Saturday, November 2, 2024

Nhạc sĩ Trúc Phương

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một con người tài hoa, hát rất hay, đàn cũng giỏi, sống đời đạm bạc. Ông là một nhạc sĩ “nhạc vàng” của miền Nam trước năm 1975, được nhiều người mến mộ. Và được giới mộ điệu tặng danh hiệu “Ông hoàng Bolero” nhờ vào những ca khúc trử tình do ông sáng tác qua thể điệu Bolero.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Trúc Phương” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ông lên Sài Gòn học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với nhạc sĩ Đỗ Lễ và ca sĩ Thanh Thúy, Ánh Tuyết.

Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Trúc Phương viết vào năm 1957 là bài Tình thương mái lá Tình thắm duyên quê, sau đó là ca khúc Chiều làng quê (1958) và Đò chiều (1959).

Ông lập gia đình với một hoa khôi của tỉnh Bến Tre khi cô này vừa tròn 17 tuổi. Ông chọn bút hiệu Trúc Phương vì xung quanh nhà ông trồng nhiều tre trúc, ông yêu thích âm thanh kẽo kẹt của bụi tre mỗi khi có gió.

-Năm 1960, ông sáng tác ca khúc Tàu đêm năm cũ để tặng cho những người phải xa nhà vì lệnh hoán chuyển sĩ quan và công chức dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhạc phẩm này với điệu Bolero đã nổi tiếng và trở thành bất hủ, đến nay vẫn được nhiều người ưa thích.

Ngoài ra, ông cũng mở lớp nhạc “Trúc Phương Tự Lực”, đào tạo một số ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông, nhưng không được nổi tiếng lắm. Tuy vậy, có nhiều ca sĩ nổi tiếng là nhờ hát các nhạc phẩm do ông sáng tác như: Thanh Thúy, Chế Linh, Duy Khánh .v.v. Với ca sĩ Thanh Thúy, ông viết tặng riêng 5 bài: Hình bóng cũ, Lời ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu trong mắt một người Mắt chân dung để lại.

-Từ năm 1965 đến năm 1975, ông sáng tác nhiều bản tình ca nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng, (đặc biệt là các chiến sĩ Cộng Hòa) như bài: Ai cho tôi tình yêu, Bông cỏ may, Con đường mang tên em,

-Năm 1976, do vượt biên thất bại, nhà ông bị tịch thu. Năm sau, ông vượt biên thêm 2 lần nữa, nhưng không thành công. Lúc ra tù, không nhà cữa, vợ con ly tán, ông lưu lạc sinh sống ở Vĩnh Bình, Vĩnh Long và vài nơi khác, nhưng những năm cuối đời ông trở về Sài Gòn.

-Tháng 3 năm 1995, ông sáng tác nhạc phẩm Xin cảm ơn đời với ca từ được xem như tâm tình và uẩn khúc của mình gửi lại cho đời.

-Ông từ trần ngày 18/9/1995 vì bệnh phổi, được an táng ở nghĩa trang Lái Thiêu. Sáu người con ông đều có mặt trong tang lễ, kể cả 2 người ở Hoa Kỳ và một ở Úc.

Ông ra đi, để lại cho đời hơn 80 nhạc phẩm. Sau khi ông mất, nhạc sĩ Nhật Ngân ở Hoa Kỳ có viết ca khúc Gửi người về cát bụi với lời nhạc nhắc đến tên một số nhạc phẩm của ông.

-Năm 2023, để tưởng niệm 28 năm ngày ông qua đời, Trung Tâm Làng Văn giới thiệu tiếng hát Hương Lan trong tuyển tập Những tình khúc Trúc Phương hay nhất qua chủ đề “Tàu Đêm Năm Cũ”.

*****

Trúc Phương là một nhạc sĩ sống đời đạm bạc, luôn tự trọng, nên được bạn bè và đồng nghiệp thương mến. Ông sống trong cảnh khổ, nhưng không bao giờ than thở. Ông không trách đời, không trách người. Trong bài Thói đời, ngay trong câu đầu tiên ông viết: Đường thương đau đày ải nhân gian,

Ai chưa qua chưa phải là người.

Trong thói đời, cười ra nước mắt,

Xưa trắng tay, gọi tên bằng hữu.

Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,

Còn gian dối cho nhau.

Nhạc phẩm nổi tiếng này hiện vẫn được nhiều ca sĩ chọn lựa để hát trong các chương trình nhạc hội. Lời ca trong nhạc phẩm của Trúc Phương thường là nổi đau tình yêu, chia lìa, hợp tan. Trong bài Nữa đêm ngoài phố, qua giọng “liêu trai” của ca sĩ Thanh Thúy, diễn tả cảnh quen nhau trên đường phố vắng, buồn lê thê, ghi lại kỷ niệm với nuối tiếc, đã đưa nhạc phẩm này lên đỉnh cao trong làng âm nhạc.

Âm nhạc có sức mạnh như giòng suối, nó ngấm sâu và tuôn chảy liên tục. Cũng như thời gian rồi sẽ qua đi, chỉ có tình ca mãi ở lại vì nó in đậm nét trong lòng người.

Mặc dù nhạc sĩ Trúc Phương qua đời hơn 28 năm, nhưng tên tuổi ông vẫn sống trong lòng giới mộ điệu. Kính chào vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa của vùng đất Vĩnh Bình, đã yên nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng. 

 

No comments:

Post a Comment