Thursday, April 27, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 27.04.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ VN PHỦ NHẬN BÀ PHẠM ĐOAN TRANG LÀ NHÀ BÁO

Trong văn thư trả lời chất vấn của LHQ, đại diện VN vào ngày 6/4 nói rằng bà Phạm Đoan Trang không phải là nhà báo và bị đưa ra tòa án vì các hoạt động chống phá chế độ chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí.

Đại diện VN cũng nói rằng các phương tiện truyền thông tại VN trong những năm qua cũng phát giác bà Đoan Trang cấu kết với các thế lực phản động nước ngoài nhằm mục đích lật đổ nhà nước CSVN. Phía Việt Nam còn nhấn mạnh bà Phạm Đoan Trang xuất bản trái phép những ấn phẩm có nội dung “tuyên truyền, hướng dẫn cách tập hợp lực lượng, đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật”.

Bà Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020 sau đó bị bạo quyền Hà Nội kết án 9 năm tù giam vào tháng 12 năm 2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”. Là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm lưu hành tại VN như “Chính trị Bình dân”, “Cẩm nang Nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực” và một số báo cáo song ngữ về các vụ án lớn, như vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm.

Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa Tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh. Các hoạt động nhân quyền của bà Phạm Đoan Trang mang lại cho bà nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông 2022 của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need, Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới, Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Giám sát Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả và Văn bút Hoa Kỳ đã kêu gọi bạo quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.

2/ LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO ÔNG BÙI TUẤN LÂM BỊ LÀM KHÓ DỄ

Tòa án Đà Nẵng đang gây khó dễ cho Luật sư Lê Đình Việt trong việc gặp gỡ với nhà đấu tranh Bùi Tuấn Lâm, người được gọi là “thánh rắc hành”, trong phiên tòa sắp tới đây.

Ông Lâm là chủ nhân xe bán bún bò Huế, được biết đến với cuốn phim chế nhạo động tác của "thánh rắc muối" Salt Bae khi đút bò dát vàng cho Bộ trưởng công an Tô Lâm, và sau đó được dân mạng gọi là "thánh rắc hành".

Sau cuốn phim này ông bị công an Đà Nẵng gây khó dễ và bị mời làm việc nhiều lần. Ông bị bắt ngày 7/9 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CSVN". Luật sư Lê Đình Việt được gia đình ông Lâm mời bào chữa cho phiên tòa sơ thẩm và đã nhận được giấy chứng nhận vào ngày 24/4 sau khi kết thúc điều tra.

Ông Việt cho biết ngay khi nhận được giấy chứng nhận, ông đã đến trại giam của công an Đà Nẵng để gặp thân chủ nhưng ông không được đám cai tù cho gặp. Trong khoảng 10 năm hành nghề, Luật sư Việt đã tham gia bào chữa trong 4 vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nhưng ông chưa bao giờ bị gây khó khăn trong việc tiếp xúc với thân chủ.

Theo cáo trạng, ông Bùi Tuấn Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên mạng “Peter Lam Bui” và 25 cuốn video và bài viết lên trang YouTube trong thời gian từ ngày 17/4 năm 2020 đến ngày 26/7 năm ngoái có nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng nhà nước” và “bịa đặt, gây hoang mang trong dân chúng”.

3/ CUỘC ĐIỆN ĐÀM ĐẤU TIÊN GIỮA CHỦ TỊCH TRUNG CỘNG VÀ TỔNG THỐNG UKRAINE

Lấn đầu tiên kể từ khi cuộc xăm lăng của Nga ở Ukraine, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm qua. Bộ ngoại giao Trung Cộng cùng lúc đó loan báo sẽ gửi một phái đoàn đến Ukraine để tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến này.

Trong cuộc điện đàm, họ Tập khẳng định là Trung Cộng luôn đứng về phía hòa bình và nhấn mạnh với ông Zelensky rằng đàm phán là con đường  duy nhất để chấm dứt cuộc chiến này.

Trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky cũng cho biết ông vừa có một cuộc trao đổi “dài và có ý nghĩa” với họ Tập. Ông cũng hy vọng quan hệ song phương Ukraine  và Trung Cộng được phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù là giữ lập trường trung lập đối với cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, Trung Cộng cho tới nay chưa hề lên án cuộc chiến tranh xâm lược do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động. Thậm chí gần đây ông Tập Cận Bình đã đến Moscow để tái khẳng định quan hệ chặt chẽ giữa Trung Cộng với Nga. Tuy nhiên Tổng thống Zelensky từ nhiều tháng qua vẫn nói ông sẵn sàng thảo luận với Tập Cận Bình. 

Vào tháng 2 vừa qua, Trung Cộng đã công bố một kế hoạch 12 điểm, nội dung kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.

4/ ĐÀI LOAN TẬP TRẬN PHẢN CÔNG CUỘC BAO VÂY CỦA TRUNG CỘNG

Cuộc tập trận thường niên của Đài Loan năm nay có tính đến các cuộc tập trận gần đây của Trung Cộng và tập trung vào việc phá vỡ phong tỏa này, theo lời bộ quốc phòng Đài Loan cho biết vào hôm 26/4. Trong lúc đó một quan chức an ninh cấp cao cho hay Đài Loan hiện đã kết nối với liên minh tình báo “Ngũ nhãn”.

Cần biết là Trung Cộng đã gia tăng tập trận về tấn công và phong tỏa xung quanh Đài Loan trong tháng qua. Các cuộc tập trận được tiến hành sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở Los Angeles.

Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết cuộc tập trận “Hán Quang” sẽ được chia thành hai phần, diễn tập trên sa bàn từ ngày 15 đến 19/5 và huy động lực lượng tập trận bắn đạn thật từ ngày 24 đến 28/7. Trọng tâm sẽ là bảo tồn lực lượng chiến đấu và đánh chặn trên biển”, theo tuyên bố của bộ này.

Chương trình sẽ bao gồm việc xử dụng các phi trường dân sự và phân tán các căn cứ không quân, cũng như ngụy trang lực lượng trên mặt đất. Yếu tố hải quân trong cuộc tập trận sẽ tích hợp hải, lục, không quân để tấn công các chiến hạm đổ bộ và để bảo vệ các tuyến hàng hải và đẩy lui nỗ lực phong tỏa.

Tướng Lâm Văn Hoàng, trưởng phòng tác chiến của bộ quốc phòng Đài Loan, cho biết tại một cuộc họp báo là các cuộc tập trận sắp tới đều dựa trên mối đe dọa xâm lược Đài Loan của quân cộng sản Trung Hoa.

Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ tại quốc hội vào hôm 26/4, ông Sái Minh Ngạn, Tổng giám đốc cơ quan tình báo Đài Loan, cho biết đã nâng cấp hệ thống điện toán để trao đổi thông tin tình báo với liên minh Ngũ Nhãn bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand.

5/ NGA DE DỌA SẼ TỊCH THU THÊM TÀI SẢN CỦA PHƯƠNG TÂY

Điện Cẩm Linh hôm 26/4 lên tiếng đe dọa là sẽ tịch thu thêm tài sản của phương Tây để trả đũa các hành động của các nước này nhắm vào các công ty Nga, sau khi nắm quyền kiểm soát các tài sản thuộc về các công ty Fortum của Phần Lan và Uniper của Đức.

Tổng thống Vladimir Putin vào tối 25/4 đã ký sắc lệnh thiết lập quyền kiểm soát tạm thời các tài sản ở Nga của hai tập đoàn năng lượng Âu châu. Tập đoàn năng lượng Fortum cho biết họ đang điều tra và Uniper, công ty con trước đây của Fortum, cho biết họ đang xem xét hành  này của nước Nga.

Sắc lệnh cho thấy Moscow đã có hành động nhằm vào chi nhánh của Uniper ởNga và tài sản của Fortum. Nga nói rõ là hành động này có thể được đảo ngược.

Moscow đã phản ứng giận dữ trước tin  khối G-7 đang xem xét lệnh cấm gần như hoàn toàn xuất cảnh sang Nga, trong khi nhiều nước kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn để hạn chế khả năng chiến đấu của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Liên minh Âu châu đang xem xét xử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine. Nước Đức đã quốc hữu hóa chi nhánh của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vào năm ngoái.

Cần biết tập đoàn Uniper sở hữu gần 84% Unipro, hãng vận hành 5 nhà máy điện với tổng công suất hơn 11 Gigawatt ở Nga và thuê khoảng  hơn 4 ngàn nhân viên. Trong khi đó Fortum thuộc sở hữu chủ yếu của Phần Lan, nước đã gia nhập liên minh quân sự NATO vào đầu tháng.

No comments:

Post a Comment