Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1) CỐ VẤN NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ THĂM VIỆT NAM, BÀN VỀ AN NINH VÀ NHÂN QUYỀN
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Derek Chollet, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Tony Blinken, thăm Việt Nam từ ngày 28/3 đến ngày 02/4 với mục tiêu tái khẳng định cam kết của Hoa Thịnh Đốn về vấn đề an ninh khu vực, tình hình Ukraine và sẽ thảo luận với giới lãnh đạo ở Hà Nội về vấn đề nhân quyền.
Ông Chollet có lịch trình gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam để khẳng định quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông và những người đồng cấp Việt Nam cũng sẽ thảo luận về các cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh. Ông cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền.
2) TOẠ ĐÀM HỌC THUẬT VỀ UKRAINE Ở HÀ NỘI BỊ CHẶN
Nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn cản một cuộc toạ đàm học thuật về chiến tranh ở Ukraine mà không nêu lý do.
Cuộc toạ đàm với tựa đề “Cuộc chiến Nga – Ukraine và tác
động đến cục diện quốc tế” dự kiến được tổ chức tại trụ sở của Liên hiệp các hội
khoa học (VUSTA) ở phố Nguyễn Du, Hà Nội, với sự tham gia của nhiều diễn giả vốn
là cựu quan chức của chế độ. Sự kiện tập trung vào ba chủ đề chính là Nhận diện
cuộc chiến:
i. “Chiến
dịch quân sự đặc biệt” hay “chiến tranh xâm lược”;
ii) Tác động đối với thế giới/ khu vực;
iii) Tác động đối với Việt Nam.
Khách tham dự đa phần là học giả cựu quan chức của nhiều cơ quan của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, khi buổi toạ đàm chuẩn bị diễn ra thì Chánh văn phòng của VUSTA nói rằng vấn đề Ukraine là nhạy cảm và vì thế theo lệnh trên thì không được tổ chức tại cơ quan của ông ta.
Trong số khách tham dự có đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ukraine-talk-was-intervened-04022022150602.html
3) CHIẾN TRANH UKRAINE LÀM TĂNG GIÁ PHÂN BÓN, NÔNG DÂN VIỆT NAM GẶP KHÓ KHĂN
Là một quốc gia có quan hệ kinh tế khá quan trọng với cả hai nước Nga và Ukraina, cũng như là một nước xuất cảng rất nhiều hàng hóa, Việt Nam đang bắt đầu bị tác động gián tiếp của cuộc chiến tranh Ukraina. Đáng chú ý là việc tăng giá dầu thô do xung đột Nga-Ukraina đã ảnh hưởng lây đến ngành nông sản của Việt Nam, nhất là do giá phân bón tăng theo.
Như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Đại học Victoria, Wellington, New Zealand, Việt Nam bị tác động gián tiếp của chiến tranh Ukraina, từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến giá năng lượng và lương thực tăng cao, nhất là nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tác động từ những cú sốc bên ngoài.
Chiến tranh Nga-Ukraina tác động đến thị trường phân bón toàn cầu, bởi vì Nga cũng là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Theo báo chí trong nước, tình hình này sẽ khiến giá phân bón ở Việt Nam tăng cao trong thời gian tới, nhất là vì các tỉnh phía Nam Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng Tư, còn các tỉnh phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần.
Người nông dân sử dụng phân hóa học đang khổ sở vì giá thành của lúa tăng lên rất cao, nhưng giá bán lúa gạo không tăng theo kịp.
4) HOA KỲ VIỆN TRỢ THÊM KHÍ TÀI TRỊ GIÁ 300 TRIỆU MỸ KIM CHO UKRAINE
AFP đưa tin Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân sự bổ sung đến 300 triệu Mỹ kim cho Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ John Kirby nêu rõ “Hoa Kỳ hiện đã cam kết trợ giúp quân sự cho Ukraine hơn 2,3 tỷ Mỹ kim kể từ khi chính quyền Biden lên cầm quyền, trong đó có hơn 1,6 tỷ hỗ trợ quân sự từ ngày nổ ra cuộc xâm lược vô cớ và có tính toán trước từ phía Nga.”
Gói hỗ trợ mới lần này bao gồm việc cung cấp hệ thống hoả tiễn dẫn đường bằng laser, phi cơ không người lái Switchblade cũng như là một số loại drones Puma hạng nhẹ.
Quyết định này nhấn mạnh cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ủng hộ cuộc chiến anh hùng đẩy lùi chiến tranh do Nga phát động.
5) NGA RÚT QUÂN NHANH KHỎI MIỀN BẮC UKRAINE, DỒN QUÂN VỀ MIỀN ĐÔNG VÀ MIỀN NAM
Quân đội Nga đang nhanh chóng rút khỏi miền bắc của Ukraine để tái bố trí tại miền đông và miền nam, nhằm củng cố các lãnh thổ đã chiếm.
Quân Nga rút nhanh khỏi các vùng Kiev và Tcherniguiv và chuyển hướng tập trung quân vào hai khu vực đông và nam của Ukraine. Về phần mình, thống đốc vùng miền bắc Tcherniguiv, Viatcheslav Tchaous, xác nhận quân Nga đã rút khỏi vùng này, và cho biết thêm, đêm hôm qua thành phố Tcherniguiv đã không còn bị Nga oanh kích, như từ nhiều tuần nay.
Phía Ukraine cho rằng quân Nga đã chọn “một chiến thuật ưu tiên khác”- đó là hướng đến kiểm soát chắc chắn nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn đã chiếm được (không chỉ ở Donetsk và Lugansk – tức khu vực hai nước cộng hòa tự phong), để giành được thế mạnh trên bàn đàm phán.
Tại miền nam, quân đội Nga tiếp tục mưu toan tiến về phía tây. Ở vùng Odessa, hệ thống phòng không của quân đội Ukraine đã bắn hạ được nhiều hoả tiễn Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng của thành phố cảng, nhìn ra Biển Đen. Ba hoả tiễn lọt lưới phòng không, đánh trúng vào khu vực dân cư.
No comments:
Post a Comment