Công an bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội
Khoảng 8 giờ 40 phút chủ nhật mùng 5 tháng 8, công an đã bắt đầu bắt hơn 20 người dân yêu nước tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội lần thứ 4 kể từ đầu tháng 7 năm nay. Trong số những người bị bắt có các blogger Lê Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Chí Đức, cô giáo Dương Thị Xuân, nhà giáo Nguyễn Anh Dũng, Phương Bích, bác Hùng từ bộ giáo dục, anh Đào Lê Viết Sĩ. Cụ Lê Hiền Đức bị bắt lên một xe riêng. Bà Khánh Trâm và chồng bị công an phường bắt giữ trên đường đến điểm hẹn biểu tình tượng đài Lý Thái Tổ. Được biết, bất chấp sự đàn áp, bắt bớ của công an Hà Nội, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Video clip trên mạng cho thấy lần này công an và lực lượng côn đồ đeo băng đỏ đã có những hành vi xô xát, trấn áp người biểu tình. Cho đến 10 giờ sáng chủ nhật, những người biểu tình bị xe buýt đưa đến giam giữ tại Trại Lộc Hà.
Luật sư không hề xin hoãn phiên tòa xử 3 bloggers Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải
Các luật sư biện hộ cho 2 thành viên câu lạc bộ tự do khẳng định không hề nộp đơn xin hoãn phiên toà như trong thông báo số 102/TBTHS đề ngày 03/8/2012 của Tòa án Sài Gòn do thẩm phán Vũ Phi Long ký tên. Một luật sư hành nghề tại Sài Gòn cho rằng toà án đồng ý hoãn phiên toà theo luật sư yêu cầu hoàn toàn không phù hợp với luật pháp. Cụ thể, căn cứ Điều 190 Bộ luật TTHS, luật sư có nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Nếu luật sư vắng mặt, tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như bị cáo dưới tuổi vị thành niên; là người mắc bệnh tâm thần hoặc thể chất; hoặc đang bị truy tố về tội có thể lãnh án tử hình. Trong vụ án này, các bloggers bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định của Điều 88 Bộ luật Hình sự, bản án cao nhất là 20 năm. Do đó, căn cứ từ các quy định kể trên, giả thiết các luật sư có nộp đơn xin hoãn phiên tòa hoặc vắng mặt thì tòa án vẫn phải đưa vụ án ra xét xử.
Liên Hiệp Quốc quan tâm đến Điếu Cầy và các bloggers
Trong cuộc họp báo tại New York hôm thứ sáu 3 tháng 8, bà Ravina Shamdasani, phát ngôn nhân Cao Ủy Nhân quyền tại LHQ, bày tỏ mối quan tâm đến việc bắt giam 3 bloggers Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải về tội bầy tỏ quan điểm khác biệt tại Việt Nam. Bà Shamdasani cho rằng quyền tự do bày tỏ ý kiến càng ngày càng bị hạn chế tại Việt Nam. Bà cho biết một số vụ bắt giữ và kết án nặng nề trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam đang theo xu hướng đáng ngại về việc hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến và lập hội của các bloggers, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, những người đặt vấn đề về các chính sách nhà nước một cách ôn hoà. Cao Ủy Nhân quyền tại LHQ cho rằng phiên tòa ngày 7 tháng 8 vừa bị đình hoãn vô thời hạn, sẽ được xử kín và không có nhân chứng đang gây quan ngại đến tiến trình xét xử không được công bằng. Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam làm tròn các nghĩa vụ đã ký kết để bảo đảm công bằng trong các phiên toà, và thả lập tức các tù nhân bị giam giữ vì quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do lập hội.
Trung Quốc phản đối bản thông cáo của Hoa Kỳ về cuộc tranh chấp tại Biển Đông
Nhà cầm quyền Bắc Kinh cho rằng những chỉ trích từ Washington về thái độ củng cố chủ quyền tại Biển Đông đã gửi "một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" đến các nước đang tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu chiến lược tại Heritage Foundation ở Washington cho rằng Trung Quốc đang gia tăng một áp lực đáng kể đến các nước trong khu vực để phải nhìn nhận Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông Cheng nghĩ rằng Trung Quốc cần phô trương sức mạnh trước khi quốc hội nhóm họp vào cuối năm nay để chọn thành phần lãnh đạo mới cho thập niên tới. Vài ngày trước đây, bộ ngoại giao Hoa Kỳ coi thái độ của Trung Quốc đi ngược lại giải pháp ngoại giao khi giải quyết tranh chấp, và cho rằng các nước không nên giải quyết bằng vũ lực. Hiện nay mối quan tâm của Hoa Kỳ là tự do hàng hải tại Biển Đông cho các đồng minh kinh tế như Nhật và Nam Hàn. Năm 1974, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đã làm ngơ khi Trung Quốc đánh Việt Nam Cộng Hoà để chiếm 30 cù lao và đảo thuộc Hoàng Sa. Tuy nhiên, ông Dean Cheng cho rằng kỳ này Hoa Kỳ có thể dính vào cuộc chiến tại Biển Đông khi Trung Quốc tấn công tàu Phi Luật Tân hoặc vùng biểu đảo của Phi vì Washington và Manila ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau.
No comments:
Post a Comment