Wednesday, April 19, 2023

Tin Tức: Thứ Tư 19.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Minh Nguyệt & Trường An.

1) VKS THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TỪ CHỐI ĐĂNG KÝ BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ CHO ÔNG BÙI TUẤN LÂM

Lý do được VKS viện dẫn là ông Bùi Tuấn Lâm “từ chối nhận sự bào chữa của luật sư”.

Thông báo của VKS nhân dân Đà Nẵng phát đi ngày 12/4 nhưng đến ngày 18/4 mới đến tay các luật sư. Nghĩa là phải mất 6 ngày, thay vì 1 đến 3 ngày như thông thường, cho các dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa. Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm viết trên trang fb cá nhân rằng bà “rất sốt ruột vì chưa được gặp chồng” và bà “mong chờ cuộc thăm gặp của luật sư” để biết tin tức về ông nhưng “VKS đã làm cho thời gian trôi một cách chậm chạp như vậy”.

Bà Lê Thanh Lâm nói rằng bà không tin chồng mình từ chối luật sư vì chính ông Lâm trước khi bị giải đi đã dặn vợ mời luật sư cho mình.

Ông Bùi Tuấn Lâm (39 tuổi), cựu thành viên Con Đường Việt Nam, bị bắt ngày 7/9/2022 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Lâm được cộng đồng mạng xã hội gọi là “thánh rắc hành” sau khi đăng một video clip giễu nhại động tác “rắc muối” của đầu biếp Salt Bea khi phục vụ món bò dát vàng cho bộ trưởng công an Tô Lâm khi ông này đi công du nước ngoài năm 2021.

2/ BẠO QUYỀN VN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐÀN ÁP “XUYÊN QUỐC GIA”

Tổ chức nhân quyền Freedom House đã trích dẫn vụ ông Đường Văn Thái, một người tỵ nạn tại Thái Lan, đột nhiên bị mật vụ VN thông báo bắt giữ, khiến nhiều người nghĩ đến hai trường hợp của hai ông Trịnh Xuân Thanh và Trương Duy Nhất cũng bị bắt cóc đưa về VN chịu án tù.

Trong báo cáo đưa ra, tổ chức này nói rằng VN là quốc gia có các cuộc tấn công những cá nhân ở nước ngoài với biện pháp đàn áp xuyên quốc gia. Theo báo cáo này, bạo quyền Việt Nam bị cáo buộc thực hiện một số chiến thuật trong việc đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm tấn công trực tiếp, tấn công trực tiếp có phối hợp vi quốc gia khác, kiểm soát sổ thông hành và xử dụng nhu liệu gián điệp…

Chia sẻ sâu hơn về tình hình ở Việt Nam, ông Grady Vaughan, người đồng tác giả của bản báo cáo này, cho biết hầu hết các vụ đàn áp xuyên quốc gia do bạo quyền Việt Nam trực tiếp thực hiện đều diễn ra ở các quốc gia khác trong khu vực sông Mekong, chỉ có vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là xảy ra ở Đức.

Về vấn đề kiểm soát sổ thông hành, vào tháng 6 năm 2017, Việt Nam đã tước quyền công dân của ông Phạm Minh Hoàng, một công dân người Pháp, trước khi trục xuất ông về Pháp.

Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức cho biết là tòa đại sứ VN tại Đức từ chối cấp mới sổ thông hành khi hết hạn vào năm 2018. Vào tháng 3 năm 2020, blogger nổi tiếng của Việt Nam đang lưu vong tại Đức, ông Bùi Thanh Hiếu, tuyên bố là ông sẽ không viết na do người mẹ 86 tuổi và các thành viên khác trong gia đình ông ở quê nhà phàn nàn về việc bị tác động bởi an ninh.

Ngoài ra, bạo quyền VN còn trao trả những người tỵ nạn như Trung Cộng hay Miến Điện đang lẩn trốn tại VN về lại đất nước của họ. Điển hình như vụ bàn giao cho Miến Điện 154 người tỵ nạn Rohingya và nhà đấu tranh Đổng Quảng Bình bị trả về cho Trung Cộng vào năm ngoái.

3/ VN YÊU CẦU RÀ SOÁT 6 TẬP ĐOÀN HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG

Bộ thông tin và truyền thông VN, tức bộ 4T, vừa yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ qua mạng lưới internet rà soát hoạt động hợp tác và cho thuê dịch vụ với 6 tập đoàn đang cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, bao gồm 3 công ty Mỹ Netflix, Apple, Amazon, và 3 công ty Trung Cộng là Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

Một trong những quy định là buộc các công ty nước ngoài phải có giấy phép “cung cấp dịch vụ”. Bộ 4T nói việc rà soát là nhằm bảo đảm nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các công ty này vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Netflix đã xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. IQIYI, Tencent và Apple sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Công ty Hồ Nam và Amazon cho biết sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Trong yêu cầu, bộ 4T ra lệnh các giới chức không chấp thuận quảng cáo của các công ty trên khi họ chưa thực hiện các quy định hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền.

Trong quyết định được công bố vào ngày 18/4, bộ 4T cũng yêu cầu các cơ quan phải duy trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề xử lý tin xấu độc và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Theo quyết định này, các công ty ngoại quốc phải ngăn chận và tháo bỏ mọi thông tin độc hại trong vòng 24 giờ.

Theo chiến lược phát triển lãnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, bộ 4T đặt mục tiêu gia tăng thuê bao truyền hình trả tiền lên đến 25 triệu người, gia tăng mức doanh thu truyền hình trả tiền từ 9 ngàn tỷ đồng lên 15 ngàn tỷ đồng.

4/ HẢI ĐỘI NIMITZ CỦA MỸ QUAY LẠI BIỂN ĐÔNG

Hải đội hàng không mẫu hạm Nimitz của Mỹ đã quay lại Biển Đông và tham gia các huấn luyện trên biển, trên không và dưới biển. Cùng tham gia những hoạt động này còn có các chiến đấu cơ.

Phó đề đốc Christopher Sweeney ra thông cáo về hoạt động của hải đội Nimitz như trên và cho biết rõ các hoạt động này nhằm hoàn thành cam kết với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực là “Mỹ không bỏ đi đến nơi nào khác”.

Phó đề đốc Sweeney khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực nhằm giúp củng cố các tuyến liên lạc rộng mở trên biển và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đây là lần thứ ba hải đội mẫu hạm USS Nimitz hoạt động tại Biển Đông kể từ khi được bố trí cho chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào đầu tháng 4 vừa qua, hải đội này đã tham gia cuộc tập trận ba bên với quân đội Nhật Bản và hải quân Nam Hàn tại khu vực Biển Hoa Đông.

5/ MỸ TRỢ GIÚP UKRAINE ĐIỀU TRA TỘI ÁC CHIẾN TRANH CỦA NGA

Bộ trưởng tư pháp Mỹ Merrick Garland vào hôm 17/4 loan báo bộ này dự định bổ nhiệm một công tố viên và một cố vấn pháp lý để giúp Ukraine trong nỗ lực điều tra và truy tố các lực lượng Nga bị tình nghi phạm tội ác chiến tranh.

Công tố viên sẽ có trụ sở tại The Hague, theo thông báo của ông Garland sau cuộc gặp gỡ với giám đốc công tố viện Ukraine, ông Andriy Kostin.

Ông Garland cho biết một cố vấn pháp lý thường trú cũng sẽ được cử đến tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Kiev vào mùa hè này. Ông nói thêm các công tố viên Ukraine đã làm việc với bộ tư pháp Mỹ để điều tra các tội ác chiến tranh mà Hoa Kỳ có quyền tài phán, chẳng hạn như những kẻ giết hoặc làm bị thương người Mỹ.

Quốc hội Mỹ gần đây cũng đã mở rộng thẩm quyền của bộ này để truy tố bất kỳ tội phạm chiến tranh nào được tìm thấy ở Mỹ. Ông Garland cho biết thêm là cuộc điều tra “đang tiến hành rất tốt”. 

Ông Kostin tuyên bố hoan nghênh sự hỗ trợ từ bộ tư pháp Mỹ và cho biết Ukraine cũng đang nói chuyện với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ về khả năng chia xẻ thông tin tình báo để điều tra và truy tố các tội ác chiến tranh cụ thể do người Nga gây ra.

Cần biết là vào tháng 3 năm ngoái, bộ tư pháp Mỹ cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới có tên là KleptoCapture, chuyên thực thi các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất cảng nhằm đối phó nền kinh tế Nga.

6/ CHÁY BỆNH VIỆN Ở BẮC KINH, ÍT NHẤT 21 NGƯỜI THIỆT MẠNG

Ít nhất 21 người đã thiệt mạng khi hỏa hoạn bộc phát trong khu nội trú ở một bệnh viện tại thủ đô Bắc Kinh.

Vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Trường Phong ở quận Phong Đài vào hôm 18/4 đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Lửa đã bùng lên tại khoa điều trị nội trú của bệnh viện này. Sở cứu hỏa Phong Đài đã nhận được tin báo về vụ cháy lúc 1 giờ trưa.

Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt. Tuy nhiên công việc cứu nạn vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến 3 giờ rưởi chiều. Khoảng 70 bệnh nhân đã được di tản đi nơi khác. Các hình ảnh chia xẻ trên mạng cho thấy một số người nhảy ra khỏi cửa sổ và những người khác nhảy xuống các mái nhà thấp hơn.

Tính đến 6 giờ chiều ngày 18/4, có 21 người chết được ghi nhận trong vụ hỏa hoạn này. Đây là một trong những vụ hỏa hoạn gây chết người nhiều nhất ở Bắc Kinh trong những năm gần đây. Số người tử vong đã vượt qua số người chết trong vụ hỏa hoạn năm 2017 khiến 19 người thiệt mạng trong một tòa nhà hai tầng chật chội ở quận Đại Hưng thuộc ngoại ô phía nam của Bắc Kinh.

Bệnh viện Trường Phong là một bệnh viện tư nhân được thành lập vào năm 1985, trực thuộc tập đoàn bệnh viện Trường Phong Bắc Kinh. Tập đoàn này được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình ra lệnh phải nỗ lực điều trị những người bị thương, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra.

No comments:

Post a Comment