Thứ Sáu ngày 10.08.2012
Lời dẫn: Khi CS chủ trương tiêu diệt vương quyền phong kiến, thì chính họ trở thành triều đại phong kiến nhất lịch sử. Khi CS chủ trương tiêu diệt cường hào ác bá, thì chính họ trở thành những siêu cường hào ác bá của thời đại. Khi CS chủ trương tiêu diệt phản động, thì chính họ trở thành lực lượng phản động nhất lịch sử nhân loại. Mời quý thính giả nghe phần Quan Điểm củaLLDTCNTQ với tựa đề: "Syria và tính 'phản động' của các chế độ cộng sản", sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
***
Tính "phản động" của một tập thể chính trị hay cá nhân là một danh từ chính trị học phát xuất từ cuộc cách mạng Pháp năm1789. Dịch tiếng Pháp là "reactionnaire" và tiếng Anh là "reactionary". Lãnh tụ CS Lê Nin là một người ngưỡng mộ cuộc cách mạng Pháp không phải vì lý tưởng "tự do, công bằng và tình huynh đệ" (liberty, equality and fraternity), nhưng vì tính sắt máu của cuộc cách mạng này nhất là trong giai đoạn nhà độc tài Robespierre lãnh đạo.
Tính "phản động" được định nghĩa như là muốn duy trì trật tự xã hội hiện hữu, và chống lại mọi thay đổi. Vào thời cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1917, tính "phản động" có nghĩa là duy trì vương quyền, các bổng lộc của giới quý tộc, Giáo hội Công Giáo tại Pháp hay Chính Thống Giáo tại Nga.
Ngay từ thời Lê Nin, chữ "phản động" được người CSLX sử dụng, để chụp mũ tất cả những phe nhóm có khuynh hướng chính trị đối lập hầu thẳng tay tiêu diệt. Vốn là đàn em và là những đệ tử trung thành của Lê Nin và Stalin, các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp luôn dùng chữ "phản động" như là một chiêu bài tận diệt đối lập.
Mãi đến năm 1990, tại Việt Nam, Nga và Trung Quốc các phe nhóm bảo thủ, bảo hoàng , ngay cả những chính đảng chủ trương dân chủ tiến bộ, cũng đều bị chụp mũ là phản động. Sau khi Liên Bang Xô Viết và toàn bộ khối chư hầu tại Đông Âu và Trung Á bị sụp đổ, thì những quốc gia CS còn sót lại trên thế giới đều bị phơi bày là các thế lực phản động nhất của nhân loại. Tưởng cần nhắc lại, mặc dù Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ nhưng hậu duệ của nó là Liên Bang Nga, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin và đảng Nước Nga Thống Nhất (Unified Russia) chính là cánh tay nối dài chế độ công an trị cố hữu tại Liên Xô. Nga Sô ngày nay đang chuyển mình sang dân chủ nhưng trong bản chất vẫn mang mầm mống công an trị thuở xa xưa.
Tình hình nóng bỏng tại Syria là ví dụ điển hình. Trước cao trào dân chủ đang quật ngã các chế độ độc tài từ Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen, đến Miến Điện tại Châu Á. Tại Syria, chính quyền Al-Assad cùng đảng Xã hội Á-Rập Duy Hồi giáo (Arab Socialist Baath Party) đang cầm quyền đã đồng ý thay đổi hiến pháp, và hủy bỏ điều 8 bảo đảm quyền cai trị độc tôn. Tuy nhiên, Al-Assad vẫn mánh mung để mong có thể tái ứng cử vào chức vụ tổng thống trong 2 nhiệm kỳ nữa. Ngòai ra, đảng của ông ta còn liên tục tấn công vào các vị trí của Quân đội Syria Tự do, và tàn sát hàng ngàn người đối lập.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ khong đọc) qua các quốc gia dân chủ Tây Phương, đã nhiều lần kêu gọi áp dụng các biện pháp mạnh kể cả việc phong toả kinh tế Syria, và trang bị thêm vũ khí cho phe đối lập. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng, vì Nga và Trung Quốc là 2 trong 5 siêu cường có quyền phủ quyết tại HĐBA (Nga và Trung Quốc đã phủ quyết mọi đề nghị của HĐBA nhằm ngăn chận các hành động diệt chủng của ông Assad). Uỷ viên Đặc quyền LHQ có trách nhiệm giải quyết cuộc xung đột tại Syria là ông Kofi Annan (cựu Tổng Thư ký LHQ) đã phẫn uất loan báo từ chức vào ngày 2 tháng 8 vừa qua, để phản đối sự trì trệ gây nhiều tổn thất nhân mạng cho nhân dân Syria. Ông là người chủ trương "kế hoạch 6 điểm" để giải quyết tình hình Syria. Trên nguyên tắc, "kế hoạch 6 điểm" được sự ủng hộ của chế độ Assad cũng như phe đối lập Syria và HĐBALHQ. Nhưng tiếc thay đã thất bại thê thảm, vì dã tâm của chế độ Assad và những cản trở từ Nga và Trung Quốc trong HĐBA.
Vào ngày 3/8/2012, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua quyết nghị gồm có 133 nước bỏ phiếu thuận, 12 nước bỏ phiếu chống, và 31 nước bỏ phiếu trắng. Quyết nghị này ghi rằng: "Chế độ Syria phải chủ động những bước đầu tiên trong việc chấm dứt bạo lực". Quyết nghị cũng yêu cầu TT Bashar Al-Assad hãy từ chức đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới nên cấm vận Syria. Dĩ nhiên, Nga và Trung Quốc đã phản đối lại quyết nghị này.
Không những Nga, Trung Quốc, mà các nước CS còn sót lại trên thế giới cũng đều có lập trường phản động giống nhau, khi họ đối diện với trào lưu dân chủ đang dâng tràn tại Syria và trên khắp thế giới. Nếu tính "phản động" được định nghĩa là "muốn duy trì xã hội trật tự hiện hữu và chống lại mọi thay đổi", thì quả nhiên chính quyền Nga hiện nay và chính quyền tại các nước CS trên thế giới đã trở thành những chế độ phản động nhất nhân loại. Vì sao các chế độ này trở thành những lực lượng phản động của nhân loại? Nguyên do bởi phát xuất từ lòng sợ hãi.
Thế giới hiện nay có khoảng 195 quốc gia, trong đó các chế độ độc tài nhất là độc tài CS chỉ còn đếm trên bàn tay. Mỗi chế độ độc tài bị dân chúng lật đổ, là một đòn tâm lý đả thương cực mạnh đối với các thể chế độc tài còn lại. Sự sụp đổ của thể chế độc tài tại quốc gia này sẽ có tác dụng đẩy mạnh cơn lốc dân chủ, thổi bật gốc độc tài tới các quốc gia khác. Từ đó nỗi kinh hoàng về việc mất mát quyền lực, quyền lợi và đôi khi cả tính mạng, làm các trùm độc tài như Vladimir Putin, Hồ Cẩm Đào, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng ngày đêm lo lắng phập phồng, theo dõi sát tình hình tại Syria, các nước Trung Đông và Miến Điện. Tính "phản động" mà các lãnh tụ CS thường sử dụng, như một chiêu bài để chụp mũ và tiêu diệt các nhóm đối lập sau nhiều thập kỷ độc tài toàn trị, đã ăn sâu vào máu huyết của giai cấp thống trị. CSVN là thành phần phản động nhất của nhân loại, vì đã minh thị ủng hộ chủ trương bảo vệ trật tự hiện hữu tại Syria, mà trong đó ông Assad và Đảng Xã hội Á Rập Duy Hồi Giáo đang nắm quyền tuyệt đối.
Chế độ CSVN cũng mong muốn tương tự. Họ mang tính phản động vì không muốn thay đổi một trật tự xã hội hiện hữu. Đảng và phe nhóm họ đã cai trị dân chúng như trị vì đám dân đen trong thời đại phong kiến. Trong ý nghĩa đó, Nguyễn Phú Trọng là đệ nhất nhân phản động tại Việt Nam khi ông ta từ chối hủy bỏ điều 4 hiến pháp, và không chấp nhận tam quyền phân lập, dân chủ đa nguyên, vốn là trào lưu tiến bộ của nhân loại văn minh.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment