Friday, April 21, 2023

Sách lược ngoại giao “vì bè vì đảng” chứ không “vì nước vì dân” của Đảng CSVN.

Quan Điểm

Trong một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, có sự cạnh tranh công khai và công bằng giữa các lực lượng chính trị khác nhau, thì chính đảng nào cũng phải lấy lấy quyền lợi của nhân dân và tổ quốc làm cứu cánh. Ngược lại, trong một chế độ độc tài đảng trị, vắng bóng cạnh tranh, như CSVN, thì đảng chỉ vì quyền lợi vị kỷ của mình mà vứt quyền lợi nhân dân vào sọt rác.

Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài Quan Điểm của LLDTCNTQ với tựa đề: “Sách lược ngoại giao “vì bè vì đảng” chứ không “vì nước vì dân” của Đảng CSVN.” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay. 

Thứ Bảy ngày 15 tháng 4 vừa qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ là Anthony Blinken thăm viếng Việt Nam và đã hội đàm cùng thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính. Vào dịp này, ông cũng động thổ tiến hành xây dựng trụ sở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội với chi phí xây cất lên đến 1,2 tỷ Mỹ Kim.

Hoa Kỳ luôn ý thức những vi phạm nhân quyền trầm trọng của CSVN, nhưng Việt Nam giữ một vai trò địa chính trị quan trọng tại Á Châu- Thái Bình Dương nên Hoa Kỳ đánh giá cao nhu cầu nâng cấp ngoại giao hầu kiềm tỏa tham vọng bá quyền của CSTQ.

Cả hai Ông Phạm Minh Chính lẫn Anthony Blinken đề bày tỏ ý nguyện muốn nâng cao tầm mức quan hệ song phương. Tuy nhiên mục tiêu này không phải hoàn toàn không gặp trở lực từ nội bộ chính đảng CSVN.

Trước hết, sách lược ngoại giao của CSVN gồm 3 cấp bậc đối tác sau đây từ cao nhất đến thấp nhất và 2 loại đối tác nằm ngoài các đẳng cấp.

Theo Wikipedia thì:

1.     Cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện:

“Hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Tới nay, chỉ có 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022)” 

2.     Tiếp theo là Đối tác chiến lược: 

“Là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng bao gồm Nhật, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, Australia và New Zealand”. 

3.     Cuối cùng là Đối tác toàn diện

“Là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai”. Hoa Kỳ và 12 quốc gia khác nằm trong diện này. 

Ngoài ra còn 2 loại đối tác đặc biệt nữa là Đối tác chiến lược lĩnh vực là sự hợp tác trong một lĩnh vực nào đó mà cả hai nước đều có sự tin cậy lẫn nhau với Hà Lan. Sau cùng là Quan hệ đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với Việt Nam, gắn bó với quá trình lịch sử lâu dài. Gồm Lào, Cam Bốt và Cuba. 

Điểm đáng chú ý quan trọng của sách lược ngoại giao nêu trên của CSVN là cấp đối tác cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện” lẫn cấp đối tác thứ nhì là “đối tác chiến lược” đều không có Hoa Kỳ. Thay vào đó thì Nga Sô, là một quốc gia không lợi ích gì cho nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, là hiểm họa bá quyền to lớn của dân tộc, lại nằm trong diện đối tác tối quan trọng này.

Thêm vào đó, khi chúng ta xét đến quyền lợi kinh tế của dân tộc thì những con số thống kê khách quan, không biết dối trá cho thấy:

Theo thông Tín Xã Reuters ngày 10 tháng 1, 2023 thì cán cân thương mai của Việt Nam với Hoa Kỳ thặng dư 81 tỷ Mỹ Kim (MK) vào năm 2021 và tăng lên 94.9 tỷ MK trong năm 2022. Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam ở mức độ 109 tỷ MK vào năm 2022.

Trong khi đó, cùng một thời gian, cán cân thương mại Việt Nam thâm thủng với TQ 54 tỷ MK vào năm 2021 và tăng đến 60.2 tỷ MK trong năm 2022. Giá trị hàng hóa Việt Nam nhập cảng từ TQ tăng 6.6% lên đến 117.87 tỷ MK.

Hậu quả là trong năm 2021, nhân dân Việt Nam lao động cực khổ để kiếm lời được từ Hoa Kỳ 81 tỷ MK để đảng CSVN, qua sách lược “đối tác” ngu xuẩn của mình, dâng cho CSTQ 54 tỷ MK. Trong năm 2022 thì nhân dân lao động lời được 94.9 tỷ MK từ Hoa Kỳ để CSVN dâng cho CSTQ 60.2 tỷ MK.

Đó là chưa kẻ TQ chủ trương Đường Lưỡi Bò tại Biển Đông cướp đi sự sống còn của ngư dân Việt Nam, chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, một nửa Thát Bản Giốc, Ải Nam Quan và nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải khác của dân tộc.

 

Sách lược ngoại giao “vì đảng” chứ không “vì dân” của CSVN trong qua khứ đã đem đến nhiều trì hoãn và gây nhiều thiệt hại về ngân sách (có thể lên đến hằng trăm tỷ Mỹ Kim trong suốt nhiều thập niên), đà phát triển kinh tế và yếu tố quốc phòng cho dân tộc Việt.

Đảng CSVN không những phải lập tức nâng cấp Hoa Kỳ như đối tác chiến lược toàn diện mà còn phải nhanh chóng giải thể độc tài toàn trị, tiến đến một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. Tóm lại, đảng phải vĩnh viễn buông bỏ chủ trương “vì bè vì đảng” mà hạ quyết tâm “vì nước vì dân” hầu đất nước có thể hóa rồng trên bầu trời Đông Á.

Xin cám on quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment