Hai tàu đánh cá Việt Nam bị đâm chìm tại Biển Đông
Trong vòng ba ngày qua, hai tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu lạ đâm chìm khi đang đánh bắt tại Biển Đông rồi bỏ chạy. Được biết vào tối thứ bẩy mùng 4 tháng 8, một tàu cá tỉnh Quảng Nam đã bị một tàu vận tải húc chìm tại vùng biển cách tỉnh Hà Tĩnh 12 hải lý.
Ba ngư dân rớt xuống biển đã được các tàu cá gần đó cứu vớt, nhưng thuyền trưởng Nguyễn Cư, 52 tuổi vẫn còn mất tích. Vào thứ hai mùng 6 tháng 8, một tàu cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bị một tàu lạ đâm chìm khi đang đánh bắt cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 238 hải lý về phía nam. Một tàu cá tỉnh Bình Thuận đã tìm cách cứu các ngư dân gặp nạn suốt đêm thứ hai, nhưng cho đến nay tất cả 7 ngư dân và thuyền trưởng đều mất tích. Hiện nay tàu cá tỉnh Quảng Nam đã được kéo vào bờ trong tình trạng hư hỏng nặng và các ngư cụ đều bị mất. Một ngư dân sống sót cho biết rất nhiều tàu Trung Quốc đang hoạt động tại Biển Đông, nhưng trong đêm tối khó biết được chiếc tàu lạ màu xám là của nước nào.
Phải chăng Nguyễn Tấn Dũng thay Nguyễn Phú Trọng ?
Theo các nguồi tin không chính thức từ các trang mạng "lề trái" được Blog Kami trên trang nhà đài Á Châu Tự Do viết lại, hiện có một nỗ lực xoa dịu các áp lực ngày càng nặng trong nội bộ cũng như của quần chúng bất mãn. Đảng CSVN đã thành lập nhóm nghiên cứu "Sao đổi ngôi" để tìm giải pháp chuyển quyền giữa thủ tướng và chủ tịch nước. Dựa theo phương án này, đảng CSVN hy vọng có thể kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nội bộ đảng một cách dung hòa để tránh né việc kiểm điểm các uỷ viên Bộ Chính trị vào dịp chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp Hành Trung ương đảng. Theo giới quan sát, có nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng sẽ từ chức tổng bí thư đảng và giao lại chức này cho Nguyễn Tấn Dũng. Cùng lúc Nguyễn Bá Thanh sẽ lên làm thủ tướng. Tuy nhiên Nguyễn Bá Thanh sẽ gặp nhiều chống đối từ thành phần lãnh đạo đảng, nhất là Nguyễn Xuân Phúc một người đồng hương với Nguyễn Bá Thanh. Tình hình nội bộ đảng CSVN khá phức tạp khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành mục tiêu kiểm điểm về vấn đề bè phái, thâm thủng ngân sách, và gia đình trị.
Thêm một ni cô Tây Tạng tự thiêu chống Trung Quốc
Chiều thứ ba mùng 7 tháng 8, ni cô Dolkar Kyi, 26 tuổi đã tự thiêu tại tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc sau khi hô to các khẩu hiệu kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về. Thi hài của ni cô đang được các nhà sư trong tu viện canh giữ. Vào một ngày trước, một tu sĩ Tây Tạng từ chùa Kirti cũng châm lửa thiêu tại phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên nhưng được cứu sống và bị công an bắt đi mất. Được biết tỉnh Cam Túc là nơi xẩy ra rất nhiều cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Bắc Kinh vào năm 2008. Trong những tháng gần đây, hơn 40 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính sách của Trung Quốc đàn áp tự do tôn giáo, văn hóa và đưa người Hán đến định cư tại Tây Tạng.
Iran cam kết ủng hộ đồng minh Syria
Ông Saeed Jalili, nhân vật đứng đầu ngành an ninh tại Iran, tuyên bố Iran không để Syria thất thủ vì là một phần thiết yếu của "trục kháng cự" trong buổi gặp gỡ tổng thống Bashar al-Assad tại Damascus vào hôm thứ ba mùng 7 tháng 8. Trên truyền hình nhà nước, tổng thống Assad nói với ông Jalili rằng "nhân dân và chính phủ Syria quyết tâm quét sách thành phần khủng bố ra khỏi đất nước, và phá vỡ các âm mưu của nước ngoài". Được biết 'Trục kháng cự' gồm Iran, Syria, Hezbollah tại Lebanon và nhóm Hồi giáo Hamas Palestine tại Gaza. Trong chuyến công du Nam Phi, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton cảnh báo tình trạng các nhóm khủng bố và các nước can thiệp vào chuyện nội bộ của Syria. Quan chức tây phương quan ngại các nhóm chiến quân hồi giáo lợi dụng cơ hội nhảy vào cuộc chiến hợp tác với phe nổi dậy đang được yểm trợ từ các nước phương tây
No comments:
Post a Comment