểm lại coi, có nhà đầu tư nào đến từ TQ mang lại lợi ích kinh tế cho VN?
Một thị trấn Việt Nam, do người VN làm chủ, có chính quyền, có đoàn thể, có pháp luật mà đỏ hoét bảng hiệu chữ Tàu mà các ông tư tưởng bảo bới lông tìm vết thì không hiểu các ông đang nghĩ gì?
Tôi nói với người điện thoại, rằng, tôi thấy có những người không yêu nước mình nhưng lại rất... yêu mình!
Nói xong thì cúp máy.
Nguyễn Thế Thịnh
No comments:
Post a Comment